SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Indonesia: Bùng nổ khởi nghiệp nuôi trồng thủy sản

[08/11/2021 16:32]

Khoảng hơn 30 startup tại Indonesia đã tham gia mạng lưới Digifish Network để mang tới các mô hình kinh doanh sáng tạo nhằm giải quyết những thách thức trong mọi phân khúc của ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS).

Indonesia thường được đánh giá là quốc gia có tiềm năng NTTS lớn với sản lượng đứng thứ ba thế giới – sau Trung Quốc và Ấn Độ (theo FAO, sản lượng NTTS của nước này năm 2018 đạt 5,4 triệu tấn, trị giá 11,9 tỷ USD). Mặc dù vậy, ngành NTTS Indonesia vẫn mới chỉ là một “người khổng lồ ngủ quên” và đang còn phải đương đầu với rất nhiều thách thức liên quan đến khả năng tiếp cận vốn và đầu vào sản xuất; các vấn đề về sản xuất như hiệu suất cho ăn, chất lượng con giống, công nghệ canh tác,…; vấn đề sau sản xuất, chẳng hạn giá bán tại nông trại thấp do chuỗi cung ứng kéo dài,…; bên cạnh một số trở ngại khác như cơ sở hạ tầng yếu kém, chính sách quản lý chưa phù hợp,…

Tuy nhiên, NTTS vẫn là một lĩnh vực đầy hấp dẫn do nhu cầu protein ngày càng tăng của nhân loại. Tại Indonesia, những startup NTTS năng động vẫn đang miệt mài tìm cách giải quyết các khó khăn, vướng mắc tồn tại trong từng khu vực của ngành. Nhiều nhà sáng lập, mặc dù không được đào tạo bài bản về NTTS, nhưng việc họ làm hiện đang giúp cho nghề nuôi cá trở nên dễ dàng hơn.

eFishery là một trong số những startup NTTS ra đời sớm nhất, được thành lập năm 2013 tại Bandung, Tây Java. Nhà sáng lập kiêm CEO công ty, Gibran Huzaifah nhận thấy việc quản lý hoạt động cho ăn theo kiểu thủ công thường cho hiệu quả rất kém và làm phát sinh chi phí sản xuất. Vì thế, ông đã tự nghiên cứu và phát triển một hệ thống cho ăn tự động ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật số trên nền tảng IoT – được vận hành qua app trên điện thoại thông minh và tùy biến theo nhu cầu của từng loài nuôi – giúp cải thiện hiệu suất đáng kể. Huzaifah cho biết sáng tạo của anh hiện đã được hàng ngàn hộ nuôi tại nhiều vùng trên khắp Indonesia lắp đặt.

Mang các startup đến với nhau

2017 là năm đánh dấu bước khởi đầu cho các startup NTTS Indonesia với sự nổi lên của hơn 10 doanh nghiệp, những người đã thúc đẩy mạng lưới Digifish – một trung tâm tích hợp thông tin và hỗ trợ kinh doanh NTTS – ra đời năm 2018, theo sáng kiến của Rully Setya Purnama – nhà sáng lập kiêm CEO Minapoli (sàn thương mại điện tử các sản phẩm thủy sản theo hình thức B2B lớn nhất Indonesia). Digifish tham vọng trở thành “hệ sinh thái đổi mới kỹ thuật số hàng đầu của ngành thủy sản Indonesia” thông qua truyền cảm hứng, cũng như tăng cường khuyến khích sự đổi mới và cộng tác. Đến nay, hơn 30 startup – bao phủ toàn bộ chuỗi cung ứng – đã tham gia mạng lưới này, trong đó hoạt động quản lý nước và tài chính là hai lĩnh vực được quan tâm nhất.

Đại hội thường niên của Digifish năm 2018.

Trong số các công ty chuyên về cảm biến và thiết bị IoT (dùng để kiểm tra thông số nước), phải kể tới những tên tuổi như Jala, FisTx, AquaEasy, Pictafish hay AquaReader. Ngoài ra, nanobubble.id, Venambak, Banoo,… cũng là các đối tác cung cấp giải pháp xử lý nước uy tín, chẳng hạn loại máy tối ưu oxy hòa tan (DO). Với những thiết bị này, các thông chất lượng nước sẽ được hiển thị theo thời gian thực (real time) hoặc ở dạng chuỗi dữ liệu, giúp việc dự báo trở nên chính xác hơn và người nuôi kịp thời phản ứng trước những dấu hiệu bất thường. Đây thực sự là bước đột phá khiến nghề NTTS hấp dẫn thế hệ millennial hơn bởi ngay cả người “không chuyên” cũng có thể khởi nghiệp.

Mặc dù vậy, thách thức lớn nhất trong việc cung cấp các thiết bị kiểm tra chất lượng nước, như CEO Rico Wibisono của FisTx nhận định: bên cạnh nhu cầu phải đảm bảo dữ liệu nhanh và chính xác, còn là cách mà người nuôi nhận được những gợi ý hành động phù hợp. Thu thập dữ liệu tốt là một chuyện, nhưng sử dụng tốt dữ liệu lại còn khó hơn nhiều.

Một trong những yếu tố phi nông nghiệp kìm hãm sự phát triển của ngành NTTS là thiếu tài chính. Phần lớn hộ nuôi tôm, cá ở Indonesia đều có quy mô nhỏ. Trong khi đặc thù của ngành NTTS là mang tính rủi ro cao về mặt kỹ thuật do công nghệ thấp và nhiều nguyên nhân khác – khiến các ngân hàng và tổ chức tài chính thường miễn cưỡng chứ không sốt sắng tham gia. Đó thực sự là cái vòng luẩn quẩn đối với những hộ nuôi nhỏ – khó phát triển mạnh vì thiếu tiền. Ngoài ra, những chương trình cho vay của chính phủ cũng thường rất khó tiếp cận, nhiều thủ tục và thời gian xét duyệt kéo dài. Do đó, một số startup đã khai thác địa hạt fintech để kết nối các doanh nghiệp đang cần vốn với những nhà đầu tư quan tâm trong lĩnh vực này.

Đây là nguồn tài chính khá hấp dẫn đối với các hộ nuôi nhờ dễ tiếp cận, xét duyệt nhanh và trần vay tương đối lớn – có thể lên tới 1 tỷ IDR (70.000 USD) cho một chu kỳ sản xuất kinh doanh, dù lãi suất thường cao hơn 2–4 lần so với ngân hàng (thậm chí lên tới 2%/tháng).

Mặc dù mô hình kinh doanh fintech không quá phức tạp song lĩnh vực này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhất là với những ai dựa vào hệ thống giao dịch cho vay ngang hàng (P2P) sau khi huy động vốn từ công chúng. Điều này đòi hỏi sự minh bạch và một kênh liên lạc tốt giữa công ty fintech với các nhà đầu tư. Ngoài ra, kỹ thuật yếu kém cũng lại là một thách thức nữa trong việc cấp vốn cho người nuôi. Vì thế, bên cạnh hoạt động cho vay, công ty fintech còn cần hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi nhằm giảm thiểu sai sót do con người trong quá trình sản xuất. Growpal, inFishta, Mina Ceria, Sgara, Sipanen, Alune,… là những cái tên tiểu biểu trong lĩnh vực fintech và quản lý nông nghiệp.

Hướng tới chuỗi cung ứng hiệu quả hơn

Bên cạnh tài chính, tính công bằng trong quá trình tiếp cận thị trường cũng là một thách thức mang tính hệ thống đối với người NTTS. Các hộ nuôi nhỏ thường không có được vị thế tốt trong giao dịch với thương lái. Chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng vì thế hãy còn rất dài, và có thể phải đi qua 2 – 4 cấp trung gian. Trong quá trình này, độ tươi và chất lượng sản phẩm thường đã sụt giảm do thiếu phương tiện bảo quản hiện đại.

Đây là khía cạnh mà Fishlog và Aruna đang cố gắng khai thác. Họ đơn giản chỉ tìm cách lược bớt khâu trung gian trong chuỗi cung ứng và cải thiện giá bán tại trại nuôi. Fishlog cung cấp giải pháp kho lạnh thông qua một nền tảng trực tuyến – giúp người nuôi trực tiếp đưa cá đến với đơn vị chế biến và thu được mức giá tốt hơn. Trong khi đó, Aruna lại tạo điều kiện cho người nuôi tiếp thị rộng rãi sản phẩm của họ, bao gồm cả xuất khẩu, thông qua một nền tảng thương mại điện tử hoàn chỉnh.

Sự hiện diện của các startup NTTS đã mang lại bầu không khí lạc quan cho toàn ngành. Mặc dù chưa thể giúp giải quyết được tất cả mọi vấn đề, nhưng họ thật sự rất có tiềm năng. Nhờ vào bầu nhiệt huyết cùng những ý tưởng mới lạ của thế hệ millennial, các startup này hứa hẹn sẽ đưa ngành NTTS của Indonesia lên một tầm cao mới trong tương lai không xa.

Phương Hiền The Fish Site

www.khoahocphattrien.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài