SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xây dựng thương hiệu và thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ trà Dilmah - Bài học cho Việt Nam trong phát triển đặc sản địa phương

[16/09/2022 09:45]

Trong thời gian vừa qua, vấn đề xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nông sản đặc trưng (thường được gọi là đặc sản địa phương) đã được quan tâm thực hiện, nhiều nông sản nhờ đó đã gia tăng được giá trị, đời sống người dân được cải thiện, nhiều đặc sản được bảo tồn, phát triển. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, hoạt động xây dựng thương hiệu cho các đặc sản địa phương thông qua công cụ SHTT mới chỉ dừng lại ở việc xác lập quyền SHTT, trong khi vấn đề quan trọng hơn là làm thế nào để khai thác lợi ích từ các tài sản trí tuệ gắn với đặc sản địa phương thì vẫn còn lúng túng, chưa hiệu quả. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu kinh nghiệm thành công của Srilanka trong việc thương mại hóa quyền SHTT gắn với sản phẩm trà Dilmah, từ đó rút ra một số bài học cho Việt Nam.

Thương mại hóa quyền SHTT gắn với đặc sản địa phương

Đối với quyền SHTT thông thường, có hai cách thức hợp pháp chủ yếu để chủ sở hữu có thể thương mại hóa quyền SHTT ngoài việc chính chủ sở hữu tự khai thác, đó là việc bán hoặc chuyển nhượng quyền SHTT hoặc cho phép người khác sử dụng quyền SHTT1 . Tuy nhiên, do quyền SHTT gắn với các đặc sản địa phương có những đặc thù nhất định như: (i) thường đi kèm với việc sử dụng địa danh; (ii) sản phẩm có nguồn gốc từ địa phương có địa danh; (iii) việc sử dụng quyền SHTT phải thỏa mãn những điều kiện nhất định được xác định từ giai đoạn xác lập quyền… nên hình thức phổ biến nhất để khai thác lợi ích từ quyền SHTT gắn với đặc sản địa phương chính là việc các chủ thể có liên quan tự mình tiến hành hoạt động thương mại hóa.

Kinh nghiệm của Sri Lanka trong xây dựng thương hiệu và thương mại hóa quyền SHTT đối với trà Dilmah

Thứ nhất, sản phẩm đến tay người tiêu dùng có chất lượng cao, nguyên chất và thông tin trung thực.

Thứ hai, trân trọng, phát huy giá trị truyền thống.

Thứ ba, đổi mới, sáng tạo trong quảng bá sản phẩm, thương hiệu và thu hút khách hàng.

Thứ tư, tập trung vào chất lượng sản phẩm hơn là quan tâm tới giá cả để thu hút khách hàng.

Thứ năm, xây dựng thương hiệu đi kèm cam kết về đạo đức và hỗ trợ cộng đồng.

Một số gợi ý cho Việt Nam

Thứ nhất, sản phẩm đến tay người tiêu dùng luôn phải đảm bảo chất lượng cao và thông tin trung thực. Chất lượng sản phẩm luôn là yếu tố đầu tiên và quyết định để người tiêu dùng lựa chọn và quay trở lại lựa chọn sản phẩm hay không. Vì thế, quảng cáo hay bao nhiêu cũng không bằng giá trị thực sự của sản phẩm. Chừng nào nhà sản xuất vẫn đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng tốt, ổn định, an toàn, được thông tin trung thực thì chừng đó khách hàng còn tin và yêu sản phẩm. Thành công chỉ đến với ông chủ trà Dilmah khi ông khiến họ tin rằng, lựa chọn trà Dilmah là họ được thưởng thức cốc trà 100% nguyên liệu từ cây trà trồng tại Sri Lanka, không bị pha trộn với bất kỳ loại trà nào khác.

Thứ hai, trân trọng, phát huy giá trị truyền thống. Thành công luôn đến với những người biết trân trọng giá trị truyền thống. Đặc biệt, khi các giá trị truyền thống được đúc kết, lưu truyền qua thời gian để làm nên những đặc trưng riêng có cho các đặc sản địa phương. Điều người tiêu dùng ấn tượng, bị thu hút và tìm đến các sản phẩm đặc sản là do các sản phẩm này có những điểm khác biệt mà họ nhiều khi không tìm thấy ở sản phẩm của bất kỳ nơi nào khác. Vậy thì muốn bán được càng nhiều sản phẩm, càng cần phải giữ được những giá trị truyền thống tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm.

Thứ ba, “số lượng không nên là tất cả”. Với người kinh doanh, bán được càng nhiều hàng thì càng thu được lợi nhuận. Do đó, không nhà sản xuất nào lại từ chối khi đơn đặt hàng đến với mình. Tuy nhiên, đối chiếu với quy luật cung - cầu trong kinh tế thì rõ ràng chỉ khi nào tạo ra được nhu cầu cho sản phẩm thì sản phẩm mới đạt được giá trị tốt nhất. Kiểm soát được năng lực sản xuất, định hướng được khách hàng để luôn tạo nhu cầu về sản phẩm sẽ giải quyết được bài toán “được mùa - mất giá” của nông sản Việt Nam nói chung, đặc sản địa phương nói riêng.

Thứ tư, sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức quảng bá sản phẩm, thương hiệu, thu hút khách hàng. Không có bất kỳ khuôn mẫu nào cho hoạt động quảng bá sản phẩm, thương hiệu, thu hút khách hàng.

Thứ năm, chủ động phối hợp với các ngành dịch vụ, công nghiệp khác để quảng bá thương hiệu, phát triển sản phẩm bền vững. Gần đây, xu hướng kết hợp phát triển đặc sản địa phương với du lịch trải nghiệm được nhiều nơi sử dụng để quảng bá thương hiệu sản phẩm. Điều này hoàn toàn hợp lý khi du khách đến một địa danh sẽ luôn có nhu cầu khám phá điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa địa phương và đặc biệt là sản vật địa phương.

Thứ sáu, tìm kiếm lợi nhuận nhưng không quên trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Ngày nay, bên cạnh việc phát triển về quy mô, doanh thu, lợi nhuận… thì các chủ thể kinh doanh cần phải chú trọng vào hoạt động trách nhiệm xã hội để có thể phát triển bền vững. Đây là xu thế tất yếu mang tính toàn cầu.

Bài viết được tóm tắt từ bài viết của tác giả TS Hà Nguyệt Thu Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.

ntptuong

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, số 9 năm 2022 (trang 14-19)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài