SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nông nghiệp hữu cơ- Xu hướng tất yếu nâng cao chất lượng nông sản

[24/11/2020 08:26]

Nông nghiệp hữu cơ là một xu hướng phát triển tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Nông nghiệp hữu cơ đảm bảo nâng cao chất lượng nông sản, tạo ra sản phẩm sạch, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lại giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Xu hướng tất yếu

Với sự phát triển mạnh về khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ hóa học, trong sản xuất nông nghiệp đã sử dụng nhiều các loại hóa chất kích thích sự tăng trưởng cây trồng, vật nuôi và một số loại hóa chất phòng trừ sâu bệnh, cỏ dại. Điều này đã mang lại hai kết quả trái ngược nhau, một mặt, năng suất cây trồng vật nuôi tăng cao, mặt khác, việc sử dụng nhiều hóa chất đã dẫn đến an toàn thực phẩm không đảm bảo và môi trường sinh thái bị phá hoại.

Trước thực trạng trên, Việt Nam cũng như các nước khác đã quan tâm nhiều đến nông nghiệp sạch, trong đó có nông nghiệp hữu cơ, diện tích nông nghiệp hữu cơ đang ngày càng tăng lên. Năm 2014, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đạt hơn 43.000 ha, đứng thứ 56/172 nước trên thế giới, thứ ba trong ASEAN (sau Indonesia và Philippines).

Ngoài ra, Việt Nam còn có 20.030 ha mặt nước cho thu hoạch sản phẩm hữu cơ, 2.200 ha cho thu hái tự nhiên, đưa tổng diện tích nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam lên hơn 65.000 ha. Diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam tăng nhanh, gấp hơn 3 lần trong giai đoạn 2007-2014.

Đến nay, diện tích canh tác hữu cơ đã tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010 và đạt khoảng 77.000 ha. Số người tham gia sản xuất hữu cơ ngày càng tăng, giá trị sản phẩm hữu cơ cũng tăng cả về lượng và chất. Tuy nhiên, đây vẫn là con số quá nhỏ so với 11,53 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Điều này cho thấy, tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam còn rất lớn khi mà nhu cầu tiêu dùng sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam và trên thế giới ngày càng tăng lên.

Nâng cao chất lượng nông sản

Hiện nay, đã có nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ làm ăn cóhiệu quả nhờ giảm được chi phí thông qua kinh doanh kết hợp giữa các sản phẩm như: mô hình lúa hữu cơ với chăn nuôi vịt, thủy sản của anh Võ Văn Tiếng tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, với thương hiệu gạo hữu cơ Tâm Việt, được thị trường đón nhận. Với mỗi ha lúa hữu cơ, cho năng suất hơn 4 tấn/vụ, dù thấp hơn cách sản xuất thông thường, nhưng lợi nhuận thu được hơn 18 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng lúa thông thường 8 triệu đồng/ha. Đồng thời, trên ruộng lúa hữu cơ, trang trại có thêm thu nhập từ việc chăn nuôi vịt, cá, hoa màu mà không mất chi phí thức ăn.

Công ty Ecolink-Ecomart hiện nay là sản xuất chè hữu cơ để xuất khẩu sang thị trường Âu và Mỹ. Công ty đã xây dựng 2 nhà máy chè: một tại Bắc Hà (với công suất 15 tấn búp tươi/ngày) và một tại Quang Bình (20 tấn búp tươi/ ngày, tương đương 4 tấn búp khô/ngày). Sản phẩm chè hữu cơ của công ty được đóng gói thành bao cỡ 30-40kg để xuất khẩu sang Châu Âu và Mỹ. Bên cạnh chè hữu cơ là sản phẩm chính, Ecolink – Ecomart hiện đang sản xuất và tiêu thụ 20 chủng loại rau hữu cơ, đáp ứng nhu cầu rau xanh giao tận nhà cho khoảng 2000 khách hàng (trong đó có khoảng 500 khách hàng thường xuyên), kể cả việc mua bán qua mạng.

Công ty Organik Đà Lạt đóng tại thành phố Đà Lạt hiện đang sản xuất khoảng 150 chủng loại rau các loại, cung cấp cho nhiều khách sạn cao cấp tại các thành phố: Đà Lạt, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Công ty cổ phần suất ăn hàng không của hãng Pacific và khoảng 1000 khách hàng ngoại quốc đang làm việc tại Việt Nam. Công ty cũng đang xuất khẩu sản phẩm rau hữu cơ sang thị trường Đài Bắc và một số nước láng giềng.

Tuy đã trở thành một trong các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, lĩnh vực sản xuất lúa gạo hữu cơ hiện vẫn còn rất mới mẻ đối với Việt Nam. Công ty Viễn Phú đã đi đầu trong việc gia công, chế biến và sản xuất gạo hữu cơ để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Trang trại của công ty được đặt tại huyện U Minh, tỉnh Cà Mau trên diện tích 320ha, trong đó 200 ha để canh tác cây trồng.

Lúa hữu cơ được sản xuất theo quy trình riêng của công ty, kể cả giống lúa do công ty tuyển chọn, sử dụng phân hữu cơ Agrostim nhập khẩu để sản xuất, không sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu hóa học trong quá trình sản xuất. Sản phẩm lúa gạo hữu cơ của công ty được các tổ chức chứng nhận quốc tế theo tiêu chuẩn EU và USDA kiểm tra, giám sát và công nhận.

Hay Tập đoàn TH đã xây dựng trang trại bò sữa tại huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), ứng dụng công nghệ cao với quy mô hơn 45.000 con bò. Từ năm 2015, tập đoàn này tiếp tục phát triển trang trại chăn nuôi hữu cơ, thực hiện chăn nuôi theo tiêu chuẩn organic châu Âu và Mỹ. Đến nay, tập đoàn đã sở hữu đàn bò sữa, bê hữu cơ với hơn 1.000 con. Những cánh đồng trồng cây thức ăn và chăn thả của Trang trại TH tại huyện Nghĩa Đàn được chuyển một phần sang trồng trọt organic không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng phân bón hoá học… Năm 2017, sản phẩm sữa TH true MILK organic đã chính thức ra mắt thị trường sữa Việt Nam.

Tập đoàn Lộc Trời cũng đã triển khai thực hiện dự án Chương trình phát triển phân bón hữu cơ, qua đó góp phần nâng cao giá trị thương hiệu hạt gạo Việt Nam. Trong giai đoạn 1 của dự án, mô hình được thực hiện tại 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và An Giang với tổng diện tích 100 ha. Giai đoạn 2, tổng diện tích mô hình được nâng lên 12.800 ha thực hiện tại 4 tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Long An. Tại vùng nguyên liệu của Lộc Trời, khâu canh tác được đưa vào áp dụng giải pháp quản lý dịch hại tiên tiến, thân thiện với môi trường theo hướng hữu cơ.

Theo các chuyên gia kinh tế, là nước nông nghiệp, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ, và nông nghiệp hữu cơ thực sự là một cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam, nhất là hiện nay, xu hướng sử dụng sản phẩm hữu cơ đang ngày càng được ưa chuộng.

Nhận thức của người tiêu dùng trong nước về an toàn thực phẩm,bảo vệ sức khoẻ và môi trường ngày càng cao. Nghị định 109/2018/ NĐ -CP về NNH C đã được Chính phủ ban hành, có hiệu lực thi hành từ 15/10/2018, trong đó có nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ.

Báo Vietq (ntqnhu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ