SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Giải pháp hạn chế tình trạng giả nhãn hiệu, xâm phạm sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử

[12/08/2022 14:25]

Theo các chuyên gia, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng xâm phạm sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử.

Ảnh minh họa

Theo báo cáo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2021, doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam đạt 13,7 tỷ USD (tăng 16% so với năm 2020), trở thành 1 trong 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, việc kinh doanh thương mại không chỉ dừng lại trên các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki hay Sendo, mà còn mở rộng sang các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok.

Tuy nhiên, chính điều này đã tạo ra nhiều kẽ hở cho hành vi giả mạo nhãn hiệu, kiểu dáng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) gia tăng. Chỉ riêng năm 2021, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tiến hành kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hóa giả mạo, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền SHTT với số tiền xử phạt lên tới 20 tỷ đồng.

Trước thực trạng trên, theo một số chuyên gia, cơ quan quản lý cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền SHTT trong môi trường TMĐT. Trước hết, cần rà soát quy phạm pháp luật tại các văn bản luật, nghị định, thông tư hướng dẫn về SHTT trong môi trường TMĐT và sửa đổi, bổ sung theo hướng phù hợp với sự thay đổi của thực tế và đảm bảo tính thống nhất, tránh xung đột giữa quy định trong luật và các văn bản dưới luật.

Bên cạnh đó, cần xây dựng chế tài xử phạt đối với hành vi xâm phạm quyền SHTT nói chung và trong TMĐT nói riêng theo hướng nghiêm khắc hơn để đảm bảo tính răn đe và ngăn chặn vi phạm một cách hiệu quả. Mức phạt hành chính hiện nay là chưa phù hợp với thực tế và chưa tương ứng với mức lợi nhuận mà chủ thể vi phạm thu được. Điều này dẫn đến việc áp dụng biện pháp hành chính trong thực tiễn không đem lại hiệu quả như mong đợi và việc vi phạm vẫn tái diễn gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi hợp pháp của chủ thể quyền.

Do đó, các văn bản hướng dẫn về mức xử phạt hiện hành cần sửa đổi theo hướng xác định mức phạt tiền tương ứng với tính chất, mức độ vi phạm thực tế của các chủ thể. Trường hợp vi phạm có tính chất nghiêm trọng, gây thiệt hại đáng kể cho chủ thể quyền thì cần có chế tài mạnh hơn để xử lý.

Về các biện pháp dân sự được áp dụng tại Tòa án, cần thay đổi cơ chế áp dụng theo hướng nhanh gọn, hiệu quả. Cụ thể, thời gian xử lý các vụ án về SHTT cần đặt ra mức tối đa sao cho phù hợp với nhu cầu của các chủ thể, tránh việc thụ lý giải quyết kéo dài, tốn thời gian, công sức mà không đem lại hiệu quả, gây tâm lý “ngại kiện tụng” và “hành chính hóa” mọi vụ việc.

Đồng thời, cần quy định thẩm quyền xử lý vi phạm quyền SHTT trong TMĐT cho một cơ quan chuyên trách nhất định. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy quản lý, tránh trùng lặp, xung đột thẩm quyền. Cùng với đó, cần thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền quản lý và cơ quan chuyên môn để việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm đạt hiệu quả, đảm bảo tối đa quyền lợi chính đáng của chủ thể quyền.

Hiệu quả công tác tổ chức thực thi pháp luật trên thực tế cũng cần được nâng cao. Bởi trên thực tế, người tiêu dùng trong các trang TMĐT luôn đứng thế yếu trong việc tiếp cận thông tin hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, khả năng phân biệt thật giả, phương thức sử dụng hàng hóa...

Điều này đặt ra yêu cầu về nâng cao hiệu quả trong công tác tổ chức thực thi pháp luật, cần có các quy định cụ thể chế tài xử phạt cả về bên bán và cán bộ quản lý nhằm đảm bảo cho người tiêu dùng luôn có được những thông tin, hướng dẫn đầy đủ và cần thiết, sao cho người tiêu dùng có thể an tâm lựa chọn hàng hóa, dịch vụ một cách khách quan và đúng đắn nhất. Cùng với đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về SHTT trong TMĐT một cách thường xuyên, liên tục. Điều này nhằm đảm bảo sớm phát hiện và ngăn chặn tận gốc vi phạm, tạo khuôn khổ hoạt động cho các tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp luật, công tác tổ chức, thực thi pháp luật, cần song song tiến hành các nhóm giải pháp khác như đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thông tin cho người tiêu dùng, bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán điện tử, bảo vệ người tiêu dùng đối với các hành vi thương mại không lành mạnh; Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động TMĐT;

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật về SHTT trong TMĐT, thường xuyên bắt kịp các ứng dụng công nghệ, thông tin mới phát sinh, khả năng xác định vi phạm trong các trang TMĐT; Tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế để học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác, từ đó nâng cao hiệu quả thực hiện quyền SHTT trong TMĐT tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển trong nước và hội nhập quốc tế.

Bảo Lâm

www.vietq.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ