SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Quan ngại thương mại

[13/08/2019 16:59]

Quan ngại đối với Dự thảo Quy định của EU về quy tắc, thủ tục tuân thủ và thực thi việc hài hoá hoá pháp luật của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm và sửa đổi các quy định có liên quan.

Trong biên bản họp của Ủy ban TBT/WTO ban hành tháng 3/2019, Quy định của EU về quy tắc, thủ tục tuân thủ và thực thi việc hài hoá hoá pháp luật của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm và sửa đổi các quy định có liên quan được thông báo cho WTO với mã thông báo G/TBT/N/EU/542 tiếp tục nhận được quan ngại từ các nước Thành viên WTO. Các quan ngại cụ thể như sau:

- Quan ngại của phái đoàn Trung Quốc

Trung Quốc nhắc lại những nội dung quan ngại đã nêu ra trong phiên họp trước, cụ thể:

+ Đối với thương mại điện tử

Trung Quốc cho rằng quy định này phân biệt đối xử với các mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử xuyên biên giới. Theo Trung Quốc, với thương mại điện tử xuyên biên giới mà trong đó hàng hóa được bán cho người tiêu dùng trên toàn thế giới, là một lĩnh vực phát triển nhanh chóng của nền kinh tế. Bằng cách đơn giản hóa thương mại, thương mại điện tử xuyên biên giới mang đến cho người tiêu dùng EU những lợi ích đáng kể từ việc tiếp cận với nhiều loại hàng hóa hơn với chi phí thấp.

Việc EU đưa ra quy định này sẽ gây tổn hại rất lớn tới lợi ích của người tiêu dùng EU từ thương mại điện tử xuyên biên giới, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn thế giới.

Sẽ là rất khó khăn trong việc chỉ định một nhà điều hành kinh tế ở EU đối với những công ty thương mại điện tử nhỏ. Việc EU yêu cầu chứng nhận để đảm bảo an toàn cho sản phẩm là không cần thiết và sẽ làm gia tăng gánh nặng chi phí

+ Đối với vấn đề về bảo mật thị trường và bảo vệ bí mật của doanh nghiệp

Trung Quốc cho rằng, Điều 14.3 (b) cung cấp cho các cơ quan giám sát thị trường quyền kiểm toán hệ thống, nhưng quyền lực này nằm ngoài sự giám sát đối với chính sản phẩm; Quy định này cũng không nêu rõ mục tiêu, tiêu chí và quy trình kiểm toán, và rất khó để đảm bảo rằng rất nhiều cơ quan giám sát thị trường EU có thể thực hiện quyền lực này một cách công bằng và hiệu quả. Và, do đó, các nhà sản xuất sẽ gặp khó khăn lớn trong việc đáp ứng quy định về kiểm toán này.

Theo dự thảo, cơ quan giám sát thị trường có thể vào nơi làm việc của các cơ sở kinh tế vô điều kiện để kiểm tra, thu giữ hoặc lấy bản sao thông tin, dữ liệu hoặc tài liệu, bất kể phương tiện lưu trữ nào của cơ sở bị kiểm tra; và thậm chí niêm phong bất kỳ cơ sở nào hoặc thu giữ bất kỳ thông tin, dữ liệu hoặc tài liệu nào (Điều 14.3 (d), 14.3 (e)), có liên quan như bí mật thương mại, rủi ro bảo mật thông tin... Điều này đem lại quá nhiều quyền lực cho các nhà thực thi pháp luật. Hầu hết các cơ quan giám sát thị trường châu Âu là các cơ quan phi chính phủ. Mặc dù chúng được chính phủ ủy quyền, nhưng quyền đóng cửa cơ sở và thu giữ thông tin, dữ liệu và tài liệu của các cơ sở kinh tế chỉ là quyền tài phán của cơ quan nhà nước. Nếu không, nó sẽ dẫn đến sự lạm dụng quyền lực và sự hỗn loạn của thị trường.

Vây, với những điều trên, Trung Quốc đề xuất xóa bỏ Điều 14.3 (b), 14.3 (d), 14.3 (e) (2) và 14.3 (e) (3) và nhấn mạnh trong các điều của Chương 5 rằng các cơ quan giám sát thị trường bắt buộc phải thực hiện nghiêm ngặt nhất pháp luật và các quy định, các nguyên tắc bảo mật kinh doanh chuyên nghiệp.

- Quan ngại của phái đoàn Hoa Kỳ

Đại diện Hoa Kỳ cũng bày tỏ quan ngại đối với quy định trên của EU và đề nghị EU phải thông báo lại quy định này.

Về phía EU, đại diện EU cho rằng tuân thủ về an toàn sản phẩm là vấn đề quan trọng đối với người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng ở các quốc gia thành viên EU phải được kiểm tra xem các sản phẩm trên thị trường của họ có an toàn cho công dân của họ hay không. Các cơ quan giám sát thị trường tại EU hiện đang gặp khó khăn trong việc kiểm tra sự tuân thủ của hàng hóa có nguồn gốc bên ngoài EU. Do đó, EU đề xuất Quy định bắt buộc phải có một người ở EU chịu trách nhiệm về thông tin tuân thủ của sản phẩm. EU nhấn mạnh rằng đây không phải là một cách tiếp cận mới. Đã có một số lượng đáng kể quy định tương tự của EU về các sản phẩm khác nhưng không đạt được hiệu quả mong muốn do các loại chuỗi cung ứng thương mại điện tử mới. Các cuộc đàm phán giữa Nghị viện và Hội đồng châu Âu đã dẫn đến một thỏa thuận chính trị liên quan đến quy định trên vào tháng 2/2019. Thỏa thuận này vẫn cần được chính thức hóa, nhưng các thông tin chi tiết đã được công bố.

Liên quan đến việc cần có một người đại diện ở châu Âu, yêu cầu này sẽ chỉ có trong 18 luật của EU về sản phẩm, thay vì 66 như dự kiến trong đề xuất ban đầu. Yêu cầu sẽ áp dụng cho các loại sản phẩm như thiết bị điện và điện tử, máy móc và đồ chơi, nhưng không áp dụng cho các loại sản phẩm đã được xem xét ban đầu, như pin, sơn, dệt may và giày dép. Người đại diện sẽ phải hợp tác và cung cấp thông tin cho chính quyền theo yêu cầu nhưng sẽ không phải chịu trách nhiệm về việc không tuân thủ sản phẩm. Trách nhiệm đối với việc không tuân thủ này sẽ thuộc về nhà sản xuất theo khuôn khổ quy định hiện hành tại EU.

Đại diện của EU tiếp tục lưu ý rằng các trường hợp ngoại lệ dựa trên loại hình hoặc quy mô của các nhà điều hành kinh tế không thể được biện minh vì điều này sẽ không giải quyết được vấn đề và tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà điều hành kinh tế. Tuy nhiên, đối với các ưu đãi liên quan đến bán hàng trực tuyến, các yêu cầu của EU sẽ chỉ áp dụng nếu mục tiêu của doanh số là người dùng cuối cùng của EU. Quy định cũng sẽ hợp lý hóa quyền hạn của các cơ quan giám sát thị trường và sẽ bị ràng buộc bởi nguyên tắc tỷ lệ trong việc thực hiện nhiệm vụ. EU cho rằng, thời gian đến giữa năm 2021 sẽ đủ để các sản phẩm chưa có người đại diện ở châu Âu đáp ứng yêu cầu này. Sau khi thủ tục lập pháp được hoàn tất, Liên minh châu Âu sẽ thông báo cho các Thành viên WTO một cách hợp lệ việc thông qua và áp dụng quy định trên.

Theo tbt.gov.vn (Duc Thuy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ