SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ứng dụng kỹ thuật truyền máu trên chó tai bệnh viện thú y, trường Đại học Nông lâm Tp. Hồ Chí Minh

[28/09/2021 16:08]

Nghiên cứu do hai tác giả Đồng Nhựt Khánh Vân và Võ Tấn Đại thuộc Khoa Chăn nuôi – Thú y, Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh thực hiện.

Truyền máu là sự bổ sung thành phần của máu từ thú cho sang thú nhận nhằm mục đích cải thiện các chỉ tiêu sinh lý máu. Kỹ thuật truyền máu đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong nhân y và thú y để cứu sống con người, động vật trong suốt thời gian qua. Lịch sử truyền máu trên động vật bắt đầu vào năm 1665 khi Richard Lower đã thành công lấy máu từ một con chó khỏe và truyền cho một con chó bị mất máu trầm trọng.

Truyền máu được sử dụng phổ biến trong các trường hợp thiếu máu cấp tính, xuất huyết, tan huyết hoặc do chức năng tạo hồng cầu của tủy xương không hiệu quả. Mục đích của truyền máu nhằm cung cấp các thành phần máu thiết yếu, phục hồi lượng máu tuần hoàn, tăng vận chuyển và cung cấp oxy đến các mô. Tuy nhiên, quy trình truyền máu tương đối phức tạp, bao gồm các bước thu thập, sàng lọc, bảo quản máu, kiểm tra phản ứng chéo (cross-matching), cuối cùng là truyền máu và theo dõi phản ứng của thú sau khi nhận máu.

Nhằm đánh giá hiệu quả hỗ trợ của việc truyền máu tươi toàn phần trên chó, chúng tôi theo dõi 8 ca bệnh thực tế tại Bệnh viện Thú y, trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh.

Hình minh họa (Nguồn: internet)

Truyền máu cho chó đã được thực hiện cho 8 trường hợp thiếu máu do nhiễm Ehrlicchia canis (5 trường hợp), nhiễm giun móc Ancylostoma caninum (1 trường hợp) và mất máu do phẫu thuật (2 trường hợp). Mục đích của việc ứng dụng truyền máu nhằm hỗ trợ điều trị trong những trường hợp thiếu máu, đánh giá hiệu quả truyền máu và đưa ra kết luận giúp bác sĩ thú y tiên lượng và truyền máu cho thú bệnh kịp thời.

Kết quả sau khi truyền máu, có 5 trường hợp đã hồi phục (62,50%), phần trăm dung tích hồng cầu (%PCV) tăng đáng kể sau khi nhận được lượng máu cần truyền. Ngược lại, có 3 trường hợp không qua khỏi bệnh (37,50%), phần trăm dung tích hồng cầu giảm dần đến khi thú chết. Giá trị trung bình của phần trăm dung tích hồng cầu trước và sau truyền máu (24 giờ) tăng từ 11,78% lên 19,20% (5 trường hợp nhiễm Ehrlicchia canis) và từ 12,33% lên 22,67% (trường hợp mất máu trước/sau khi phẫu thuật và nhiễm giun móc). Tuy nhiên, nếu thể tích máu trung bình nhận được là 12,98 ml/kg thì phần trăm dung tích hồng cầu tăng 8,51% vào ngày đầu tiên (24 giờ) sau khi truyền máu. Tuy có 8 trường hợp truyền máu nhưng kết quả cho thấy tỷ lệ thành công của truyền máu sẽ không cao nếu chó bệnh có phần trăm dung tích hồng cầu <15% và chức năng gan, thận bị suy giảm. Không có phản ứng bất thường của thú bệnh được ghi nhận trong và sau khi truyền máu.

ctngoc

Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thú y, số 4 năm 2020
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ