SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

So sánh các phương pháp chẩn đoán và phân lập virus gây bệnh giảm bạch cầu trên mèo (Feline panleukopenia virus)

[28/09/2021 15:25]

Nghiên cứu do nhóm tác giả gồm Lê Văn Hùng, Lê Huỳnh Thanh Phương, Nguyễn Thị Yến, Ngô Thị Hạnh, Nguyễn Quang Hưng, Bùi Quang Huy và Nguyễn Thị Ngọc thuộc Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.

Giảm bạch cầu trên mèo là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do Feline panleukopenia virus (FPV) gây nên và thường lan truyền giữa mèo nhà với mèo hoang. Triệu chứng lâm sàng chủ yếu của bệnh là suy nhược cơ thể, nôn, tiêu chảy, mất nước; tỷ lệ tử vong cao. Số lượng bạch cầu giảm rõ rệt, làm suy giảm hệ miễn dịch, gây bội nhiễm, kế phát các bệnh khác. Virus xâm nhập vào cơ thể theo đường mũi, nhanh chóng tấn công vào các tế bào bạch huyết và tế bào đang phân chia, đặc biệt là biểu mô ruột non, mô lympho và tế bào tủy xương.

Năm 2009, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu ứng dụng phương pháp ELISA trong chẩn đoán bệnh; đến năm 2014, các nhà khoa học tại Đức cũng ứng dụng phương pháp này trong giám sát dịch bệnh tại đây; sau đó phương pháp này cũng được ứng dụng tại Australia. Năm 2016, Iraq đã nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật PCR trong chẩn đoán bệnh tại đất nước này; đây là phương pháp có độ nhạy, độ chính xác cao. Cho đến nay, các nhà khoa học trên thế giới đã tiến hành giải mã gen của virus và xác định mối tương quan giữa virus gây bệnh giảm bạch cầu và virus gây bệnh viêm ruột truyền nhiễm trên chó.

Tại Việt Nam trong những năm gần đây, phong trào chăn nuôi thú cảnh đang phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô chăn nuôi; trong đó có cả chó, mèo nhập ngoại. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam; cả nước có khoảng hơn 10 triệu đầu chó, mèo; chiếm khoảng 2% tổng động vật nuôi trong cả nước. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của lĩnh vực này là sự bùng phát của dịch bệnh, đặc biệt là một số bệnh truyền nhiễm trên chó, mèo như bệnh Ca-rê (Canine Distemper), Parvovirus trên chó, bệnh viêm mũi khí quản truyền nhiễm (Feline Rhinotracheitis), bệnh hô hấp do Calicivirus gây nên..., trong đó phải kể đến bệnh truyền nhiễm do Feline panleukopenia virus gây nên trên mèo. Mặc dù dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, tỷ lệ mắc bệnh cao dù đã được tiêm vacxin phòng bệnh, tỷ lệ tử vong lớn; nhưng việc ứng dụng các phương pháp chẩn đoán trong phòng xét nghiệm còn nhiều hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức mà chủ yếu dựa vào kít test nhanh; chưa xác định được đặc tính gây bệnh của virus trên bản động vật tại ổ dịch. Do vậy, nghiên cứu lựa chọn phương pháp chẩn đoán và bước đầu xác định khả năng sinh trưởng và phát triển của virus gây bệnh giảm bạch cầu ở mèo trên môi trường tế bào, tạo tiền đề cho việc nghiên cứu các đặc tính sinh học, sinh học phân tử, tiến tới lựa chọn các chủng tiềm năng sản xuất chế phẩm sinh học, vacxin phòng bệnh là cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hiện nay tại Việt Nam.

Hình minh họa (Nguồn: internet)

Mục tiêu của nghiên cứu này là so sánh, lựa chọn phương pháp chẩn đoán và phân lập virus gây bệnh giảm bạch cầu mèo (Feline panleukopenia virus). Kết quả nghiên cứu cho thấy, kỹ thuật PCR có độ nhạy, chính xác cao hơn phương pháp ELISA (47,06% so với 40,20%). Tuy nhiên, thời gian chẩn đoán của phương pháp này dài hơn so với ELISA. Virus có khả năng nhân lên trên môi trường tế bào CRFK và gây bệnh tích điển hình (các tế bào co cụm và bong tróc khỏi bề mặt chai nuôi cấy). Bệnh tích tế bào xuất hiện sớm sau 4 giờ nuôi cấy và sau 32 giờ các tế bào bị phá hủy và bong tróc khỏi bề mặt chai nuôi cấy. Hiệu giá virus của các chủng đạt giá trị cao nhất sau 32 giờ nuôi cấy và kéo dài khoảng 4 giờ (TCID50/25μl dao động trong khoảng 108 đến1011).

ctngoc

Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thú y, số 8 năm 2020
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ