SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá hiệu quả tài chính, xã hội, môi trường của mô hình canh tác lúa trong vùng đê bao trước và sau xả lũ tại huyện Tri Tôn, An Giang

[27/07/2022 09:44]

Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả tài chính, xã hội và môi trường trong vùng đê bao ở thời điểm trước và sau xả lũ, làm cơ sở đề xuất biện pháp quản lý lũ vùng đê bao hiệu quả tại huyện Tri Tôn, An Giang.

Nghiên cứu áp dụng phương pháp phân tích chi phí - lợi ích, thang đo Likert trong đánh giá số liệu. Các chỉ tiêu dựa trên các tiêu chí đánh giá đất đai của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) và các nghiên cứu đã được thực hiện ở Đồng bằng sông Cửu Long. Sau xả lũ, trung bình năng suất lúa (6,4 tấn/ha) cao hơn trước xả lũ (5,6 tấn/ha); lợi nhuận 15,8 triệu đồng/ha/vụ cao hơn trước xả lũ 11,4 triệu đồng/ha/vụ; lượng phân bón, lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như tần suất sử dụng thuốc giảm so với trước xả lũ. Môi trường đất sau xả lũ được cung cấp thêm phù sa, dinh dưỡng và tăng nguồn lợi thủy sản. Kết quả nghiên cứu cho thấy canh tác lúa sau xả lũ mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường so với trước xả lũ. Mô hình canh tác lúa sau xả lũ cho tổng số điểm 3 mục tiêu (kinh tế, xã hội và môi trường) lớn hơn thời điểm trước xả lũ với số điểm lần lượt là 0,96 và 0,86.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất và xuất khẩu lúa lớn nhất cả nước, do đó sản xuất lúa là một trong các nguồn sinh kế chính của nông hộ ở vùng ĐBSCL. An Giang là tỉnh đầu nguồn thuộc hệ thống sông Mekong và là tỉnh sản xuất lúa trọng điểm của vùng ĐBSCL, với diện tích canh tác lúa năm 2018 là 623.070 ha (Cục Thống kê tỉnh An Giang, 2020). Vào mùa lũ, các vùng trồng lúa phần lớn đều bị ngập lũ ở độ sâu từ 1 đến 4 m, từ tháng 7 đến tháng 12 hằng năm, do đó trong những năm gần đây các huyện trong tỉnh đã tăng cường xây dựng đê bao ngăn lũ từ thượng nguồn (Cục thống kê tỉnh An Giang, 2020). Hệ thống đê bao được xây dựng với mục tiêu kiểm soát lũ nhằm hạn chế thiệt hại về người và cây trồng, ổn định cuộc sống và tăng gia sản xuất (Nguyễn Xuân Thịnh và ctv., 2016). Huyện Tri Tôn có diện tích sản xuất lúa khoảng 106.307 ha, đạt sản lượng 607.075 tấn (Cục thống kê tỉnh An Giang, 2020). Tuy nhiên, phần lớn diện tích đất trồng lúa của huyện Tri Tôn đều chịu ảnh hưởng của lũ đầu nguồn. Để giảm tác động của lũ, tính đến năm 2018, toàn huyện Tri Tôn có 135 tiểu vùng có đê bao, gồm 518 công trình chiếm 42.100 ha với chiều dài 1.048,2 km. Trong đó, số tiểu vùng đê bao kiểm soát lũ tháng 8 là 62 tiểu vùng gồm có 237 công trình chiếm diện tích 13.950 ha có chiều dài là 418.283 m (Chi cục thủy lợi An Giang, 2018).

Tuy nhiên, ngoài những lợi ích đê bao, các công trình này đã ngăn cản lượng phù sa tích lũy trên đồng ruộng và lượng nước trao đổi giữa đồng ruộng và môi trường bên ngoài (Phạm Lê Mỹ Duyên & Văn Đăng Phạm Trí, 2015). Thực tế, do tăng vụ và bao đê liên tục nên các vấn đề về môi trường xuất hiện ngày càng nhiều như đất đai bị suy thoái, tình hình sâu bệnh gia tăng, sử dụng quá nhiều phân bón, chất lượng nước mặt cũng bị ảnh hưởng, chi phí canh tác cao hơn cho việc gia tăng năng suất để đảm bảo đời sống ổn định (Phạm Lê Mỹ Duyên & Văn Đăng Phạm Trí, 2015). Vì thế, để duy trì năng suất cây trồng, người dân phải gia tăng khối lượng sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, đây là những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước trên kênh nội đồng (Phạm Văn Toàn, 2013).

Mặt khác, các máy bơm phải gia tăng thời gian hoạt động khiến chi phí thủy lợi tăng lên. Những nghiên cứu và bài học về tác động của đê bao lên sản xuất nông nghiệp khi xét đến các khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội còn rất ít và chưa đánh giá đúng mức những yếu tố gây ảnh hưởng đến sự ổn định sản xuất và tính bền vững của môi trường. Để giảm tác động tiêu cực của đê bao khép kín triệt để, tỉnh An Giang có chủ trương xả lũ đối với một số hệ thống đê bao có sự tái canh tác lúa liên tục sau 3 tháng trồng – thu hoạch lúa, lại làm đất và trồng mới ngay (8 vụ/3 năm) nhằm cung cấp lượng phù sa màu mỡ, mang lại nguồn thủy sản tự nhiên phong phú. Ngoài ra còn để tháo chua, rửa phèn, giảm độc chất và dịch hại trong đất tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng góp phần hạn chế tác động đến sức khỏe con người và môi trường (Dương Văn Nhã, 2004). Tuy nhiên, các nghiên cứu về sự thay đổi tài chính, xã hội và môi trường ở 2 thời điểm trước và sau xả lũ chưa được nghiên cứu tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Vì vậy, đề tài “Đánh giá hiệu quả tài chính, xã hội, môi trường của mô hình canh tác lúa trong vùng đê bao trước và sau xả lũ tại huyện Tri Tôn, An Giang” được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả 3 khía cạnh trong phát triển bền vững (tài chính, xã hội và môi trường).

nqhuy

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 57, Số Chuyên đề Môi trường và Biến đổi khí hậu (2021)(2): 16-24
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ