SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

AUTORETS - Câu chuyện khởi nghiệp của một bạn trẻ không ngại thất bại

[06/08/2021 16:17]

Để đạt tới thành công xây dựng được hệ thống rửa xe ô tô tự động made in Việt Nam, Minh đã trải qua nhiều lần tưởng như sắp... thất bại.

Những thất bại trong buổi đầu tìm hướng cho tương lai

Tốt nghiệp cấp 3, thiếu hai điểm để vào khoa Chế tạo Máy, Đại học Bách khoa, chàng trai trẻ sinh năm 1985 Đỗ Quốc Minh khăn gói theo học khoa Động lực trường Công nghiệp. Cũng giống nhiều bạn trẻ khi không xác định được phương hướng cho tương lai, Minh từng có thời nổi loạn, ham chơi tới mức bị treo bằng. Trong quãng thời gian bị treo bằng, Minh bươn chải với đủ nghề để mưu sinh: từ làm cho công ty bồn nước Sơn Hà, diệt mối khử trùng, buôn bán máy đóng gói CKD, thậm chí đi bán hoa ở chợ hoa Mê Linh. Cuối năm 2007, sau khi sốc lại tinh thần và thi lấy bằng, Minh mở quán cơm cung cấp suất ăn văn phòng. Công việc tạm ổn và bắt đầu có lợi nhuận thì tới năm 2008 Hà nội bị ngập lụt, quán cơm ế ẩm, chàng trai trẻ đành dừng quán cơm văn phòng và ra chợ trời làm thuê. Công ty đầu tiên nhận Minh làm ở vị trí nhân viên kinh doanh phụ tùng ô tô. Được một tháng, Minh bị công ty cho nghỉ bởi không đáp ứng được yêu cầu. Công ty thứ hai là Quốc Đạt khá có tên tuổi ở Hà Nội thời bấy giờ với 5-6 cửa hàng ở chợ trời. Minh được xếp làm nhân viên giao nhân trong 3 tháng thử việc với mức lương 1,5tr/tháng. Khi vào làm chính thức, Minh nhận ra đây là công việc phù hợp nên bắt đầu quan tâm tới ô tô và hệ thống điều hòa ô tô. Hầu như các mã sản phẩm được công ty nhập về chỉ sau 1 tháng là Minh đã thuộc lòng.

Làm tại Quốc Đạt trong 1 năm, Minh cũng bị cho nghỉ vì “cả gan” đòi tăng lương. Mặc dù bị thôi việc, nhưng thành quả Minh nhận được là kinh nghiệm và các đầu mối nhập hàng. Minh nhận ra hầu như việc nhập hàng của các công ty trên chợ đều thông qua đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh, chứ ít khi được nhập trực tiếp từ nước ngoài. Với vốn tiếng Anh chuyên ngành từ thời đại học, Minh liên hệ thử với các đầu mối nhập hàng ở nước ngoài như Singapo, Hàn Quốc, Thái Lan và nhận thấy giá nhập chỉ bằng 1/2 giá bán ra. Vậy là, Minh bắt đầu nhập hàng và bán buôn lại cho thị trường chợ trời và các công ty lớn. Tới năm 2010, Minh quyết định thành lập công ty CP Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Hoàng Gia, chính thức nhập khẩu và phân phối phụ tùng điều hòa ô tô.

Thành công chưa phải là đích cuối

Năm 2016-2017, sau khi giành được vị trí số 1 về thương mại phụ tùng phụ kiện điều hòa ô tô tại thị trường Hà Nội với doanh số trung bình mỗi năm đạt trên 40 tỷ, công việc kinh doanh buôn bán phụ tùng điều hòa ô tô của của công ty chững lại, doanh số không tăng lên và lợi nhuận bắt đầu giảm đi. Tìm hiểu nguyên nhân, Minh nhận thấy ngành buôn bán và xuất nhập khẩu phụ tùng ô tô trên thị trường bắt đầu có dấu hiệu bão hòa. Trong khi đó, hầu như rất ít công ty tính tới việc sản xuất, đặc biệt với ngành phụ tùng điều hòa ô tô mà Minh đã kinh doanh buôn bán 10 năm nay. Là người có kinh nghiệm dày dặn trong ngành, có mối quan hệ sâu rộng với các đối tác trong và ngoài nước, Minh nảy sinh ý định xây dựng nhà máy sản xuất phụ tùng điều hòa ô tô. Đầu năm 2018, Minh hợp tác với 1 đối tác có liên kết rộng với các nhà máy bên Trung Quốc và bắt đầu mở thêm 1 cửa hàng chuyên bán phụ tùng, phụ kiện của Trung Quốc (trước đó công ty của Minh chủ yếu kinh doanh các mặt hàng của Hàn Quốc, Singapo, Thái Lan). Sau  đó, Minh bắt đầu tìm hiểu các mô hình sản xuất phụ tùng điều hòa của Trung Quốc, Thái Lan và Hàn Quốc bằng những chuyến đi thực địa tới các đối tác để học tập, tìm hiểu về mô hình, phân tích ưu nhược điểm, lợi thế cạnh tranh nếu sản xuất ở Việt Nam…

Khó khăn làm nảy sinh ý tưởng táo bạo

Đầu năm 2019, Minh và một số cổ đông quyết định mở công ty mới, tiến hành đi tìm nhà xưởng để thuê đất, xây dựng nhà máy sản xuất phụ tùng phụ kiện điều hòa và xây dựng chuỗi dịch vụ, cung cấp đầu ra cho nhà máy sản xuất trong nước. Dựa vào mối quan hệ có sẵn của Minh và các cổ đông cùng nguồn lực kinh tế dồi dào kêu gọi được khi đó, tháng 4 năm 2019, Minh thuê được nhà xưởng rộng hơn 2800m2 tại KCN Tân Quang và bắt đầu sửa chữa, xây dựng lại nhà xưởng. Trong thời gian đó, do nắm được đặc thù mang tính thời vụ của ngành buôn bán và sửa chữa điều hòa ô tô (mùa đông ít việc, mùa hè nhiều việc) nên các cổ đông quyết định triển khai thêm dịch vụ chăm sóc xe (Detailing), sửa chữa nhanh (Quick service), lắp đặt đồ chơi, phụ kiện (Accessories) và sửa chữa điều hòa (Repair air conditioning) đi kèm hệ thống rửa xe tự động không chạm (Autorets). Đồng thời, Minh và đồng nghiệp sang Malaysia học tập và xin độc quyền phân phối hóa chất, dung dịch chăm sóc xe của hãng OSREN Malaysia tại Việt Nam.

Trong thời gian này, Minh và các cổ đông thành lập thêm 2 công ty con bao gồm: Cooling Group Vietnam (chuyên về buôn bán, sản xuất phụ tùng, phụ kiện điều hòa) và Autorets Detailing Vietnam (xây dựng chuỗi dịch vụ) vừa làm xưởng sửa chữa, vừa làm trung tâm giao dịch khách hàng và kho bãi bán buôn phụ tùng phụ kiện điều hòa ra khắp các tỉnh thành và đại lý trên cả nước. Cùng với việc nhập khẩu máy rửa xe tự động từ đối tác Trung Quốc, công ty thuê địa điểm rộng hơn 800m2 mặt bằng và gồm 2 tầng ở Long Biên làm văn phòng giao dịch.

Giai đoạn đầu khi mới mở, công việc cực kì thuận lợi nhờ lợi thế về diện tích, địa điểm, mặt bằng và uy tín tạo dựng lâu năm trên thị trường của Minh và các cổ đông trong ngành. Cơ sở Long Biên hoạt động nhộn nhịn ngày đêm ở cả nơi buôn bán phụ tùng và nơi cung cấp dịch vụ. Có những ngày, dịch vụ rửa và chăm sóc xe đạt hơn 100 xe vì sự hiếu kì với hệ thống tự động không chạm hiện đại của công ty thời điểm đó. Các đối tác trong ngành dịch vụ cũng bắt đầu để ý, quan tâm và muốn triển khai nhân rộng mô hình tổng hợp này.

Sang năm 2020, Minh và các cổ đông đang háo hức với kế hoạch kinh doanh và xây dựng đại lý  trong tay thì đại dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tại Hà Nội khiến dịch vụ của Autorets buộc phải tạm dừng, việc buôn bán hàng hóa thương phụ tùng điều hòa cũng bị ảnh hưởng theo. Trong quá trình vận hành xưởng dịch vụ, các cổ đông cùng phân tích và đánh giá tính hiệu quả của chiếc máy rửa xe tự động nhập khẩu từ Trung Quốc và nhận thấy có rất nhiều nhược điểm như: giá thành cao, áp lực yếu không rửa sạch được hốc bánh, gầm xe. Hơn nữa, với điều kiện đường sá và đô thị ở Việt Nam, sau mỗi lần đi mưa về, vết bẩn có lẫn dầu nên hầu như việc rửa xe bằng máy tự động không sạch. Dung dịch rửa phải nhập khẩu từ chính đối tác cung cấp máy nên rất bất tiện. Trên thị trường Việt Nam, không có loại dung dịch phù hợp với việc chạy máy rửa để đạt hiệu quả tối nhất. Từ đó, nhóm bắt đầu đặt ra câu hỏi về việc tại sao không sản xuất chiếc máy này tại Việt nam.

Sẽ thất bại nếu đồng đội không cùng tiếng nói

Tháng 3 năm 2020, sau khi tìm hiểu, phân tích chiếc máy và phân tích thị trường, đồng thời hướng tới xuất khẩu đi các nước trong khu vực Đông Nam Á nếu chế tạo được chiếc máy rửa xe hoạt động hiệu quả và khắc phục được các nhược điểm của máy Trung Quốc, hội đồng quản trị của công ty quyết định kí hợp đồng sản xuất với 1 đơn vị trong nước (là công ty của 2 bạn sinh viên Bách Khoa tốt nghiệp loại xuất sắc). Sau khi trao đổi ý tưởng và kế hoạch triển khai sản xuất, đối tác tự tin khẳng định có thể sản xuất được, đồng thời, kí hợp đồng cam kết sau 6 tháng sẽ bàn giao toàn bộ bản vẽ, máy móc, quy  trình sản xuất… với giá trị hợp đồng lên tới 800 triệu cho phiên bản demo.

Cũng trong thời gian này, một đối tác ở Huế sau khi tìm hiểu mô hình kinh doanh đã bay ra Hà Nội  gặp Minh và cộng sự để đặt vấn đề triển khai mô hình trong Huế. Để giảm thời gian và ép tiến độ triển khai công việc sản xuất máy, cũng như muốn kí hợp đồng nhanh chóng với đối tác Huế nên Minh đã mắc sai lầm khi đề xuất thỏa thuận lại với hai bạn sinh viên Bách Khoa chia bớt phần việc gia công cơ khí của máy cho một công ty khác, còn phần điện và lập trình vẫn sẽ do hai bạn sinh viên Bách Khoa thực hiện. Trong lúc này, đối tác ở Huế sau khi xem xét, phân tích và tìm hiểu mô hình đã kí hợp đồng và đặt cọc, chính thức triển khai đồng thời hệ thống này tại thành phố Huế.

Tưởng rằng việc ép tiến độ bằng cách chia tách ra để 2 đơn vị làm cho nhanh, nhưng Minh và đồng đội đã chủ quan, không tìm hiểu kĩ về 2 đối tác và cũng do một phần ảnh hưởng của dịch bệnh, sau 3 tháng, việc sản xuất cơ khí và điện đều bị chậm. Cả 2 bên đối tác đều tìm cách đổ lỗi cho nhau. Trong lúc này, nội bộ công ty cũng bắt đầu xuất hiện một vài vấn đề liên quan tới tài chính, chi phí hoạt động, mâu thuẫn lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể cũng như công việc hoạt động của đơn vị cũng chậm lại và  đình trệ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Sau các cuộc họp đàm phán và động viên cổ đông bỏ thêm vốn tiếp tục dự án sản xuất máy, tới tháng thứ 4, việc dựng máy móc để bắt đầu test demo cũng được chính thức tiếp tục. Máy hoạt động được, thế nhưng, hàng loạt các lỗi về tính toán gia công cơ khí, về lập trình, về hệ thống cấp dung dịch, bơm nước, hệ thống điện điều khiển…. bắt đầu lộ ra, do rất nhiều nguyên nhân và cũng do hạn chế của bản demo.

Đối tác Huế sau khi kí hợp đồng liên tục thúc giục công ty của Minh hoàn thành chiếc máy, nếu không sẽ phạt chậm tiến độ, hủy hợp đồng và không tiếp tục triển khai công việc nữa, nên trong quá trình đợi sản xuất máy, công ty đã quyết định nhập khẩu một máy khác và bàn giao trước cho đối tác trong Huế để khai trương.

Để tiếp tục triển khai và hoàn thiện bản demo, nhóm của Minh đã đàm phán lại với cả 2 đơn vị, chịu thiệt và lại tiếp tục rót vốn cho chi phí chỉnh sửa, thiết kế, cơ khí. Tới tháng 10 năm 2020, chiếc máy cũng đã chạy được cơ bản, nhưng không hiệu quả như cả nhóm kì vọng. Các cổ đông bắt đầu phàn nàn về quyết định sản xuất máy của nhóm lãnh đạo. Khó khăn nối tiếp khó khăn khi tình hình kinh doanh không ổn định, nguồn tài chính góp thêm cũng dần cạn kiệt, hàng hóa tồn đọng, …

Lúc này, những kiến thức học tập được từ những ngày dùi mài kinh sử tại khoa Động lực trường đại học Công nghiệp Hà Nội của Minh đã phát huy. Sau khi xem xét và tìm hiểu kĩ nguyên nhân, Minh tự tin tuyên bố trước các cổ đông, nếu công ty không tiếp tục triển khai dự án, cá nhân Minh sẽ tự bỏ tiền ra để tiếp tục theo đuổi dự án này.

Đôi khi đồng đội lại là những người bạn hoàn toàn không nghĩ đến

Rất may cho Minh, trong quá trình triển khai sản xuất máy rửa xe, Minh đã tự nghiên cứu và phát triển chiếc máy xúc rửa tuần hoàn hệ thống điều hòa trên ô tô. Trước đây, việc làm sạch và vệ sinh hệ thống điều hòa trên ô tô cực kì khó khăn đối với người thợ, vì họ vừa phải tháo bung cả taplo (với dàn lạnh) và vừa phải tháo bung cả ba đờ sốc, quạt và két nước (với dàn nóng phía đầu xe) để thay thế hoặc bảo dưỡng, sửa chữa. Với ý tưởng sản xuất chiếc máy  vệ sinh tuần hoàn bên trong để giảm thời gian, tăng tính hiệu quả cho người thợ, đồng thời, không phải mất quá nhiều công đoạn để vệ sinh hệ thống điều hòa. Minh vẽ ý tưởng ra giấy và đăng lên các hội nhóm cơ khí. Khi đó có hai bạn cũng là sinh viên đại học Bách khoa còn chưa ra trường đã nhận dự án này của Minh. Một bạn chuyên ngành về Hóa và một bạn chuyên ngành về cơ khí. Trao đổi xong Minh quyết định chuyển tiền và kí hợp đồng với 2 bạn này. Hai bạn bàn giao đúng tiến độ chiếc máy xúc rửa tuần hoàn hệ thống điều hòa, với những thông số về cơ khí, kết cấu, mẫu mã, hiệu quả đều đạt yêu cầu. Khi đó, Minh chia sẻ với 2 bạn về ý tưởng sản xuất máy rửa xe và dung dịch rửa xe không chạm để bán kèm theo chiếc máy để kể cả nếu không sản xuất được chiếc máy thì cũng không phải nhập khẩu dung dịch rửa xe từ Trung Quốc.

Sau 1 tuần xem xét chiếc máy bị hai đối tác bỏ dở, hai bạn sinh viên đã bổ sung thêm một đồng đội có kiến thức về lập trình vào nhóm và quyết định tiếp tục tham gia triển khai dự án dở dang này. Nhóm chia làm hai nhánh, một nhánh tiếp tục nghiên cứu và sản xuất máy rửa xe theo ý tưởng cải tiến của Minh còn một nhánh tiến hành nghiên cứu sản xuất các loại hóa chất phụ trợ. Nhánh sản xuất máy rửa xe sau khi nghiên cứu, mổ xẻ và phân tích mọi vấn đề đã quyết định làm mới toàn bộ chứ không sử dụng bất kì bản vẽ, kết cấu hoặc phương án nào của phiên bản cũ. Các bạn tự tin sẽ hoàn thành chiếc máy trong ba tháng và đảm bảo chiếc máy sẽ chạy tốt.

Tháng 10 năm 2020, dự án sản xuất máy rửa xe mới chính thức được triển khai. Trong giai đoạn này công ty của Minh cũng kí được thêm 3 hợp đồng lắp đặt chiếc máy rửa xe này ở 3 tỉnh thành Hải Dương, Điện Biên và Cây Xăng Thanh Oai. Trong thời gian đợi chiếc máy hoàn thành, công ty của Minh lại tiếp tục nhập khẩu máy từ Trung Quốc và lắp đặt bàn giao cho đối tác để đúng tiến độ hợp đồng. Ban đầu các đối tác rất hào hứng về hệ thống máy hiện đại, nhưng chỉ chạy được khoảng 1-2 tháng thì đối tác nào cũng thất vọng về tính hiệu quả của chiếc máy, khách hàng phản hồi rửa máy không sạch. Lòng tin của đối tác, cổ đông và áp lực “muốn tồn tại phải thay đổi” đã trở thành động lực để nhóm sản xuất chiếc máy của Minh nỗ lực, cố gắng làm ngày đêm cho kịp tiến độ test bản demo.

Thành công đến và niềm vui vỡ òa..

Sau 4 tháng miệt mài làm việc, tới tháng 3 năm 2021, bản demo chính thức được lắp đặt hoàn thiện và chạy thử nghiệm. Niềm vui vỡ òa, mọi công sức, cố gắng của cả nhóm đã được đền đáp, hệ thống thử nghiệm cơ khí trơn tru, chuyển động, vận hành, hệ thống điều khiển, cảm biến cảm nhận kích thước chiều dài chiều rộng xe hoạt động cực chính xác, đầu phun nước phun ra áp lực cực tốt… dù mới chỉ sử dụng công suất bơm ở mức 60%. Ngày 30/4/2021 là mốc quan trọng đánh dấu ngày đơn vị Autorets Mechanicals Vietnam chính thức được sinh ra.

Với đội sản xuất hóa chất, công việc diễn ra dễ dàng hơn. Từ tháng 10 năm 2020 tới tháng 4 năm 2021, nhóm đã nghiên cứu và sản xuất 7 sản phẩm và tới tháng 6 năm 2021, chính thức được cấp đăng kí lưu hành ra thị trường bao gồm cả dung dịch rửa xe không chạm phù hợp cho máy rửa xe.

Cũng trong tháng 4 năm 2021, Công ty kí hợp đồng với một đối tác ở Quảng Ninh. Đội ngũ Autorets Mechanicals đã quyết định lắp đặt chiếc máy demo này cho đối tác Quảng Ninh. Trong thời gian chờ setup và xây dựng nhà xưởng, nhóm đã cho máy chạy liên tục, đồng thời, test tính ổn định của máy, khắc phục một vài lỗi phụ… Tháng 6 năm 2021, hệ thống máy chính thức được khai trương và lắp đặt tại Quảng Ninh.

Trong buổi khai trương dưới sự chứng kiến của các đối tác khách mời lớn trong nước, các hãng xe trong khu vực, cổ đông, khách hàng, …, hệ thống hoạt động trơn tru, ổn định và đạt hiệu quả rất cao. Quảng Ninh là nơi có nhiều xe đi từ mỏ than về, khách hàng tới rửa xe đều khen máy rửa sạch…

Giờ đây, khi những khó khăn phần nào đã được vượt qua, nghĩ lại quãng thời gian lăn lộn với quá trình tìm hướng đi, tìm đồng đội, với những nghi ngờ và nhiều lúc tưởng như thất bại trong tầm tay, Minh vẫn thấy quãng thời gian đó rất hạnh phúc. Vì hạnh phúc với Minh đôi khi chỉ đơn giản là được cống hiến hết mình, được sống với đam mê, khao khát, với những ý tưởng và nỗ lực biến ý tưởng thành hiện thực. Với Minh nói riêng và cả nhóm nói chung, còn quá nhiều ý tưởng và dự định nghiên cứu trong tương lai, nhưng Minh tin rằng nhóm sẽ luôn mãi mãi giữ vững ngọn lửa đam mê cháy bỏng, xây dựng hệ sinh thái về ngành công nghiệp phụ trợ ô tô của người Việt.

Cục Thông tin KH&CN Quốc gia – Bộ KH &CN - Bản tin “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, Số 28.2021 (ntbtra)

 

Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ