SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL

[28/12/2020 16:07]

Thực hiện kế hoạch số 175/KH-UBND của UBND TP. Cần Thơ về việc “Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) TP. Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, thời gian qua, hệ sinh thái KNĐMST tại thành phố dần hình thành và hoàn thiện.

Đây là môi trường thuận lợi để thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Về vấn đề này, ông Ngô Anh Tín cho biết:

Qua 3 năm, các hoạt động truyền thông, đào tạo về khởi nghiệp sáng tạo được tổ chức đồng bộ và đa dạng. Thành phố tổ chức 59 Chương trình đào tạo, Hội thảo, Tọa đàm, Mini talkshow, với hơn 5.200 lượt tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp tham dự. Các sự kiện cung cấp cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp những kiến thức nền tảng về KNÐMST; tâm thế khởi nghiệp và góp phần kết nối các nguồn lực, thành phần trong hệ sinh thái KNÐMST. Bên cạnh đó, Diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo: www.canthostartup.vn, các phương tiện truyền thông xã hội (có kiểm soát) như fanpage, zalo,... tiếp cận khoảng 120.000 lượt cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp KNÐMST trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành trong nước góp phần thúc đẩy và phát triển các hoạt động KNÐMST trong và ngoài thành phố.

TP. Cần Thơ hiện có 14 tổ chức khoa học công nghệ, vườn ươm hỗ trợ KNÐMST công lập và ngoài công lập. Các đơn vị đang hỗ trợ trên 100 dự án/ý tưởng khởi nghiệp có yếu tố sáng tạo của cá nhân, doanh nghiệp có nhiều tiềm năng phát triển thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin, vận tải…

Ðáng chú ý, tháng 6-2020, UBND TP. Cần Thơ đã có ý kiến chỉ đạo về việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP. Cần Thơ. Trong đó, UBND thành phố đề nghị các sở ngành hữu quan, các quận, huyện phối hợp với Sở KH&CN đề xuất các giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố. Ðồng thời, giao Sở KH&CN làm đầu mối kết nối với các tỉnh, thành khu vực ÐBSCL, trong nước và quốc tế để hình thành mạng lưới KNÐMST; hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Như vậy, TP Cần Thơ đã thể hiện vai trò kết nối KNÐMST với các tỉnh, thành khu vực ÐBSCL và trong nước ra sao, thưa ông?

- Ðể phát huy sức mạnh tổng hợp hỗ trợ hoạt động KNÐMST, TP. Cần Thơ đã liên kết với nhiều đơn vị, tổ chức và các tỉnh trong vùng hình thành 2 mạng lưới liên kết gồm: Mạng lưới liên kết Hệ sinh thái KNÐMST TP. Cần Thơ - CanTho Startup Ecosystem và Mạng lưới Vườn ươm ÐBSCL TP. Cần Thơ còn là thành viên Mạng lưới Khởi nghiệp ÐBSCL - Mekong Startup Network với 23 thành viên thuộc các tỉnh, thành ÐBSCL.

Trên địa bàn thành phố hiện có 6 không gian làm việc chung nhằm giúp kết nối hoạt động khởi nghiệp sáng tạo cho sinh viên, doanh nghiệp, những dự án startups mới tại TP. Cần Thơ cũng như các địa phương trong vùng. Ðơn cử: Không gian Khởi nghiệp và Ðổi mới sáng tạo - Cantho Startup and Innovation Hub (CASTI Hub) thuộc Trung tâm Thông tin KH&CN Cần Thơ; Không gian sáng chế, thuộc Khoa Công nghệ, Trường Ðại học Cần Thơ; Không gian làm việc chung được quản lý bởi Up Green Life, thuộc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Cần Thơ; Không gian làm việc chung thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ; Tòa nhà BlockUp Cần Thơ thuộc Công ty CP BlockUp Cần Thơ; Không gian Startup Mekong Delta, thuộc Công ty TNHH Tư vấn Năng lượng công nghệ và Quản trị kinh doanh ETM.

Ðể hỗ trợ các startup tiếp cận nguồn vốn, nhà đầu tư, trên địa bàn thành phố đã hình thành Quỹ Ðầu tư và Phát triển khởi nghiệp YBA - BlockUp được thành lập từ nguồn xã hội hóa do Công ty CP TRUSTpay và Hội Doanh nhân trẻ TP. Cần Thơ thành lập. Ngoài ra, Khởi nghiệp MeKong (Startup MeKong) cùng đối tác cũng thành lập 1 quỹ đầu tư cá nhân với hình thức đầu tư cổ phần tư nhân. Ðối tượng đầu tư là các dự án nông nghiệp có ứng dụng công nghệ và dự án truyền thông, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, blockchain...

Ðâu là những khó khăn trong việc phát triển hệ sinh thái KNÐMST của thành phố?

- Mặc dù đạt được nhiều kết quả, song phải nhìn nhận thưc tế là hệ sinh thái KNÐMST của thành phố còn thiếu sự tham gia của các thành phần then chốt: huấn luyện viên khởi nghiệp, nhà đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư mạo hiểm và các tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Trong khi đó, các thành phần hiện có lại chưa có kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức chuyên sâu về khởi nghiệp sáng tạo và đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.

Trên địa bàn thành phố, các hoạt động hỗ trợ KNÐMST được tổ chức khá thường xuyên nhưng hoạt động còn riêng lẻ ở từng ngành/lĩnh vực; thiếu đơn vị dẫn dắt nên một số hoạt động hỗ trợ vẫn còn thiếu sự liên kết. Cơ sở vật chất cho hoạt động KNÐMST của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp vẫn chưa đồng bộ, cũng như chưa phát huy tối đa hiệu quả hoạt động do chưa gắn kết và có định hướng phù hợp với hoạt động KNÐMST.

Một khóa huấn luyện KNĐMST do Sở KH&CN vừa tổ chức vào tháng 10-2020. Ảnh: Mỹ Thanh

Một thực tế diễn ra hiện nay với khởi nghiệp ÐBSCL là thiếu việc hình thành mạng lưới kết nối giữa các địa phương để tạo nguồn lực bên ngoài. Cơ quan chủ trì triển khai các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ở mỗi địa phương chưa có sự thống nhất, một số địa phương do Sở Kế hoạch và Ðầu tư là cơ quan chủ trì, số khác do Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì do đó việc phối hợp, liên kết với các địa phương còn gặp không ít khó khăn. Mặt khác, chúng ta vẫn thiếu “sếu đầu đàn” với các nguồn lực đủ mạnh để làm hạt nhân kết nối, điều phối và dẫn dắt hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của vùng.

Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, KNÐMST trên địa bàn thành phố thời gian tới sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?

- Ðể hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của thành phố phát triển sâu, rộng và hiệu quả, thành phố tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động để kết nối, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về KNÐMST. Ðây là cơ hội kết nối các cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp KNÐMST với các chủ thể khác như: các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, trung tâm ươm tạo, vườn ươm, viện, trường, nhà đầu tư, quỹ đầu tư,… trong hệ sinh thái KNÐMST của TP. Cần Thơ và của TP. Cần Thơ với các tỉnh, thành trong nước và quốc tế.

TP. Cần Thơ kiến nghị các bộ, ngành Trung ương phối hợp với TP. Cần Thơ và các tỉnh ÐBSCL xây dựng và phát triển Diễn đàn trực tuyến về khởi nghiệp sáng tạo vùng ÐBSCL để tập hợp nguồn lực và hình thành mạng lưới liên kết hỗ trợ hiệu quả cho các cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Ðồng thời, hỗ trợ thành lập Trung tâm KNÐMST quốc gia đặt tại Cần Thơ. Trung tâm này được thiết kế với mô hình tổ hợp dịch vụ tập trung, trên cơ sở hạ tầng sẵn có của Sở KH&CN để làm hạt nhân kết nối, điều phối các hoạt động trong mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo vùng ÐBSCL và cả nước.

Xin cảm ơn ông!

Mỹ Thanh

Theo Báo điện tử Cần Thơ
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ