SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu hiện trạng tiêu thụ năng lượng thông qua vật tư nông nghiệp đầu vào và hiệu quả tài chính của mô hình trồng rau ăn lá tại xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang

[27/07/2022 10:51]

Mục đích của nghiên cứu là phân tích hiện trạng tiêu thụ năng lượng thông qua vật tư nông nghiệp đầu vào và hiệu quả tài chính của mô hình canh tác rau ăn lá tại xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang từ tháng 01 đến tháng 7 năm 2021.

Sáu mươi người sản xuất chính hoặc chủ hộ trồng rau ăn lá với diện tích từ 1.000 m2 trở lên đã được phỏng vấn trực tiếp trong nghiên cứu. Phần mềm MiLCA thương mại phiên bản 2.3 được sử dụng để phân tích tiêu thụ năng lượng thông qua phương pháp nhiệt cao hơn dựa vào loại và lượng vật tư đầu vào đã sử dụng. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy sản xuất rau ăn lá mang lại hiệu quả tài chính cao hơn không đáng kể so với trung bình diện tích đất trồng trọt trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (75.289.000 đồng/ha/vụ - bao gồm chi phí lao động). Sản xuất rau ăn lá sử dụng 44.118 MJ/ha/vụ, tương ứng với 2,68 MJ/kg rau thương phẩm. Mức tiêu thụ năng lượng này cao hơn so với cải rổ và xà lách được canh tác ở Thái Lan trên đơn vị diện tích nhưng thấp hơn khi xét trên trọng lượng sản phẩm. Để cải thiện chi phí và hiệu quả năng lượng, cần tối ưu hóa hiệu quả của phân bón như chọn thời điểm bón phân phù hợp và ứng dụng than sinh học.

Năm 2017, ngành trồng trọt chiếm 75% giá trị sản lượng nông nghiệp của Việt Nam, sản lượng các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu, sản phẩm rau, trái cây tươi tăng trưởng ổn định và có cơ hội tiếp tục tăng trưởng trong tương lai (Viện Chiến lược thương hiệu và Năng lực cạnh tranh, 2017). Năm 2019, diện tích đất trồng rau màu cả nước khoảng 533.000 ha (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2019) với sản lượng ước đạt 17,95 triệu tấn (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2019). Ước tính sơ bộ trong năm 2020, giá trị xuất khẩu các mặt hàng rau quả cả nước đã đạt xấp xỉ 3,27 tỉ USD, chiếm 13,1% tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp (Tổng cục Thống kê, 2021). Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích trồng rau màu trong năm 2019 khoảng 257.000 ha, chiếm 58,5% diện tích trồng rau của miền Nam và chiếm 48,2% diện tích trồng rau cả nước (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2019). Riêng tỉnh Kiên Giang có 9.410 ha diện tích trồng rau màu, chiếm hơn 48% diện tích gieo trồng cây hàng năm (trừ lúa) của tỉnh với sản lượng 185.278 tấn, đạt năng suất 19,7 tấn/ha (Cục Thống kê tỉnh Kiên Giang, 2020). Hòn Đất là huyện đứng thứ 5 của tỉnh về hiệu quả sử dụng đất trồng trọt khi giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt đạt 75,18 triệu đồng (Cục Thống kê tỉnh Kiên Giang, 2020) và năng suất 29 tấn/ha, cao hơn năng suất trung bình của tỉnh khoảng 1,5 lần (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòn Đất, 2020).

Hiện nay, khi nông dân tăng cường ứng dụng các vật tư nông nghiệp đầu vào trong quá trình canh tác nông nghiệp đã làm gia tăng năng lượng cung cấp trên đơn vị diện tích đất canh tác hay khối lượng sản phẩm. Sự gia tăng năng lượng tiêu thụ thông qua vật tư nông nghiệp có thể mang lại các lợi ích cho nông dân nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho môi trường (Ghorbani et al., 2011). Sử dụng năng lượng hiệu quả trong nông nghiệp là một trong những điều kiện để sản xuất nông nghiệp bền vững vì nó giúp tiết kiệm tài chính, bảo tồn tài nguyên hóa thạch và giảm ô nhiễm không khí (Pervanchon et al., 2002). Phân tích năng lượng có thể được chia thành hai phần là năng lượng trực tiếp và gián tiếp. Năng lượng trực tiếp bao gồm năng lượng từ tất cả các vật tư đầu vào được sử dụng trực tiếp tại trang trại và trên các cánh đồng phục vụ cho sự phát triển của cây trồng. Năng lượng gián tiếp bao gồm năng lượng từ các sản phẩm tiêu thụ chính (nông sản) và các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp (tàn dư cây trồng: thân, lá và rễ). Cả hai dạng năng lượng trực tiếp và gián tiếp đều cần thiết cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Mặc dù, các phân tích về tiêu thụ và cân bằng năng lượng trong sản xuất nông nghiệp góp phần quan trọng để tối ưu hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm thiểu các tác động tiềm ẩn đến môi trường. Tuy nhiên, các nghiên cứu này ở Việt Nam vẫn chưa được phổ biến. Hai công trình nghiên cứu nổi bật hiện nay đều tập trung vào lĩnh vực sản xuất và sấy lúa (Truong et al., 2017; Nguyen et al., 2019). Nghiên cứu tiêu thụ năng lượng trong sản xuất rau ăn lá ở Việt Nam vẫn chưa được thực hiện.

Nghiên cứu đánh giá hiệu quả kinh tế của các mô hình sản xuất nông nghiệp hay kiểu sử dụng đất đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Hầu hết các nghiên cứu cho thấy rằng sử dụng đất trồng màu, đặc biệt là trồng rau (luân canh hoặc chuyên canh) mang lại hiệu quả kinh tế cao (Đặng Thị Kim Phượng & Đỗ Văn Xê, 2011; Đỗ Thị Tám & Nguyễn Thị Hải, 2013; Nguyễn Duy Cần và ctv., 2009; Trần Thị Mai Anh và ctv., 2013). Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ canh tác lúa sang chuyên canh hoa màu ở một số địa phương đã giúp nông hộ tăng thu nhập do mô hình canh tác chuyên màu giúp tăng lợi nhuận và hiệu quả đồng vốn (Nguyễn Tuấn Hùng & Hoàng Thái Đại, 2018). Khi so sánh hiệu quả kinh tế của các loại rau màu, kết quả cho thấy rau ăn lá cho thu nhập và tỉ suất thu nhập/chi phí cao hơn nhóm rau ăn quả (Nguyễn Văn Cường và ctv., 2019). Chi phí sản xuất của nhóm rau ăn lá cũng thấp hơn nhóm rau lấy củ và rau ăn quả ở cả hai phương thức sản xuất thông thường và trồng an toàn sinh học (Nguyễn Hồng Sơn, 2011). Nghiên cứu trước đây cũng đã khám phá các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất rau màu của nông hộ bao gồm: giá bán và chi phí vật tư nông nghiệp (Cao Ngọc Lợi, 2017). Bên cạnh đó, hiện trạng sản xuất tại nông hộ, nông dân quan tâm nhiều đến yếu tố kỹ thuật canh tác mà rất ít quan tâm đến vấn đề về môi trường (Phan Chí Nguyện và ctv., 2017). Ngoài ra, các nghiên cứu còn đưa ra những giải pháp và mô hình trồng rau an toàn, đặc biệt là rau ăn lá phù hợp ở những điều kiện và phương thức canh tác khác nhau nhằm cải thiện hiệu quả sản xuất và hiệu quả kinh tế (Bùi Thị Thục Anh, 2015; Nguyễn Anh Minh & Nguyễn Tuấn Sơn, 2014; Nguyễn Thanh Hải và ctv., 2016; Nguyễn Thu Trang, 2015). Trong đó, việc sử dụng thay thế hoặc bổ sung phân hữu cơ có thể làm tăng hiệu quả về sinh trưởng, năng suất (Trần Thị Minh Hằng và ctv., 2020) và tăng lợi nhuận (Cao Ngọc Điệp và ctv., 2011). Tuỳ vào tính chất đất và điều kiện tự nhiên khác nhau có những kiểu sử dụng đất hiệu quả khác nhau. Chỉ xét trong tỉnh Kiên Giang, nếu ở huyện U Minh Thượng đất dùng để chuyên canh tác màu có hiệu quả kinh tế cao nhất (Lê Tấn Lợi và Đồng Ngọc Phượng, 2014) thì ở huyện Gò Quao đất chuyên màu lại không mang lại hiệu quả kinh tế cao (Nguyễn Thị Song Bình và Ngô Thị Thanh Hằng, 2013). Tuy nhiên, các nghiên cứu khác chưa xác định loại rau màu nào phù hợp với địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao nhất.

Tổng hợp những vấn đề về tiêu thụ năng lượng, hiệu quả sản xuất và tầm quan trọng của mô hình sản xuất rau ăn lá tại Việt Nam, nghiên cứu điển hình tại xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang là cấp thiết và quan trọng. Kết quả từ nghiên cứu này có thể được tham khảo và sử dụng trong ra quyết định quy hoạch sản xuất nông nghiệp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện sản xuất tương tự.

nqhuy

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 57, Số Chuyên đề Môi trường và Biến đổi khí hậu (2021)(2): 138-147
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài