SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xu hướng chuyển đổi số năm 2022: Agile trở thành ưu tiên lớn

[04/01/2022 10:22]

Chuyển đổi số tiếp tục là một nội dung trọng tâm trong kế hoạch năm 2022 của nhiều tổ chức và doanh nghiệp. Tuy nhiên, sẽ không có cuộc đại tu nào về chiến lược, công nghệ và đà tăng của ngân sách mà thay vào đó là sự biến chuyển lớn trong nhận thức về văn hóa và quy trình làm việc theo lối Agile (linh hoạt).

Khả năng linh hoạt trước sự thay đổi chưa thể đoán định cùng với khả năng phản hồi liên tục với khách hàng và thị trường là những lợi ích lớn nhất của Agile đối với chuyển đổi số. Ảnh minh họa: forbes.com

Kể từ khi Covid xuất hiện, Agile đã trở thành yếu tố quan trọng để duy trì hoạt động, ngay cả trong các tổ chức truyền thống. Theo báo cáo State of Agile - thực hiện phỏng vấn 4.182 người trên hơn 100 quốc gia - của Digital.ai - công ty công nghệ và tư vấn chuyển đổi số dựa trên các giá trị nền tảng của Agile - việc áp dụng Agile trong năm qua trên phạm vi toàn cầu đã tăng từ 37% lên 84% trong lĩnh vực phát triển phần mềm; từ 26% lên 60% trong lĩnh vực CNTT; và cũng tăng gấp đôi ở các lĩnh vực ngoài CNTT, bao gồm tài chính, nhân lực và tiếp thị [1].

Theo nhận định của Ginna Raahauge, CIO của Zayo, trên tạp chí của Technology Advice [2]: “Sự linh hoạt sẽ là chìa khóa quan trọng, đảm bảo bạn có các đối tác và chuỗi cung ứng đa dạng để đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh.”

Về phát triển khách hàng, trong bối cảnh môi trường nhiều biến động, yêu cầu của khách hàng đối với các dự án, hợp tác cũng đòi hỏi mức độ linh hoạt nhất định.

Theo báo cáo Vietnam Agile Report 2021 [3] do Học viện Agile thực hiện, có tới 93% số người được hỏi đề cập tới việc khách hàng của họ mong muốn sự linh hoạt ở các mức độ khác nhau trong dự án, hợp tác. Trong đó, 46% mong muốn mức độ linh hoạt nhất định; 25% cho rằng triển khai theo Agile là một lợi thế để hợp tác; 17% có yêu cầu cụ thể dự án, hợp tác phải được triển khai theo Agile.

Dù có hoặc không tuyên bố về việc áp dụng Agile, trong quản lý của hầu hết các doanh nghiệp, tính chất linh hoạt ngày càng trở nên rõ nét. Cũng theo báo cáo của Học viện Agile, hầu hết người được hỏi đều đồng ý rằng tính chất linh hoạt đang ngày càng rõ nét hơn trong quản lý doanh nghiệp và Agile là một xu hướng trong quản trị hiện đại.

Vietnam Agile Report 2021 là báo cáo đầu tiên về Agile tại Việt Nam. Để xây dựng báo cáo này, Học viện Agile đã tiến hành khảo sát trên diện rộng thông qua bảng hỏi trực tuyến trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10/2021 với 530 người thuộc 4 nhóm đối tượng chính là: lãnh đạo cấp cao, người làm công tác nhân sự, người triển khai/thực hành Agile, và quản lý trong lĩnh vực CNTT. Người tham gia khảo sát chủ yếu đến từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT (69%) với quy mô phổ biến nhất từ 50 đến 200 nhân sự.

Nguồn: Vietnam Agile Report 2021

Vì sao linh hoạt là ưu tiên lớn

Đối mặt với đại dịch, sự gián đoạn đòi hỏi các doanh nghiệp phải thích ứng, thay đổi và đưa ra quyết định nhanh chóng hơn bao giờ hết. Covid-19 đã khuếch đại rất nhiều những nhu cầu này. Các doanh nghiệp đều phải điều chỉnh mô hình kinh doanh của họ phù hợp với những hạn chế vật lý của đại dịch.

Trong thời gian kỷ lục, các công ty phải đưa ra các sáng kiến mới cho hoạt động kinh doanh của mình. Điều này có thể đạt được với mô hình Agile khi kỳ vọng lớn nhất của doanh nghiệp đối với Agile là tăng tốc độ đưa sản phẩm tới người dùng và khách hàng cũng như rút ngắn thời gian hoàn thành dự án. Theo Vietnam Agile Report, có tới 34% số người được hỏi cho rằng Agile giúp rút ngắn từ 20% đến 50% thời gian hoàn thành dự án, 84% cho rằng Agile giúp sớm chuyển giao sản phẩm tới khách hàng.

Dưới tác động kéo dài của Covid, trong năm tới, chúng ta tiếp tục chứng kiến xu hướng nhiều nhóm làm việc phân tán hơn bao giờ hết. Làm việc từ xa trở thành điều bình thường nhưng quản lý và vận hành nhóm làm việc từ xa thì không phải ai cũng thành thạo. Mô hình nhóm Agile đề cao tính tự chủ và liên chức năng chính là giải pháp để những nhóm phân tán có thể làm việc hiệu quả.

Gartner - công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới, thuộc S&P 500 – nhận định, đến năm 2024, khoảng một phần ba số nhóm có thể hoạt động mà không cần vai trò quản lý truyền thống [4]. Đại dịch đã thúc đẩy nhu cầu tăng cường khả năng phục hồi của tổ chức, thúc đẩy sự linh hoạt trong các doanh nghiệp.

Tuy vậy, sự linh hoạt chỉ ở mức độ đội nhóm và quá trình riêng lẻ là không đủ, năm 2022 có thể chứng kiến sự chuyển đổi linh hoạt trở thành quá trình liên tục ở mức độ toàn tổ chức.

Theo Mike DePrisco, COO của Viện Quản trị dự án PMI, “Nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp truyền thống nghĩ rằng chuyển đổi là một sự kiện đơn lẻ. Những ngày đó đã qua. Trong môi trường ngày nay - một môi trường được đặc trưng bởi sự thay đổi liên tục - các tổ chức kiên cường nhất là những tổ chức chấp nhận khái niệm về sự chuyển đổi liên tục.” [5]

Điều này đòi hỏi một cách thức làm việc tạo ra sự linh hoạt ở cấp độ toàn tổ chức. Nó không chỉ dừng lại ở việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số, nó phải là sự linh hoạt ở cách thức làm việc, cách cung cấp dịch vụ đó và ở tất cả các khâu, các điểm chạm với khách hàng. Hay nói khái quát, đó là hình thành một nền văn hóa cởi mở và linh hoạt để giúp chuyển đổi số thành công; là hình dung về một doanh nghiệp có thể hoạt động với ít thứ bậc hơn, cấu trúc phẳng hơn.

Cũng theo thống kê từ Vietnam Agile Report 2021, khả năng linh hoạt trước sự thay đổi chưa thể đoán định cùng với khả năng phản hồi liên tục với khách hàng và thị trường là những lợi ích lớn nhất của Agile đối với chuyển đổi số.

Và đó chính là lý do mà 81% số người tham gia khảo sát của Vietnam Agile Report cho rằng cần thực hiện chuyển đổi về văn hóa và quy trình làm việc theo lối Agile, trước khi thực hiện những chuyển đổi về công nghệ.

Agile là một triết lý hay một khung tư duy để nhanh chóng thích ứng và phản hồi với thay đổi, từ đó đạt được thành công trong một môi trường liên tục biến động và không chắc chắn.

Triết lý Agile xuất phát từ ngành công nghệ ở các nước phát triển, đã làm thay đổi diện mạo nền công nghệ thế giới và đang lan tỏa mạnh mẽ và thể hiện giá trị trong nhiều lĩnh vực khác.


Agile du nhập vào Việt Nam từ khoảng năm 2007 bởi nhóm chuyên gia sau này là các nhà sáng lập Học viện Agile. Các công ty đi đầu trong tìm hiểu và áp dụng Agile phải kể đến FPT và Viettel. Cộng đồng Agile ở Việt Nam hiện có khoảng 5.700 thành viên cá nhân. Hầu hết các doanh nghiệp phần mềm đều đã áp dụng Agile ở các mức độ khác nhau; không những thế, Agile còn đang được áp dụng ở các lĩnh vực khác.

[1] https://digital.ai/catalyst-blog/15th-state-of-agile-report-agile-leads-the-way-through-the-pandemic-and-digital

[2] https://www.itbusinessedge.com/it-management/digital-transformation-trends-2022/

[3] https://hocvienagile.com/vietnam-agile-report-2021/

[4] https://www.gartner.com/en/articles/you-ll-be-breaking-up-with-bad-customers-and-9-other-predictions-for-2022-and-beyond

[5] https://www.forbes.com/sites/forbesbusinesscouncil/2021/12/10/staying-competitive-requires-enterprise-agility/?sh=4ac884253258

Quang Huy

www.khoahocphattrien.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ