SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Kỹ thuật nuôi thương phẩm ốc nhồi (Pila Polita)

[28/09/2021 20:13]

Ốc nhồi (còn gọi là ốc bươu đen - Pila polita) là loại thực phẩm được thị trường ưa chuộng. Ốc nhồi ta là loại ốc sống ở các vùng ao hồ nước ngọt, đồng ruộng. Vỏ ốc nhồi ta có vỏ mỏng, nhẵn, bóng, có màu đen hoặc vàng hanh, màu của ốc cũng có thể phụ thuộc vào nguồn nước. Phần miệng ốc có hình dạng khum vào và bằng phẳng. Giữa phần thân và phần miệng không có hõm, đây được coi là điểm giúp bà con phân biệt ngay cả khi ốc nhồi còn bé. Loại ốc này có giá trị cao về mặt kinh tế cũng như giá trị dinh dưỡng. Với kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc khá đơn giản, nuôi ốc nhồi đang là một hướng phát triển kinh tế mới giúp nhiều hộ nông dân làm giàu.

1. Chuẩn bị hệ thống ao nuôi ốc nhồi thương phẩm

- Vị trí ao nuôi: nên chọn những nơi có nguồn nước sạch và có khả năng cấp, thoát nước thuận lợi. Ao nuôi không nên quá lớn vì sẽ khó chăm sóc và quản lý địch hại.

- Trước khi nuôi cần tát cạn, tẩy dọn sạch bùn ao, rắc vôi bột với liều lượng 5 – 8 kg/100m2 để diệt tạp và khử trùng ao nuôi. Sau 10-15 ngày phơi khô đáy ao, lấy nước vào ao nuôi qua lưới lọc để chắn các sinh vật khác vào hại ốc. Độ sâu mức nước trong ao từ 0,5 - 0,8m.

- Cần phát quang bụi rậm xung quanh bờ ao, tránh chuột làm tổ và thuận lợi chăm sóc, thu hoạch. Nên trồng thêm các loài thực vật trong ao như rong tảo, bèo tây, bông súng,… để tăng độ mát và tạo chỗ bám cho ốc, diện tích thả bèo chiếm 20-30% diện tích ao nuôi, làm khung ngăn bèo không để bèo phán tán ra ao. Đặc biệt, khi vào mùa đông lạnh ở miền Bắc, việc trồng thêm các loại bèo tây, bông súng sẽ giúp tạo độ ẩm, nơi trú ẩn cho ốc. Có thể bón thêm phân hữu cơ cho ao để tạo độ màu mỡ cho đất, và thuận lợi cho ốc tìm kiếm nguồn thức ăn. Làm thêm giàn mướp xung quanh bờ ao vừa tạo bóng mát cho ao nuôi và lấy quả làm thức ăn cho ốc

- Chuẩn bị ao xong và kiểm tra chất lượng nước ổn định (pH: 7,0 – 8,5, hàm lượng ô xy hòa tàn tan > 4 mg/l, độ kiềm duy trì từ khoảng 70,0 -120,0 mg CaCO3/l) thì tiến hành thả ốc giống.

2. Lựa chọn và cách thả ốc giống

- Chọn ốc nhồi giống là khâu rất quan trọng để đảm bảo ốc sinh trưởng và phát triển tốt. Ốc nhồi giống được chọn cần phải là những con khỏe mạnh, có chất lượng tốt. Phần vỏ ốc không được sứt mẻ, phần đỉnh vỏ ốc có màu tươi sáng. Kích thước ốc giống trong khoảng 0,4-0,6g/con. Khi vận chuyển ốc giống cần được giữ ẩm, nhưng không được bọc kín bằng túi nilon mà cần tạo độ thông thoáng với môi trường bên ngoài.

- Cách thả giống: Thả ốc vào lúc thời tiết mát (chiều tối hoặc sáng sớm). Không nên thả ốc giống lúc trời nắng hoặc mưa. Khi thả ốc xuống ao nuôi, cần thả ốc vào chậu rồi cho từ từ nước vào chậu để ốc thích nghi dần với môi trường nước mới, sau đó khoảng 30-45 phút thì mới tiến hành thả ốc xuống ao. Không được thả trực tiếp ốc xuống ao, ốc sẽ bị chìm xuống đáy ao và bị chết. Mật độ giống thả nuôi trong ao là 80-100 con/m2.

- Thời vụ nuôi: Ở miền Bắc thả ốc giống từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm để ốc kịp phát triển đạt kích cỡ thương phẩm, tránh thời tiết lạnh giá của mùa đông (vì khi mùa đông ốc không lớn và dễ bị chết do nhiệt độ xuống thấp).

3. Thức ăn và cách cho ăn

Ốc nhồi là loại ăn tạp thiên về thực vật như: thực vật thủy sinh, lá sắn, bèo tấm, rau muống,...; các loại củ quả (khoai lang, bí đỏ, mướp, bí xanh, đu đủ,..), bột ngũ cốc (bột cám, bột đậu nành, bột ngô ....). Thức ăn công nghiệp viên nổi (hàm lượng protein từ 20-24%) cũng là nguồn thức ăn rất tốt.

- Lượng thức ăn và cách cho ăn: Lượng thức ăn được tính dựa trên khối lượng ốc trong ao và khả năng ăn của ốc. Trong 1 tháng đầu cho ăn ở mức 5-6% tổng khối lượng ốc trong ao; từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 3 cho ăn 3-4 % khối lượng ốc trong ao, từ tháng thứ 4 đến khi thu hoạch ốc cho ăn 2-3% khối lượng ốc trong ao. Cho ăn 02 lần/ngày vào lúc sáng sớm (6 - 7 giờ sáng) và chiều tối (5 – 6 giờ tối).

Lưu ý:

+ Thức ăn xanh để nguyên cả lá, không băm nhỏ vì ốc có tập tính bám, nó thường bám dưới mặt lá để ăn.

+ Thức ăn tinh: mỗi ngày chỉ cho ăn thức ăn tinh 1 lần. Lượng thức ăn được điều chỉnh theo khả năng ăn của ốc, khoảng 0,5 – 1,0% khối lượng ốc trong ao.

+ Trước khi cho ốc ăn lần sau phải kiểm tra thức ăn lần trước, nếu thấy còn thức ăn cũ thì phải vớt hết rồi mới cho thức ăn mới, đồng thời giảm khẩu phần cho ăn.

+ Thức ăn phải biết rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn, không thu gom thức ăn rau củ quả thu gom ngoài chợ vì dễ có thuốc, hóa chất bảo quản, ốc ăn vào sẽ bị chết.

4. Một số bệnh thường gặp của ốc nhồi

4.1. Các loại ký sinh trùng

Nội ký sinh: Chỉ các ký sinh trùng ký sinh trong các cơ quan nội tạng, cơ. Loại này thường là sán lá, giun tròn…

Ngoại ký sinh: Chỉ các ký sinh trùng có trên bề mặt cơ thể, ở loại ốc thường ký sinh trên vỏ ở vòng xoắn hoặc trên đỉnh vỏ, nắp mài, chân,…

Nguồn lây nhiễm: Trứng, ấu trùng hoặc bào nang của ký sinh theo nguồn nước hoặc thức ăn xâm nhập vào. Chúng gây hại ở hầu hết các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của ốc. Giun tròn ký sinh phát triển ở nhiệt độ 25 – 320C. Vòng đời của chúng từ trứng sau đó trưởng thành mất khoảng 7 ngày nếu gặp điều kiện thuận lợi.

4.2. Bệnh do ký sinh trùng giun tròn

Biểu hiện: Ốc có biểu hiện bất thường như chậm lớn, hoạt động chậm chạp. Ốc bị giun tròn ký sinh thường bị mỏng vỏ hoặc mòn vỏ. Ốc chế rải rác khi bị giun tròn ký sinh.

Dấu hiệu bên trong: Khi soi kính hiển vi điện tử sẽ thấy ấu trùng, giun trưởng thành.

5.3. Bệnh do ấu trùng sán lá ký sinh ở Ốc nhồi

Biểu hiện: Ốc có dấu hiệu bất thường như chậm lớn, yếu. Không có dấu hiệu ở trên vỏ nên bà con khó có thể phát hiện được bệnh. Thịt ốc: Ốc bị nhiễm bệnh sán lá thường bị mềm thịt, gan chuyển màu tối.

4.4. Bệnh đỉa ở ốc nhồi

Biểu hiện: Tác nhân gây bệnh là đỉa ốc. Ốc bị bệnh sẽ hoạt động chậm và yếu. Quan sát nội tạng ốc có đỉa ký sinh trong gan và mang.

4.5. Bệnh sưng vòi ở ốc nhồi

Biểu hiện: Bệnh thường do nguyên nhân chính là môi trường nước xấu, mật độ vi khuẩn cao xâm nhập gây viêm. Ốc bị sưng vòi thường bơi chậm chạp nổi trên mặt nước, vòi bị sưng và thâm, bươi nghiêng hoặc ngửa trên mặt nước.

5. Quản lý môi trường ao nuôi và cách phòng dịch bệnh

Chất lượng môi trường nước ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của ốc. Do đó cần phải đảm bảo môi trường nước ổn định, sạch và duy trì các yếu tố môi trường thuận lợi cho ốc phát triển (pH: 7,0 – 8,5 hàm lượng ô-xy hòa tàn tan > 4 mg/l, độ kiềm khoảng 70,0-120,0 mg CaCO3/l,  nhiệt độ nước từ 22-300C).

Trong thời gian 2 tháng nuôi đầu không cần thay nước, trừ khi ốc bị bệnh. Sang tháng nuôi thứ 3, định kỳ 2 tuần thay nước 1 lần, mỗi lần thay 30-35% lượng nước trong ao. Sử dụng các vi sinh để làm sạch môi trường ao nuôi, định kỳ 2 tuần/1 lần. Bổ sung khoáng CaCO3 và vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho ốc, hạn chế dịch bệnh cho ốc.

Hàng ngày theo dõi, quan sát hoạt động ốc trong suốt quá trình nuôi; kiểm tra hệ thống ao bờ nuôi và kiểm soát các địch hại của ốc.

6. Thu hoạch ốc thương phẩm

Ốc nhồi sau khi nuôi từ 3 - 4 tháng đạt trọng lượng thương phẩm 25 - 30 con/kg thì có thể tiến hành thu hoạch. Nên thu hoạch ốc trước mùa đông. Có thể thu tỉa bằng cách dùng thuyền đi quanh bờ ao để bắt những con to (buổi sáng ốc thường nổi lên bám vào lá dọc mùng, lá sắn, dễ bèo để ăn nên việc thu hoạch rất dễ). Sau khi thu tỉa ốc to, ta có thể thả bù ốc nhỏ. Nếu thu hoạch toàn bộ thì sau khi dùng thuyền để thu, số ốc còn lại trong ao có thể tháo cạn nước ao.

dtnkhanh

 

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ