SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Mục tiêu trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo dẫn đầu cả nước

[12/03/2021 10:48]

Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của thành phố dẫn đầu cả nước vào năm 2025, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2030 và thuộc nhóm dẫn đầu châu Á vào năm 2045.

Ảnh minh họa

Tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVII vừa diễn ra, các đại biểu đã nghe dự thảo và thảo luận về dự thảo Chương trình số 07-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn giai đoạn 2021-2025”.

Theo đó, mục tiêu Chương trình số 07 nhằm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.

Về mục tiêu cụ thể, chương trình xác định, xây dựng thành phố Hà Nội trở thành trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước, tiến tới nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á trong nghiên cứu cơ bản về toán, vật lý và y học, đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 5G và sau 5G. Hà Nội phấn đấu dẫn đầu cả nước về hình thành, phát triển tài sản trí tuệ; xây dựng và phát triển thương hiệu Hà Nội.

Thành phố phấn đấu là đầu tàu cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp trên nền tảng đổi mới công nghệ và áp dụng các hệ thống quản lý, quản trị tiên tiến, các công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng, áp dụng các tiêu chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển công nghệ.

Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của thành phố dẫn đầu cả nước vào năm 2025, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2030 và thuộc nhóm dẫn đầu châu Á vào năm 2045. Đồng thời trở thành trung tâm cung ứng đào tạo nhuồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng trình độ quốc tế hàng đầu cả nước...; cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan của hệ thống chính trị thành phố, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, xây dựng thành phố thông minh.

Một số chỉ tiêu đưa ra gồm: Năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp trên 50% vào tăng trưởng GRDP. Tốc độ tăng năng suất lao động đạt từ 7-7,5%. Tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 70% trên tổng sản phẩm nông nghiệp. Tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP…

Chương trình cũng đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: Tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho kinh tế Thủ đô; tăng cường nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô; phát triển thị trường khoa học và công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tăng cường liên kiết hợp tác và hội nhập.

Liên quan tới tình hình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam, theo báo cáo của Do Ventures (Quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu, đóng vai trò như một đối tác chiến lược cho cả các công ty startup và nhà đầu tư với tổng nguồn vốn quản lý 50 triệu USD - Số vốn này đến từ những nhà sáng lập của các công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam và các tổ chức đầu tư nổi tiếng của Hàn Quốc và Singapore như NAVER, Sea, Vertex Holdings, Woowa Brothers…), năm 2020, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore và Indonesia.

Báo cáo cho thấy tầm nhìn đến năm 2030 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam vươn lên xếp hạng trong 15 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới nổi của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo thống kê của Văn phòng Đề án 844, trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam hiện nay có khoảng gần 100 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, trong đó có khoảng 20 quỹ nội. Mỗi quỹ đầu tư lại có mạng lưới, thế mạnh khác nhau, do đó startup cần tìm hiểu thật kỹ và phân nhóm nhà đầu tư tiềm năng theo định hướng và mục tiêu phát triển của mình.

Nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 (Đề án 844) và giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện.

Đề án có mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Nhằm tiếp tục đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam phát triển theo chiều sâu, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 188/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 844/QĐ-TTg.

Theo đó, bổ sung mục tiêu của Đề án như xây dựng hệ thống Trung tâm đổi mới sáng tạo hỗ trợ nghiên cứu phát triển, khởi nghiệp sáng tạo, đảm bảo vận hành thành công các Trung tâm với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh so với khu vực và quốc tế; phát triển Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh cùng với các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các bộ, ngành, địa phương, tổ chức có tiềm năng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Phát triển mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia khuyến khích sự tương tác, kết nối nguồn lực trong hệ thống các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước, nước ngoài; đến năm 2025 có chương trình hợp tác với đối tác quốc tế tại ít nhất 5 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có uy tín trên thế giới.

Đồng thời, đẩy mạnh thu hút nguồn lực quốc tế hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước; hợp tác với chuyên gia, tổ chức quốc tế trong đào tạo, huấn luyện, tư vấn chuyển giao công nghệ, đầu tư, phát triển thị trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; cung cấp dịch vụ cho các khu dịch vụ tập trung hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở phạm vi ngành, vùng, địa phương…

Bảo Lâm

www.vietq.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ