SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phân lập một số hợp chất từ thân rễ ngải tím (Kaempferia parviflora Wall. Ex Baker), họ gừng (Zingiberaceae)

[29/10/2021 12:08]

Nghiên cứu do Mai Đình Trị, Mai Thành Chí, Trần Huy Khiêm, Phạm Quang Thọ, Đặng Văn Sơn (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và Nguyễn Thị Ngọc Đan (Trung tâm Sâm và Dược liệu thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Cây Ngải tím có tên khoa học là Kaempferia parviflora (Zingiberaceae) là cây thân thảo lâu năm, đầu rễ thường phình lên thành dạng củ. Lá to bản, ít, phiến lá gần tròn đến dạng chỉ, có nhiều vân; cuống lá ngắn; lưỡi thường nhỏ hay không có, là mọc thành bẹ. Theo truyền thống, thân rễ có màu đen đến tím được sử dụng trong thực phẩm như là một chất tạo hương vị. Thân rễ của Ngải tím trong dân gian sử dụng làm thuốc tăng cường sức khỏe, thuốc chống viêm, rối loạn tiêu hóa, ruột và tá tràng. Các nghiên cứu gần đây cho thấy thân rễ Ngải tím có tác dụng chống sốt rét, chống virus, chống khuẩn, chống loét dạ dày và chống nấm. Trong y học cổ truyền Thái Lan, thuốc sắc của thân rễ Ngải tím dùng chữa bệnh nhiễm nấm, bất lực, dị ứng, hen, gout, tiêu chảy, kiết lị, loét dạ dày và tiểu đường. Các nghiên cứu về thành phần hóa học của loài Kaempferia parviflora cho thấy các hợp chất chủ yếu gồm flavonoid, chalcone, terpenoid, anthraquinone... Trong đó, các polymethoxyflavone được xem như là các hợp chất chính. Trong nghiên cứu này báo cáo kết quả về việc phân lập và xác định cấu trúc của 2 hợp chất flavone, 1 flavanone, 1 curcuminoid và 1 anthraquinone từ thân rễ Ngãi tím là 5,7-dimethoxyflavone (1), 3,5,7-trimethoxyflavone (2), di-O-methylpinocembrin (3), bisdemetoxycurcumin (4), aloe-emodin (5).

Rễ ngải tím (Kaempferia parviflora)

Thân rễ Ngải tím thu hái tại tỉnh An Giang vào tháng 05 năm 2018 và được định danh bởi TS. Đặng Văn Sơn, Viện Sinh học Nhiệt Đới - Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Mẫu tiêu bản (ký hiệu KP-1539) được lưu tại Phòng Các chất có Hoạt tính Sinh học, Viện Công nghệ Hóa học.

Bằng kỹ thuật sắc ký cột trên silica gel pha thường kết hợp với sắc ký bản mỏng với các hệ dung môi giải ly khác nhau, năm hợp chất tinh khiết được phân lập từ phân đoạn cao n-hexane của thân rễ Ngải tím. Cấu trúc được xác định bằng phổ cộng hưởng từ hạt nhân kết hợp với so sánh tài liệu tham khảo, các hợp chất được xác định là 5,7-dimethoxyflavone (1), 3,5,7-trimethoxyflavone (2), di-O-methylpinocembrin (3), bisdemethoxycurcumin (4), aloe-emodin (5). Trong đó hợp chất 4 và 5 lần đầu tìm thấy trong loài.

lttsuong

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 57, Số 1 (2021)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ