SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hoạt tính kháng nấm của Rutin và các cao chiết từ cây thóc lép ba hoa Desmodium Triflorum: Nghiên cứu phân lập, Bioassay và bào chế dạng nano

[12/09/2022 10:14]

Thóc lép ba hoa (Desmodium triflorum) là cây thuốc nam được sử dụng phổ biến và rộng rãi trong y học dân gian. Thử nghiệm in vivo và in vitro của các cao chiết và hoạt chất rutin từ cây thóc lép ba hoa với một số nấm gây bệnh thực vật đã được tiến hành.

Các cao chiết từ cây thóc lép ba hoa thể hiện hoạt tính in vitroức chế nấm Magnaporthe grisea, Sclerotium rolfsii (SR), Fusarium oxysporum và các chủng Colletotrichum sp. ở 1000 µg/mL. Ngoài ra, cao methanol ức chế bệnh đạo ôn do M. grisea gây ra trên cây lúa 50% ở 1000 và 3000 µg/mL in vivo. Sự hiện diện của rutin trong cây được tiến hành bằng phân tách và HPLC. Hoạt tính in vitro của rutin và nanorutin (kích thước hạt 669,3 nm và thế zeta -18,5 mV) được đánh giá với SR và Colletotrichum sp. Cả rutin và nanorutin đều ức chế nấm SR và nanorutin thể hiện hoạt tính tốt hơn khi thử với SR và Colletotrichum gloeosporioides. Các kết quả nghiên cứu đã xác nhận hoạt tính kháng nấm của thóc lép ba hoa và hoạt chất từ nó có thể được sử dụng để kiểm soát bệnh nấm hại cây trồng.

Cây thóc lép ba hoa còn gọi là hàn the ba hoa hay tràng quả ba hoa (Hình 1), là cây dược liệu có vị đắng, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, thông tiểu và điều hòa kinh nguyệt. Lá cây có tác dụng lợi sữa, cầm tiêu chảy và kiết lỵ, tác dụng tiêu viêm tiêu sưng. Đây là hoa là loài cây liên nhiệt đới, thường mọc dại ở sân cỏ, dọc đường đi, vùng đồng bằng khắp nước ta. Cây bụi mọc lan có thể tới 50 cm. Lá có 3 lá chét, nhỏ, phiến lá chét hình xoan ngược kích thước khoảng 1 cm (Bích và ctv., 2004; Chi, 2012). Hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu về thành phần và hoạt tính kháng nấm hại cây trồng của cây thóc lép ba hoa.

Những năm gần đây, việc ứng dụng hợp chất tự nhiên và công nghệ nano trong lĩnh vực nông nghiệp đang là một hướng đi mới nhiều triển vọng và ngày càng được nghiên cứu chuyên sâu (Martin et al., 2017; Nisha et al., 2021). Công nghệ nano trong lĩnh vực nông nghiệp cung cấp các tác nhân hóa học mới, kết quả là sản xuất phân bón nano, thuốc diệt cỏ nano, thuốc trừ sâu nano, ... Trong nông nghiệp, công nghệ nano cho phép cải thiện năng suất, chất lượng cây trồng, hứa hẹn sẽ giảm lượng thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp, giúp tăng hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường (Dũng và ctv., 2017; Thiago et al., 2020). Trong nghiên cứu này, hoạt tính kháng nấm của các cao chiết từ cây thóc lép ba hoa đã được khảo sát với một số nấm gây bệnh hại cây trồng. Phân lập rutin và sử dụng rutin bào chế một dạng công thức nano có hoạt tính kháng nấm gây bệnh hại cây trồng.

nqhuy

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58, Số chuyên đề: Khoa học tự nhiên (2022)(2): 68-73
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ