SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tối ưu hoá điều kiện trích ly flavonoids từ lá diếp cá

[27/09/2021 15:53]

Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm sử dụng enzyme cellulase trong quá trình trích ly flavonoids từ lá diếp cá (Houttuynia cordata Thumb) và tối ưu hóa các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu suất trích ly.

Diếp cá (Houttuynia cordata Thumb) là một loại cây thảo mộc, có mùi tanh của cá được trồng rất phổ biến ở Việt Nam và một số nước Châu Á. Hiện nay, diếp cá được trồng làm rau gia vị hoặc dùng làm vị thuốc quý cho nhiều bài thuốc dân gian chữa bệnh. Chiết xuất từ diếp cá đã được chứng minh có tác dụng chống lại các bệnh bao gồm ung thư, tiểu đường, các bệnh ngoài da và hội chứng hô hấp cấp tính nặng. Ngoài ra, các chiết xuất từ diếp cá cũng có khả năng kháng khuẩn và kháng vi rút như sốt xuất huyết. Hơn nữa, diếp cá là loại rau rất thường được sử dụng trong khẩu phần ăn hằng ngày và rất rẻ tiền.

Ảnh: Rau diếp cá

Tuy nhiên, để thu nhận và ứng dụng các chất có hoạt tính sinh học, đặc biệt là flavonoids từ diếp cá, một vấn đề đặt ra đó là làm sao để tăng cao hiệu suất trích ly và thiết lập được điều kiện trích ly tối ưu. Trong số những phương pháp thì trích ly với sự phối hợp của enzyme đã đem lại nhiều hiệu quả cũng như thân thiện với môi trường. Phương pháp bề mặt đáp ứng với sự hỗ trợ của các phần mềm xử lý số liệu đã trở thành một công cụ hữu ích giúp thực hiện nghiên cứu các quá trình tối ưu hóa đa nhân tố, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí. Các thông số được khảo sát bao gồm: nồng độ enzyme (25 - 100 µg/mL), nhiệt độ (30 - 50°C), thời gian (30 - 120 phút) và tỉ lệ giữa nguyên liệu: enzyme (1:15 - 1:30 g/mL). Điều kiện trích ly flavonoids được tối ưu điều với thiết kế kiểu CCD (Central Composite Design) bằng phương pháp bề mặt đáp ứng, sử dụng phần mềm JMP Pro 13. Kết quả nghiên cứu đã xác định được điều kiện tối ưu trích ly flavonoids từ lá diếp cá, bao gồm nồng độ enzyme (78,0 µg/mL), nhiệt độ (41°C), thời gian (90 phút) và tỉ lệ nguyên liệu: enzyme (1:26 g/mL). Với điều kiện trích ly tối ưu này, hàm lượng flavonoid đạt được là 24,04 ± 0,05 mg/g, vật chất khô.

Từ kết quả này có thể khẳng định tiềm năng sử dụng lá diếp cá như một nguồn chiết xuất flavonoids tự nhiên với hiệu suất cao để nâng cao khả năng ứng dụng trong lĩnh vực thực phẩm chức năng và dược phẩm.

tnttrang 

journal.hcmuaf.edu.vn - Số 02/2021
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ