SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu nhu cầu gạo an toàn của người dân tại thành phố Cần Thơ

[09/08/2022 08:43]

Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân tích nhận thức và xác định nhu cầu của người dân thành phố Cần Thơ đối với sản phẩm gạo an toàn thông qua mức sẵn lòng chi trả được ước lượng bằng phương pháp đánh giá ngẫu nhiên giới hạn kép (DBDC CVM).

Kết quả cho thấy đa số đáp viên nhận thức được lợi ích của nông nghiệp hữu cơ và những tồn tại các vấn đề về an toàn thực phẩm hiện nay. Đáp viên sẵn lòng chi trả cho gạo an toàn khoảng 22.500 đồng/kg, cao hơn 75% so với mức giá thường được đưa ra ban đầu (13.000 đồng/kg). Nghiên cứu cũng cho thấy rằng những đáp viên có nghề nghiệp là kinh doanh tự do, có trình độ học vấn hoặc thu thập càng cao thì khả năng chi trả cho gạo an toàn nhiều hơn.

Tại Việt Nam, các biện pháp làm tăng năng suất cây trồng hoặc giảm sâu hại và dịch bệnh trong nông nghiệp đa phần đều sử dụng phân hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật, hoặc thuốc trừ sâu. Mặc dù khi sử dụng những hoá chất này mang lại hiệu quả đáng kể trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe, và đời sống con người. Gần đây, khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch hoặc nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là một trong những giải pháp hữu hiệu rất được quan tâm để giảm thiểu các tác động tiêu cực của nông nghiệp đến môi trường và con người. Nông nghiệp sạch hoặc hữu cơ là hệ thống nông nghiệp từ lâu đã trở nên quen thuộc với hầu hết các nước canh tác nông nghiệp trên thế giới với hình thức giảm hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu hóa học, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng, hoặc các chất phụ gia trong thức ăn gia súc.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO, 2017), nông nghiệp sạch hoặc hữu cơ có khả năng bảo đảm đủ nguồn lương thực nuôi sống dân số trên thế giới hiện nay nếu thực hiện song song với những biện pháp giảm thiểu tác động có hại cho môi trường. Mục đích của nông nghiệp sạch từ khâu canh tác đến quá trình tạo ra sản phẩm nông nghiệp hoàn thiện cung cấp cho người tiêu dùng đều phải duy trì sự an toàn cho hệ thống nông nghiệp và sức khỏe của con người. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp sạch thân thiện với môi trường tốn chi phí thấp nhưng mang lại giá trị kinh tế cao giúp cải thiện được đời sống cho nông dân ở các nước đang phát triển.

Tại Việt Nam, nông nghiệp sạch và hữu cơ đang được nhà sản xuất và người tiêu dùng quan tâm trong bối cảnh yêu cầu về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ngày càng tăng. Bên cạnh đó, Việt Nam được Liên đoàn Quốc tế các Phong trào NNHC (IFOAM) công nhận là nước có sản xuất NNHC. Theo số liệu thống kê của IFOAM vào năm 2015, Việt Nam có 76.666 ha NNHC, tương đương 0,7% diện tích đất nông nghiệp với 3.816 nông dân sản xuất hữu cơ. Các sản phẩm NNHC chủ yếu của Việt Nam là gạo, tôm, khóm, cà phê, cacao, sữa, trà, rau, quả, quế, hồi, tinh dầu (Nguyễn Xuân Hồng, 2019).

Ngày nay, việc xuất hiện nhiều loại gạo bẩn, gạo giả, dùng công nghệ tẩy trắng gạo ngày càng tinh vi thì nhu cầu lựa chọn gạo ngon, gạo sạch, gạo an toàn để đảm bảo sức khỏe bản thân và gia đình là một nhu cầu chính đáng. Đặc biệt, đây là loại lương thực không thể thiếu cho bữa ăn hàng ngày của gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, sản xuất gạo an toàn vẫn còn nhiều hạn chế và thị phần tiêu thụ chưa phát triển nhiều. Ngoài ra, hiện nay tuy có một số nghiên cứu về gạo an toàn nhưng việc tìm hiểu sâu về đánh giá và ước lượng nhu cầu sử dụng gạo an toàn không nhiều. Vì vậy, bức tranh rõ nét về nhu cầu sử dụng gạo an toàn của người dân tại thành phố Cần Thơ sẽ được trình bày trong nghiên cứu này. Đây là thông tin hữu ích để làm cơ sở cho các nhà làm chính sách có những giải pháp và chính sách thích hợp cho việc phát triển thị trường gạo an toàn trong tương lai.

nqhuy

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 57, Số Chuyên đề Môi trường và Biến đổi khí hậu (2021)(2): 8-15
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ