SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của độ ẩm tương đối và nhiệt độ đến sự biến đổi thành phần hóa lý của bột thanh long ruột đỏ hòa tan trong quá trình bảo quản

[27/09/2021 14:08]

Nghiên cứu này đã được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của nhiệt độ bảo quản (5 - 7°C, 29 - 31°C và 50°C) và độ ẩm tương đối của môi trường (RH 10 - 84%) đến sự biến đổi các hợp chất chống oxy hóa như betacyanin, polyphenol cũng như màu sắc, độ ẩm và hoạt độ nước của sản phẩm bột thanh long ruột đỏ trong quá trình bảo quản. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sau 40 ngày bảo quản tại nhiệt độ 5 - 7°C, mẫu có hàm lượng betacyanin là 3,76 mg/100 g vật chất khô (vck) và polyphenol tổng là 28,31 mg/100 g vck; các giá trị này cao hơn so với mẫu được bảo quản tại nhiệt độ môi trường (29 - 31°C) và 50oC. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng đã ghi nhận được độ ẩm môi trường từ 10% - 23% cho sản phẩm có hàm lượng betacyanin (4,16 - 3,61 mg/100 g vck) và polyphenol tổng (27,29 - 25,66 mg/100 g vck), cũng như hoạt độ nước độ nước (0,28 - 0,3) tốt hơn so với vùng độ ẩm 57 - 84%

Thanh long ruột đỏ đã được xác định là nguồn nguyên liệu có chứa betacyanin (10,3 ± 0,22 mg/100 g thịt quả và 13,8 ± 0,85 mg/100 vỏ quả) và polyphenol (42,4 ± 0,04 mg GAE/100 g thịt quả và 39,7 ± 5,39 mg GAE/100 g vỏ quả), là những chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe. Tại Việt Nam, thanh long được trồng với số lượng lớn; tuy nhiên, thanh long chỉ mới được tiêu thụ ở dạng ăn tươi, chỉ một số ít sản phẩm được chế biến theo quy mô công nghiệp.

Đối tượng nghiên cứu chính của đề tài là thanh long ruột đỏ được mua từ chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, TP.HCM, có xuất xứ từ nhà vườn tỉnh Bình Thuận. Những trái còn tươi, không bị giập nát và không có dấu hiệu các đốm nấm được lựa chọn. Nguyên liệu thanh long được sơ chế, cắt bỏ tai và vỏ lụa bên ngoài; tách lấy phần vỏ và thịt quả. Các nguyên liệu này được bảo quản ở -18°C. Nhiệt độ bảo quản đã ảnh hưởng đến sự ổn định của các hợp chất chống oxy hóa có trong bột thanh long ruột đỏ. Sau 40 ngày bảo quản, cả hai hợp chất betacyanin và polyphenol đều giảm so với trước bảo quản. Độ ẩm môi trường bảo quản càng tăng đã làm giảm hàm lượng betacyanin và polyphenol tổng có trong bột thanh long Sau 14 ngày, mẫu có hàm lượng betacyanin cao nhất là 4,16 mg/100 g vck tại RH 10% và thấp nhất là 2,47 mg/100 g vck tại RH 84%. Tại các độ ẩm này, thí nghiệm cũng đã ghi nhận được hàm lượng polyphenol tổng cao nhất và thấp nhất tương ứng lần lượt là 27,79 mg/100 g vck và 16,29 mg/100g vck. Kết quả này cũng tương đồng với nghiên cứu của Fang & Bhandari (2011); hàm lượng polyphenol trong bột trái thanh mai giảm khi ẩm độ môi trường tăng.

Hàm lượng betacyanin, polyphenol và hoạt độ nước, độ ẩm, màu sắc của bột thanh long ruột đỏ chịu tác động của nhiệt độ và độ ẩm môi trường bảo quản. Nhiệt độ thấp (5°C) hoặc độ ẩm môi trường thấp (RH < 57%) giúp lưu giữ tốt hàm lượng các chất kháng oxy hóa như betacyanin, polyphenol cũng như độ ẩm, màu sắc, hoạt độ nước của bột thanh long ruột đỏ.

tnttrang 

journal.hcmuaf.edu.vn - Số 04/2021
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ