SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sử dụng máy in sinh học 3D để tạo ra thịt bò nhân tạo

[10/11/2021 14:34]

Các nhà khoa học Nhật Bản tìm kiếm một sự thay thế bền vững cho món thịt bò wagyu trong tương lai.

Các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra cách tạo ra thịt nhân tạo từ máy in sinh học 3D. Ảnh minh họa

Tại Hội nghị COP26 đã thu hút rất nhiều sự quan tâm với chủ đề sức tiêu thụ thực phẩm, cụ thể là thịt, ngày càng lớn trên thế giới. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần khiến tình trạng nóng lên toàn cầu càng thêm nghiêm trọng. Vấn đề này đã được các nhà khoa học nghiên cứu từ nhiều năm nay, nhưng câu hỏi này có lẽ đang nóng hơn bao giờ hết vào lúc này, đó là liệu rằng chúng ta có sẵn sàng chuyển từ ăn thịt động vật sang ăn thịt nhân tạo để cứu môi trường?

Vốn nổi tiếng với thịt bò wagyu, thế nhưng các nhà khoa học Nhật Bản nhiều năm nay đã tìm kiếm một sự thay thế bền vững cho món thịt này. Các nhà khoa học Đại học Osaka đã chiết xuất tế bào từ bò đen Nhật Bản, sau đó sử dụng máy in sinh học 3D để tạo ra từng sợi cơ, mạch máu và mỡ. Họ tự tay ghép các sợi lại với nhau để tạo ra thịt. Quá trình này có một vấn đề khó khăn, đó là làm sao tạo ra những vân mỡ vốn khiến thịt bò wagyu khác biệt với các loại thịt bò khác.

Theo GS Michiya Matsusaki - Đại học Osaka, Nhật Bản cho rằng, nếu có thể nhanh chóng sản xuất ra nhiều thịt từ chỉ một số ít tế bào, chúng ta sẽ có khả năng ứng phó với các vấn đề thiếu hụt thực phẩm và protein trong tương lai. 

Trên thực tế, phải mất tới 4 tuần để tạo ra một cm3 khối thịt bò wagyu, với chi phí khoảng 90 USD (tương đương 2 triệu VNĐ)/gram. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết, một khi quy trình được tinh chế và tự động hóa, thịt có thể được sản xuất hàng loạt trong vòng 5 năm, khi ấy giá thành sẽ giảm.

Theo Liên Hợp Quốc, chăn nuôi chiếm khoảng 14,5% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, và đất được sử dụng cho nông nghiệp là nguyên nhân chính dẫn đến nạn phá rừng. Vì vậy, thịt nhân tạo đang được xem là lựa chọn thay thế bền vững cho tương lai. Ước tính, thị trường thịt nhân tạo có thể tăng trưởng lên 2,79 tỷ USD vào năm 2030.

Trong cùng diến biến, hiện nay, ngành công nghiệp chế biến thịt bò thuần chay đang ứng dụng trí tuệ nhân tạo để làm ra các sản phẩm thay thế thịt bò thật, có nguồn gốc từ thực vật. 

Đại diện Tập đoàn Firmenich của Thụy Sĩ, một trong những nhà chế biến gia vị hàng đầu thế giới, cho biết, thuật toán giúp tính toán phối hợp các thành phần nguyên liệu mà từ đó, các chuyên gia có thể tạo ra không chỉ các hương vị khác nhau mà còn là yếu tố làm thay đổi sở thích của người tiêu dùng. 

Việc tái tạo cảm giác khi ăn thịt bò thuần chay giống như ăn thịt bò thật, không chỉ dựa vào hương vị, kết cấu và màu sắc, mà còn hình dạng khi nấu. Ngoài ra, AI đã giúp Tập đoàn Firmenich phát triển một hương vị từ thực vật giống như hương vị đặc trưng của thịt nướng. 

Với chế độ ăn kiêng đa dạng và lo ngại về lượng khí thải CO2 từ hoạt động chăn nuôi và chế biến thịt, thị trường thực phẩm thuần chay đang phát triển mạnh mẽ. Một nghiên cứu của Ngân hàng Credit Suisse cho biết, thị trường các sản phẩm thuần chay thay thế thịt và bơ sữa trên toàn cầu đã có trị giá khoảng 14 tỷ USD và sẽ lên tới 143 tỷ USD vào năm 2030.

Diệu Hương

www.vietq.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ