SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

So sánh hiệu quả tài chính mô hình chăn nuôi vịt thịt theo hướng an toàn sinh học với chăn nuôi truyền thống tại huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long

[22/06/2022 09:50]

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm so sánh hiệu quả tài chính mô hình chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học (ATSH) với mô hình truyền thống (MHTT) để có những đề xuất phù hợp cho phát triển bền vững nghề nuôi vịt tại huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long trong tương lai.

Số liệu và thông tin được thu thập từ phỏng vấn những người am hiểu và điều tra hai nhóm hộ chăn nuôi vịt theo hướng ATSH (30 hộ) và MHTT (30 hộ) tại huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Thống kê mô tả, kiểm định T-test và phân tích SWOT được sử dụng để phân tích dữ liệu. Kết quả cho thấy mô hình chăn nuôi vịt hướng ATSH mang lại hiệu quả cao hơn thể hiện ở tỷ lệ nuôi sống cao, sản lượng cao, trọng lượng xuất chuồng lớn và đồng đều, dẫn đến lợi nhuận cao, hiệu quả đồng vốn và hiệu quả công lao động gia đình cao hơn so với chăn nuôi truyền thống (P<0,05). Mặt khác, mô hình nuôi theo hướng ATSH cũng được đánh giá là ít ô nhiễm môi trường, giải quyết được công ăn việc làm cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, mô hình vẫn còn một số tồn tại như chi phí đầu tư cao, giá bán còn thấp và không khác biệt so với MHTT, chưa có liên kết tiêu thụ. Do vậy, định hướng phát triển trong tương lai cần tập trung giải quyết các vấn đề trên.

Chăn nuôi vịt là nghề truyền thống của người dân miền sông nước huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long từ rất xa xưa nhờ vào điều kiện tự nhiên thuận lợi và mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Số liệu thống kê cho thấy tổng đàn vịt của huyện tăng dần qua từng năm, từ 368 ngàn con năm 2010 lên 469 ngàn con năm 2015 và đạt 538 ngàn con năm 2018 (Chi cục Thống kê huyện Mang Thít, 2019). Tuy nhiên, qui mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ; thật vậy, trong tổng số 6.587 hộ chăn nuôi vịt, ngan và ngỗng thì có đến 89% hộ chăn nuôi qui mô đàn dưới 50 con (Chi cục Thống kê huyện Mang Thít, 2018). Với tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ theo kiểu truyền thống, thả lang, chạy đồng hay có chuồng trại đơn sơ dễ gây ô nhiễm môi trường nước, gây mùi hôi và khó kiểm soát dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh cúm gia cầm xảy ra thường xuyên như hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả chăn nuôi (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long, 2017). Do đó, ngành nông nghiệp địa phương đã đầu tư xây dựng nhiều mô hình trình diễn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi vịt lấy thịt theo hướng ATSH, bước đầu đạt kết quả cao (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long, 2017). Tuy nhiên, mức độ lan tỏa của mô hình mới này còn hạn chế do chưa có đánh giá toàn diện và so sánh hiệu quả mô hình chăn nuôi theo hướng ATSH với hình thức chăn nuôi truyền thống ở qui mô hộ gia đình tại Vĩnh Long. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện thông qua khảo sát hiện trạng chăn nuôi và phân tích hiệu quả tài chính giữa hai nhóm hộ tại ba xã thuộc huyện Mang Thít để có cái nhìn toàn diện, làm cơ sở khoa học cho việc mở rộng mô hình chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học, góp phần vào việc thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương (Đề án số 03/ĐA-TU, Vĩnh Long, ngày 20/02/2014) cũng như của quốc gia (Quyết định số 889/QĐ-TTg, Hà Nội, ngày 10/6/2013) với mục tiêu giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn sinh học và phát triển bền vững (Thủ tướng Chính phủ, 2013; Tỉnh ủy Vĩnh Long, 2014; Tỉnh ủy Vĩnh Long, 2019).

nqhuy

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58, Số 1D (2022): 259-266
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ