SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Không nắm vững pháp lý về hợp đồng, doanh nghiệp Việt dễ thua thiệt trong tranh chấp thương mại quốc tế

[02/08/2019 11:13]

Đa phần các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam còn lúng túng, chưa nắm vững vấn đề pháp lý trong hợp đồng thương mại quốc tế nên dễ thua thiệt khi phát sinh tranh chấp với đối tác. Nắm vững Công ước của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiết giảm rất nhiều chi phí.

Trong 2 ngày 30 và 31/7, tại TP. Đà Nẵng, Sở Công Thương thành phố phối hợp với Vụ Pháp chế - Bộ Công Thương tổ chức tập huấn “Hiểu và áp dụng CISG để tham gia hiệu quả hơn vào thương mại quốc tế”.

PGS.TS Nguyễn Minh Hằng hướng dẫn các doanh nghiệp ứng dụng CISG trong phiên trọng tài giả định.

Ông Nguyễn Hà Bắc – Phó Giám đốc Phụ trách Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, khóa tập huấn hướng đến hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu của thành phố nắm được nội dung cơ bản của CISG, chủ động trong việc áp dụng CISG trong giai đoạn soạn thảo hợp đồng, quản trị rủi ro pháp lý thực hiện hợp đồng và xử lý tranh chấp, từ đó nâng cao vị thế pháp lý của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào thương mại quốc tế.

Ông Ngô Đức Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam thông qua việc tham gia Công ước Viên của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG hay còn gọi là Công ước Viên) vào cuối năm 2015 và chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 1/1/2017. Đây là luật tư đầu tiên Việt Nam tham gia dựa trên đề xuất từ cộng đồng doanh nghiệp. Tại khu vực ASEAN, mới chỉ có Việt Nam và Singapore tham gia CISG.

Trừ khi các bên thỏa thuận một nguồn luật khác, công ước này về nguyên tắc sẽ điều chỉnh các hợp đồng mua bán hàng hóa giữa doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác tại 85 quốc gia thành viên khác, trong đó, có nhiều đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, hầu hết các quốc gia của EU…

“Việc Việt Nam tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTAs) mở ra cánh cửa lớn cho doanh nghiệp đưa hàng hóa ra khỏi phạm vi Việt Nam, tìm đến được với nhiều thị trường mới, đối tác mới trên thế giới. Nhiều hợp đồng thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác trên toàn thế giới được ký kết. Nhưng, khi phát sinh tranh chấp thương mại thì doanh nghiệp Việt thường lúng túng và chịu thiệt. Nắm vững CIGS sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết được vấn đề đó”, ông Minh nói.

Theo ông Minh, việc đàm phán và tham gia FTAs là từ những nỗ lực đàm phán và cải cách thể chế của Chính phủ, các Bộ ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tìm cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tìm kiếm các đối tác mới, thị trường mới. Nhưng, FTAs là “luật công”, nói cách khác, nó được điều chỉnh bởi Chính phủ các nước thành viên của từng FTAs, nó chỉ tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu, gia tăng lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia không tham gia FTAs thông qua việc gỡ bỏ hoàn toàn hoặc một phần thuế quan. Tất nhiên, tận dụng được cơ hội đó hay không là ở sự chuẩn bị và năng lực của doanh nghiệp. Trong trường hợp doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội, sẽ có nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được hình thành giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác quốc tế. Và khi hợp đồng được ký kết thì tất cả các phát sinh tranh chấp sẽ không thuộc phạm vi giải quyết của “luật công” mà sẽ phải áp dụng “luật tư”, mà cụ thể ở đây là CISG.

Tuy nhiên, ông Minh cũng cho biết, hiện rất ít doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, tìm hiểu và nắm vững về CISG. Cũng vì vậy, khi phát sinh tranh chấp, thường doanh nghiệp Việt Nam phải chịu thiệt thòi.

Trên thực tế, đã có nhiều vụ việc tranh chấp mà doanh nghiệp Việt là người chịu thiệt do không nắm CISG, điển hình là vụ lừa L/C của hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hồi cuối năm 2016

Tiếp lời của ông Minh, PGS.TS Nguyễn Minh Hằng – Trưởng Khoa Luật – Đại học Ngoại thương, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), thành viên CISG Việt Nam viện dẫn trường hợp hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam (thành viên VASEP) bị lừa L/C hồi cuối năm 2016. Theo bà Hằng, để xảy ra rủi ro này một phần lỗi đến từ các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản không nắm vững được pháp lý của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

“CISG được coi như là một bệ đỡ pháp lý về mặt hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế - lĩnh vực hầu như không có luật quy định. Áp dụng được CISG sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm được rất nhiều chi phí, đặc biệt là cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, để áp dụng được, trước tiên doanh nghiệp phải hiểu và nắm vững công ước này”, bà Hằng nói.

Thông tin về CISG, PGS.TS Nguyễn Minh Hằng cho biết, CISG chứa đựng các quy định cơ bản như giao kết hợp đồng, nghĩa vụ của người bán và người mua, vi phạm hợp đồng và chế tài, các trường hợp miễn trách nhiệm.

Đến nay, CISG là một trong các điều ước quốc tế về thương mại thành công nhất với 91 quốc gia thành viên, xử lý hơn 3.000 án lệ, điều chỉnh các giao dịch thương mại chiếm 2/3 giao dịch thương mại quốc tế. Doanh nghiệp Việt Nam áp dụng CISG sẽ giúp giảm chi phí đàm phán chọn luật áp dụng, CISG tự động áp dụng cho hợp đồng giữa Việt Nam và 84 quốc gia thành viên còn lại, áp dụng một nguồn luật cơ bản, thống nhất từ đó tăng cường xuất nhập khẩu.

Tại buổi tập huấn, PGS.TS Nguyễn Minh Hằng cũng thông tin đến doanh nghiệp các trường hợp áp dụng CISG đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mà một bên là doanh nghiệp Việt Nam; các điều khoản loại trừ; các nguyên tắc giải thích và áp dụng, án lệ CISG; thông tin về nghĩa vụ của người bán và người mua cùng các chế tài do vi phạm hợp đồng theo CISG, có so sánh với pháp luật Việt Nam.

Các doanh nghiệp trao đổi trong tình huống phiên trọng tài giả định giải quyết tranh chấp về hủy hợp đồng và bồi thường thiệt hại có áp dụng CISG

Ngoài ra, trong chương trình, các doanh nghiệp xuất khẩu được Luật sư, ThS. Nguyễn Trung Nam – Trọng tài viên VIAC hướng dẫn các các kỹ năng soạn thảo và giao kết hợp đồng theo CISG; chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn để phòng ngừa, hạn chế rủi ro hợp đồng. Và ThS Phan Trọng Đạt – Trọng tài viên VIAC hướng dẫn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài sử dụng CISG. Các doanh nghiệp cũng tham gia vào phiên trọng tài giả định giải quyết tranh chấp về hủy Hợp đồng và bồi thường thiệt hại có áp dụng CISG.

Theo congthuong.vn (Duc Thuy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ