SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đề án 844 giai đoạn 2021-2026: Mở và linh hoạt

[07/12/2021 15:02]

Bước sang giai đoạn 2021-2026, đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) sẽ thúc đẩy sử dụng hiệu quả các nguồn lực thông qua việc tạo ra liên kết bền chặt giữa các bộ ngành, địa phương, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước…

Mô hình sản phẩm máy lọc nước thông minh của Lâm Đồng là một trong 34 dự án tham gia vòng chung kết Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 4. Ảnh: BSA.

Khởi điểm bằng hệ sinh thái tỷ đô

Ngày 18/5/2016, Đề án 844 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Kể từ đó, khái niệm “quốc gia khởi nghiệp” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần với mong muốn học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế, đặc biệt là Israel.

Ở thời điểm ấy, lãnh đạo Bộ KH&CN đã nhìn thấy hiệu quả ban đầu của những làn sóng đầu tư của IDG Ventures vào những năm 2000 hay những công ty, doanh nghiệp Nhật Bản rót vốn vào nhiều sàn thương mại điện tử Việt Nam như Tiki, Sendo… vào những năm 2010. Theo lời ông Phạm Dũng Nam – Giám đốc Văn phòng Đề án 844, Bộ KH&CN tin rằng để những thành công như thế được nhân rộng cần phải có một cú hích từ Chính phủ. Điều đó có nghĩa là hệ sinh thái khởi nghiệp được thiết kế một cách có hệ thống từ cơ quan nhà nước đến doanh nghiệp, tổ chức ngoài xã hội. Khi tất cả đã vào nhịp sẽ tạo ra một lực lượng lớn doanh nhân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chèo lái con thuyền kinh tế trong tương lai.

Bởi thế trong giai đoạn 2016-2021, Đề án 844 đã tập trung xây dựng nền tảng nhằm nâng cao năng lực, nhận thức chung, truyền tải văn hóa khởi nghiệp cũng vận động hành lang cho những chính sách liên quan ra đời. Các nhóm nhiệm vụ từ Đề án 844 ra đời với hàng trăm các khóa đào tạo cùng hàng nghìn người được tham gia. Giới trẻ hiểu hơn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và được đào tạo bài bản chứ không phải là chuyện “đi học mót” hay “làm mãi thì quen, thì vỡ vạc”.

Ông Từ Minh Hiệu – Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) cho biết, trong giai đoạn 2016-2020 đã có hơn 100 nhiệm vụ được phê duyệt để chung tay phát triển hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên cả nước với sự tham gia của 57 tỉnh thành phố. “Các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục cũng tiếp cận và đưa khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy, có thể kể tới như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Bách khoa, Học viện Bưu chính viễn thông… Quan trọng hơn, một thế hệ trẻ đã được tiếp cận với triết lý, tư tưởng kiến thức nền tảng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” – ông Từ Minh Hiệu nói.

Cùng với đó, Đề án 844 cũng nghiên cứu và xây dựng các hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Năm 2016, chưa có quy định nào về đầu tư mạo hiểm hay ưu đãi hỗ trợ với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức trung gian. Trong khi đó, đây gần như là vấn đề sống còn cho một startup ra đời. Trong năm năm qua, Bộ KH&CN với sự tham mưu của Đề án 844 đã đề xuất và xây dựng nhiều chính sách mà theo ông Từ Minh Hiệu “dù còn sơ khai nhưng đã tác động tích cực lên hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam”.

“Bức tranh của hệ sinh thái khởi nghiệp đã dần đầy đủ. Vấn đề của giai đoạn tới là sử dụng các nguồn lực và mối liên kết hợp tác để các mảnh ghép trở thành khối vững chắc để phát triển hệ sinh thái” – ông Từ Minh Hiệu nói.

Một trong những con số được giới đầu tư và khởi nghiệp chia sẻ thời gian gần đây là lượng đầu tư vào Việt Nam trong chín tháng năm 2021 lên tới hơn 1 tỷ USD. Nếu như năm 2020, số lượng đầu tư sụt giảm so với năm 2019 thì sức bật trở lại của thị trường đầu tư cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài vào nội lực của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.

Mở và linh hoạt trong giai đoạn 2021-2016

Trong giai đoạn mới, để duy trì hiệu quả của hệ sinh thái, Văn phòng Đề án 844 đã trình Thủ tướng và được phê duyệt về Quyết định 188 - về sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định 844/QĐ-TTg. Theo ông Từ Minh Hiệu, “trên cơ sở kết quả đạt được chúng tôi muốn giai đoạn 2021-2026, sẽ có định hướng điều chỉnh phù hợp với tình hình mới”. Nếu như giai đoạn 2016-2021, Đề án 844 tập trung nhiều vào hình thành các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, nâng cao năng lực cho các chủ thể trong hệ sinh thái, thì 2021-2026 là giai đoạn tăng tốc cho hệ sinh thái bằng cách tăng cường mối liên kết bền chặt, đúng với quan điểm “muốn đi xa thì đi cùng nhau”.

“Chúng tôi kỳ vọng hình thành được hệ thống trung tâm khởi nghiệp đổi mới quốc gia tại các bộ, ngành địa phương và tạo thành liên kết mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn quốc. Nếu trung tâm khởi nghiệp là phần cứng thì mạng lưới khởi nghiệp là phần mềm để hỗ trợ cho các hoạt động thúc đẩy kết nối trong hệ sinh thái” – ông Từ Minh Hiệu nói. Mục tiêu trước mắt là hệ sinh thái Việt Nam lọt vào top 15 hệ sinh thái mới nổi của khu vực châu Á Thái Bình Dương.

 

Để làm được điều đó, tất cả đều phải mở. “Một hệ sinh thái mở” là điều mà ông Phan Dũng Nam – Giám đốc Văn phòng Đề án 844 đã nhắc tới nhiều lần trong các hoạt động của TECHFEST 2021.

Như vậy tức là sau khi đã có được đầy đủ các thành phần cho hệ sinh thái cũng như nâng cao phổ hiểu biết về khởi nghiệp trong cộng đồng, ở giai đoạn mới, đề án 844 sẽ có thay đổi rõ rệt trong việc thiết kế các nhóm nhiệm vụ để đạt được mục tiêu của mình. Rõ rệt nhất nằm ở cách Đề án 844 đặt hàng các nhiệm vụ.

“Ở giai đoạn trước, các nhiệm vụ của Đề án được đưa ra theo tư duy đặt bài theo kiểu cầm tay chỉ việc, tức là có đề bài chi tiết với yêu cầu cụ thể về cách làm, kết quả đầu ra. Sang giai đoạn mới, chúng tôi chỉ đưa ra vấn đề tồn tại trong hệ sinh thái, việc còn lại là để các đơn vị làm nhiệm vụ tự đưa ra phương pháp giải quyết, lời giải cụ thể”- ông Từ Minh Hiệu giải thích.

Độ mở cho từng nhiệm vụ thậm chí còn được ông Đàm Quang Thắng – Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp Quốc gia (VSMA) nhấn mạnh: “Các nhiệm vụ giai đoạn 2021-2026 không đưa ra bất kỳ danh mục nào cụ thể mà chỉ có vấn đề hệ sinh thái đang gặp phải. Các đơn vị sáng tạo ra cách làm, thậm chí là sáng tạo ra kết quả và chỉ số đầu ra”.

Bên cạnh đó, Đề án 844 trong giai đoạn mới cũng muốn tập trung vào hoạt động liên kết mạng lưới và phát triển theo chiều sâu để hình thành nên các trung tâm công nghệ mới, công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, blockchain, Big data,.. với mục tiêu hình thành các startup mới như Sky Mavis… “Chúng tôi sẽ nghiên cứu về sức ảnh hưởng công nghệ thế nào tới hệ sinh thái khởi nghiệp và chúng ta có thể hưởng lợi thế nào từ xu thế đó để có chính sách phù hợp” – ông Từ Minh Hiệu chia sẻ và tin rằng, điều này cần có sự chung tay của cộng đồng chuyên gia trong và ngoài nước.

Điều này thực tế cũng đã được nhắc đến trong Quyết định 188 mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào hồi tháng 2/2021. Cụ thể, Đề án 844 sẽ tập trung vào việc “mời chuyên gia, cố vấn người Việt Nam thành công ở nước ngoài đến làm việc, tư vấn thường xuyên. Ngay khi quyết định được ký, một trong những hoạt động được triển khai là sự hợp tác của Bộ KH&CN và Bộ Ngoại giao, dẫn đến sự ra đời của Mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, hướng tới các chuyên gia, doanh nhân người Việt tại nước ngoài (hoặc đã về nước) liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo trong giai đoạn đầu để tập hợp, hình thành.

 

Nếu như giai đoạn trước, sự kết nối với các chuyên gia người Việt ở nước ngoài tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp đến từ các mối quan hệ cá nhân thì từ giai đoạn này, với hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, các hoạt động sẽ bài bản hơn và đông đảo hơn. Tại thời điểm đó, đại diện trí thức người Việt ở Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… đã kết nối, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, thậm chí “sẵn sàng đi đi về về” để có thể hỗ trợ cho hệ sinh thái.

Ông Phạm Dũng Nam nói thêm, trong giai đoạn mới, Đề án 844 sẽ hoạt động theo nguyên tắc xã hội các nguồn lực, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn lực của nhà nước. Lâu nay, Đề án 844 vẫn tự định nghĩa mình hoạt động như một doanh nghiệp khởi nghiệp, do đó các hoạt động sẽ mở và linh hoạt. “Chúng tôi xác định mạng lưới khởi nghiệp sẽ rất mở. Các tổ chức, cá nhân, mong muốn tham gia vào mạng lưới, dù là ai chúng tôi cũng có cách thiết kế để họ tham gia được. Các trung tâm khởi nghiệp từ trung ương tới địa phương được hình thành hoạt động theo nguyên tắc không cạnh tranh với thị trường bên ngoài, cái gì doanh nghiệp đã làm tốt thì không can thiệp, trung tâm chỉ giữ vị trí điều phối” – ông Phạm Dũng Nam nói thêm.

Bên cạnh đó, một bộ chỉ số đánh giá về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng đang được xây dựng nhằm tạo ra sự thúc đẩy cho các địa phương. Dù chưa biết bộ chỉ số này sẽ tác động lên hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương như thế nào nhưng bà Vũ Thị Bích Hậu - Phó Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng đã dự đoán: “Bộ chỉ số này có thể sẽ tạo ra sức ép cho lãnh đạo địa phương. Nếu chỉ số của địa phương nào thấp quá, lãnh đạo sẽ phải suy nghĩ và hành động để chú trọng đầu tư để các hệ sinh thái cùng đua nhau phát triển, từ đó tạo ra sức phát triển cho cả hệ sinh thái”.

Tính đến hết năm 2020, Đề án 844 đã hỗ trợ tổ chức 244 khóa đào tạo, tập huấn về khởi nghiệp ĐMST cho hơn 23.000 người trong chủ thể hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong đó, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp chiếm 36% tổng số khóa đào tạo; cán bộ quản lý địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở giáo dục, cơ sở ươm tạo chiếm 30% tổng số khóa đào tạo; còn lại là đội ngũ huấn luyện viên, cố vấn KNĐMST.

Từ năm 2016-2021, cả nước đã có khoảng 1000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, 79 vườn ươm, 39 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 202 khu làm việc tập trung và 217 quỹ đầu tư khởi nghiệp với 37 quỹ có pháp nhân Việt Nam.

Bích Ngọc

www.khoahocphattrien.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ