SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ: Hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo môi trường thúc đẩy startup phát triển mô hình kinh doanh mới

[10/08/2021 10:27]

Từ khi Chính phủ phát động vào năm 2016, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNÐMST) của TP Cần Thơ được triển khai đồng bộ và đa dạng. Thành phố hướng đến mục tiêu hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái KNÐMST trên địa bàn; tạo lập môi trường để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và đổi mới phong trào sáng tạo trong doanh nghiệp. Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố nhanh và bền vững. Trao đổi với Phóng viên Báo Cần Thơ về vấn đề này, ông Ngô Anh Tín, cho biết:

Các  startup có thể sử dụng máy móc, thiết bị tại Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ) để phục vụ nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới. Ảnh: MỸ THANH

Qua hơn 3 năm triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển hệ sinh thái KNÐMST theo Kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 12-12-2017 của UBND TP Cần Thơ về Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái KNÐMST TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 (Kế hoạch số 175), thành phố tổ chức 59 chương trình đào tạo, hội thảo, tọa đàm, mini talkshow cho gần 6.000 lượt tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài thành phố tham dự. Qua đó, cung cấp, chia sẻ các kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm về KNÐMST. Ngoài ra, sự ra đời và đi vào hoạt động của Không gian hỗ trợ KNÐMST - CASTI Hub giúp kết nối các thành phần trong hệ sinh thái KNÐMST của TP Cần Thơ với các tỉnh, thành trong cả nước, khu vực và quốc tế. Từ đó, tạo cơ hội cho các startup, nhà đầu tư, nhà quản lý gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và cơ hội đầu tư…

Hoạt động kết nối và lan tỏa tinh thần KNÐMST cũng được tăng cường thông qua diễn đàn: http://canthostartup.vn, phát triển Fanpage về KNÐMST: CASTI Hub - Cantho Startup and Inovation Hub tạo bước đệm kết nối, lấy ý kiến và quảng bá cho diễn đàn trực tuyến. Hiện nay đã tiếp cận đến khoảng 150.000 lượt và thu hút gần 4.200 lượt người theo dõi, 3.923 lượt tương tác; xây dựng cộng đồng KNÐMST kết nối với các thành phần hệ sinh thái KNÐMST của cả nước thông qua zalo với 252 thành viên tham gia.

Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ

Với những nỗ lực nói trên, TP Cần Thơ dần trở thành cái nôi hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho hơn 100 dự án khởi nghiệp có yếu tố sáng tạo của thành phố và các tỉnh, thành cả nước trong các khâu hoàn thiện sản phẩm, hoàn thiện mô hình kinh doanh, kết nối thị trường… Rất nhiều các dự án đã được các cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh lựa chọn để ươm tạo và phát triển; một số dự án đã gọi được vốn thành công từ các quỹ đầu tư, nhà đầu tư với số vốn hơn 6 tỉ đồng…

Hoạt động phát triển hệ sinh thái KNÐMST của thành phố thời gian qua có gặp khó khăn gì không thưa ông?

- Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song phải nhìn nhận thực tế là hệ sinh thái KNÐMST của thành phố còn thiếu sự tham gia của các thành phần then chốt: huấn luyện viên khởi nghiệp, nhà đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư mạo hiểm và các tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Cơ sở vật chất cho hoạt động KNÐMST của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp vẫn chưa đồng bộ, cũng như chưa phát huy tối đa hiệu quả hoạt động do chưa gắn kết được các thành phần trong hệ sinh thái KNÐMST. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực triển khai các hoạt động hỗ trợ KNÐMST còn mỏng về số lượng, chỉ mới bắt đầu tiếp cận kiến thức, kỹ năng hỗ trợ KNÐMST nên trong công tác triển khai còn hạn chế.

Về phía các startup, một số ý tưởng, dự án khởi nghiệp chưa hoàn thiện, còn theo quan điểm cá nhân, chưa hướng đến nhu cầu thị trường. Không ít startup và doanh nghiệp KNÐMST chưa hình thành được tâm thế và văn hóa KNÐMST một cách sâu rộng để đủ bản lĩnh vượt khó và tiến lên trong quá trình khởi nghiệp. Ðặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của thành phố dù đã chuyển từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến vẫn bị gián đoạn, một số sự kiện phải tạm dừng để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

UBND TP Cần Thơ vừa ban hành kế hoạch số 135/KH-UBND về hỗ trợ phát triển hệ sinh thái KNÐMST TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Kế hoạch 135). Kế hoạch này sẽ tác động như thế nào đến hoạt động KNÐMST của thành phố thời gian tới, thưa ông?

- Nếu so với kế hoạch 175 ban hành vào năm 2017, Kế hoạch 135 vẫn bám sát mục tiêu chung là: tạo lập môi trường để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và đổi mới phong trào sáng tạo trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Kế hoạch 135 thể hiện khát vọng đưa Cần Thơ trở thành trung tâm kết nối và lan tỏa phong trào KNÐMST trong vùng ÐBSCL.

Theo đó, thành phố hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ phát triển hệ sinh thái KNÐMST thông qua Ðề án Thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và sàn giao dịch ý tưởng, sản phẩm KNÐMST; phấn đấu đưa TP Cần Thơ trở thành Trung tâm KNÐMST của vùng ÐBSCL và năm 2030. Ðồng thời, hỗ trợ ít nhất 50 ý tưởng, dự án KNÐMST trên địa bàn thành phố về các nội dung liên quan đến đào tạo, nâng cao năng lực xây dựng mô hình kinh doanh, không gian làm việc chung và ươm tạo; phát triển, hỗ trợ hình thành thêm 14 tổ chức hoặc doanh nghiệp khoa học và công nghệ…

Sự bùng nổ của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động đến hoạt động khởi nghiệp của Startup. Vậy các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, KNÐMST thời gian tới sẽ được triển khai như thế nào để phù hợp với tình hình mới?

- Hiện nay các thành phần trong hệ sinh thái KNÐMST, đặc biệt là các startup ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ðây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp khởi nghiệp tìm thấy cơ hội kinh doanh mới. Bởi công ty nào có khả năng tinh gọn, tiết kiệm lại trở thành lợi thế cạnh tranh. Startup nào linh hoạt, tìm được sản phẩm, dịch vụ khi thị trường đang có nhu cầu thì chắc chắn sẽ thành công. Trong đó, phải kể tới các ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực sức khỏe, tiêu dùng trực tuyến, công nghệ 4.0…

Hiện chúng tôi chuẩn bị triển khai 2 dự án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong năm 2021: Dự án “Hỗ trợ các cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp KNÐMST” và Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức hỗ trợ KNÐMST”. Trong đó, tập trung vào các khóa đào tạo nâng cao năng lực, kỹ năng, kiến thức chuyên môn nhằm định hướng các bạn trẻ tận dụng tốt cơ hội mới từ môi trường kinh tế thay đổi liên tục.

Bên cạnh đó, Cần Thơ tiếp tục kết nối với các tỉnh trong vùng tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy khởi nghiệp của vùng. Ðây cũng là nền tảng để đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo TP Cần Thơ, định hướng phát triển thành Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo vùng ÐBSCL đặt tại Cần Thơ. Trung tâm sẽ là nơi quy tụ, hội tụ và liên kết các nguồn lực bên trong và bên ngoài thành phố để tạo động lực và dẫn dắt hoạt động KNÐMST của vùng trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

https://baocantho.com.vn (ntbtra)

Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ