SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Que thử phát hiện nhanh bệnh hoại tử gan tụy cấp ở tôm

[02/12/2021 14:51]

Đây là phương pháp đặc hiệu, đơn giản, cho kết quả trực quan tại thực địa trong vòng 5-10 phút, thay cho các phương pháp cấy phân lập, chẩn đoán mô học, PRC đòi hỏi phải có kỹ thuật viên có trình độ cao và phòng thí nghiệm.

Que thử do nhóm nghiên cứu sản xuất. Ảnh: NNC

Tại Hội thảo “Ứng dụng que thử phát hiện nhanh hai độc tố ToxA và ToxB của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) trên tôm nuôi ở Tây Nam Bộ”, do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TPHCM tổ chức ngày 26/11, PGS. TS Trần Văn Hiếu, Phó chủ nhiệm Khoa Sinh học – Công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM cho biết, AHPND là một bệnh khiến tôm (sú, thẻ) chết sớm, với tỷ lệ chết lên đến 100%, lây lan nhanh chóng, gây ra bởi vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus mang hai độc tố ToxA, ToxB. Hiện nay, bệnh AHPND chưa có phương pháp điều trị, nên cần có phương pháp chẩn đoán để phát hiện bệnh chính xác, nhanh tại thực địa. Qua đó, người dân có phương án kịp thời để xử lý và thông báo ngay cho cơ quan quản lý thông báo dịch bệnh.

Theo PGS.TS Trần Văn Hiếu, để chẩn đoán bệnh, có thể sử dụng một số phương pháp như nuôi cấy phân lập, chẩn đoán mô học, PRC. Tuy nhiên, các phương pháp này có nhược điểm như tốn nhân công, cần kỹ thuật viên có trình độ cao, phòng thí nghiệm, chứ không thể làm tại thực địa. Vì vậy, người dân khó quyết định được bệnh do tác nhân nào gây ra một cách nhanh chóng.

Trước thực tế đó, nhóm tác giả đã nghiên cứu, sản xuất que thử dựa trên tương tác kháng nguyên – kháng thể. Đây là phương pháp đặc hiệu, đơn giản, cho kết quả trực quan nhanh ngay tại thực địa (5 – 10 phút).

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã thu thập thông tin và đánh giá toàn diện thực trạng bệnh AHPND trên các tỉnh nuôi tôm lớn của đồng bằng sông Cửu Long như Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang,... Đồng thời, thu các chủng vi khuẩn gây bệnh, giải trình tự gene và phân tích đặc điểm di truyền để cung cấp thông tin toàn diện về cơ chế gây bệnh và khả năng lây truyền. Sau đó, tạo ra các độc tố, thu nhận protein tương ứng, thu kháng thể,… để sản xuất que thử.

Các que thử đã được Trung tâm Chất lượng Nông lâm Thủy sản vùng IV đánh giá có độ đặc hiệu 98 % và độ nhạy 94 %. Thử nghiệm (dùng đầu tôm để test) cho thấy, chỉ trong khoảng 5 phút, cho kết quả chính xác (1 vạch không bệnh, 3 vạch có bệnh). Que thử đã được giới thiệu và hướng dẫn sử dụng cho người dân nuôi tôm ở một số tỉnh như Bến Tre, Bạc Liêu,...

Theo TS Hiếu, việc sản xuất thành công que thử, góp phần giải quyết bài toán kiểm soát sớm dịch bệnh AHPND. Ngoài ra, đây là công nghệ nền, chỉ cần thay đổi kháng thể là có thể sản xuất ra nhiều que thử cho các bệnh khác nhau trên các đối tượng thủy sản.

Kiều Anh

www.khoahocphattrien.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ