SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khả năng gây độc của cỏ sữa lá nhỏ (Euphorbia thymifolia L.) trên mô hình ruồi giấm (Drosophila melanogaster)

[12/09/2022 09:53]

Những loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc từ thực vật hiện được đề xuất như những lựa chọn thay thế hữu ích cho thuốc trừ sâu hóa học tổng hợp để quản lý côn trùng gây hại. Trong nghiên cứu này, ruồi giấm được sử dụng như một mô hình côn trùng để khảo sát khả năng gây độc của chiết xuất từ cây cỏ sữa lá nhỏ.

Cỏ sữa lá nhỏ khi được phân tích thành phần hóa học cho thấy có sự hiện diện của flavonoid, polyphenol, tannin và alkaloid. Hoạt tính gây độc của chiết xuất cỏ sữa lá nhỏ được đánh giá đối với ấu trùng giai đoạn 2 của ruồi giấm và được chứng minh là có hiệu quả gây tử vong 53,33% ở nồng độ 150 mg/mL. Ngoài ra, cao chiết ethanol cỏ sữa lá nhỏ cũng ảnh hưởng đến quá trình sinh sản và sinh trưởng của ruồi giấm. Đáng chú ý, cao chiết cỏ sữa lá nhỏ gây ra những thay đổi trong hoạt động của enzyme acetylcholine và những suy giảm trong hoạt động vận động di chuyển đã được ghi nhận.

Thực vật và côn trùng gây hại luôn tương tác với nhau. Thực vật cung cấp thức ăn cho côn trùng và là nơi để chúng trú ngụ, sinh sôi. Tuy nhiên, có nhiều loài thực vật phát triển các cơ chế chống chịu khác nhau để kháng lại côn trùng gây hại và gây ảnh hưởng tiêu cực đến sinh lý, sinh trưởng của côn trùng, bao gồm các ảnh hưởng đến sự tồn tại, phát triển và khả năng sinh sản của chúng (Kogan et al., 1982).

Cỏ sữa lá nhỏ có tên khoa học là Euphorbia thymifolia (L.), thường mọc thành đám nhỏ, lẫn trong các loại cỏ thấp, ở ven đường đi, vườn nhà, nương rẫy, kẽ nứt của sân gạch hay tường bao. Nó được sử dụng để điều trị nhiều bệnh trong dân gian như chữa lỵ trực khuẩn ở trẻ em, mụn nhọt, phụ nữ băng huyết, lợi sữa, viêm ruột, trị sán dây, táo bón, chữa ghẻ cho cừu và trị bệnh nấm (Bích và ctv., 2006). Bên cạnh đó, cây còn có khả năng kháng oxy hóa, ức chế enzym α-glucosidase, enzym acetylcholine (AchE)... (Dao và ctv., 2012; Thoa và ctv., 2012; Linh và ctv., 2013), hay có hoạt tính kháng khuẩn (Duyệt và ctv., 2019). Đặc biệt, kết quả của các nghiên cứu khác cũng cho thấy khả năng kháng côn trùng của cỏ sữa lá nhỏ (Sisodiya & Shrivastava, 2018; Shrivastava & Mishra, 2019).

Chi ruồi giấm Drosophila - là một chi trong họ Drosophilidae, trong chi này có một số loài đã được báo cáo là gây hại đến hoa quả như loài Drosophila suzukii gây ra thiệt hại về kinh tế đối với các loại cây anh đào tươi, dâu tây, mâm xôi và việt quất (Walsh et al., 2011); D. subpulchrella cũng gây nguy hại trên quả mâm xôi và việt quất (Atallah, 2014). Ruồi giấm hay còn gọi là ruồi trái cây, có tên khoa học là Drosophila melanogaster cũng nằm trong chi này. Với vòng đời ngắn, số lượng con cái lớn trong mỗi thế hệ, kích thước nhỏ, dễ dàng nuôi giữ và có nhiều đặc điểm tương thích với nhiều loài sâu bệnh gây hại, mô hình ruồi giấm đã được sử dụng phổ biến trong các công trình nghiên cứu về di truyền, sinh lý học, bệnh học (Piazza & Wessells, 2011; Pandey & Nichols, 2011) và trong các nghiên cứu về độc tính của thực vật đối với côn trùng (Riaz et al., 2018). Xuất phát từ thực tiễn trên, nghiên cứu này được thực hiện nhằm khảo sát tiềm năng kháng côn trùng của cỏ sữa lá nhỏ trên mô hình ruồi giấm.

nqhuy

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58, Số chuyên đề: Khoa học tự nhiên (2022)(2): 1-8
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài