SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: Thực trạng, kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất.

[16/09/2022 10:10]

Bồi thường thiệt hại (BTTH) là một trong những biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) được sử dụng phổ biến hiện nay, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ thể quyền SHTT. Tuy nhiên, quá trình giải quyết tranh chấp trên thực tế cho thấy, cơ chế này còn bộc lộ không ít bất cập, trong đó nổi cộm là cách xác định thiệt hại và mức BTTH.

Kinh nghiệm của một số quốc gia về BTTH do xâm phạm quyền SHTT

Thứ nhất, về nguyên tắc BTTH do xâm phạm quyền SHTT, giới học giả tồn tại 2 luồng quan điểm chính: (i) BTTH thực tế, toàn bộ; (ii) BTTH mang tính “trừng phạt”. Pháp luật một số quốc gia thuộc truyền thống Dân Luật (Civil Law) như Pháp, Đức chỉ thừa nhận nguyên tắc “bồi thường toàn bộ” trên quan điểm coi trách nhiệm BTTH là biện pháp nhằm khôi phục lại các quan hệ xã hội bị phá vỡ, trả lại cho chủ thể bị xâm phạm vị thế ban đầu. Việc BTTH trong tất cả các trường hợp, không được vượt quá tổng số thiệt hại và phải khiến cho nạn nhân không mất đi, cũng như không được thêm các lợi ích [2]. Nguyên nhân dẫn tới quan điểm này là bởi các quốc gia đó cho rằng, việc trừng phạt là chức năng của nhà nước, gắn với các lĩnh vực luật công như hình sự, hành chính; trong khi BTTH mang đặc trưng của luật tư, vì vậy không thể chấp nhận việc BTTH có tính trừng phạt, răn đe. Ngược lại, ở một số quốc gia thuộc truyền thống Thông Luật (Common Law), tiêu biểu như Hoa Kỳ lại chấp nhận khoản bồi thường mang tính “trừng phạt”. Bồi thường mang tính trừng phạt được hiểu là mức bồi thường mà chủ thể xâm phạm quyền có thể phải chịu vượt quá mức thiệt hại thực tế mà họ đã gây ra. Điều 284 Luật Sáng chế Hoa Kỳ [3] cho phép tòa án có quyền tăng khoản BTTH lên gấp 3 lần thiệt hại thực tế đối với các hành vi xâm phạm cố ý hay có dụng ý xấu. Trách nhiệm BTTH không chỉ được xem như là một biện pháp dân sự nhằm khôi phục tình trạng ban đầu, mà còn là một biện pháp trừng phạt thích đáng [4], đem lại lợi ích trực tiếp cho chủ sở hữu quyền bị xâm phạm thay vì nhà nước thông qua các biện pháp công.

Thứ hai, về cơ sở phát sinh trách nhiệm bồi thường, cũng như BLDS Việt Nam năm 2015, pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, cơ sở làm phát sinh trách nhiệm BTTH dựa trên 3 yếu tố cơ bản: (i) hành vi trái pháp luật; (ii) thiệt hại; (iii) mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra. Yếu tố lỗi không được nhắc đến là yếu tố bắt buộc, tuy nhiên lại ảnh hưởng đến mức độ BTTH. Chẳng hạn, pháp luật một số quốc gia như Đức hay Nhật Bản cho phép toà án xem xét giảm mức BTTH trong trường hợp hành vi xâm phạm được xác định là do lỗi vô ý nhẹ. Hay như Điều 1064 BLDS Liên bang Nga [7] quy định, trong trường hợp không có lỗi, bên gây thiệt hại có thể thoát khỏi trách nhiệm BTTH. Ngược lại, ở một số quốc gia như Hoa Kỳ, yếu tố lỗi cố ý lại là căn cứ để tòa án có thể tăng mức BTTH cho nạn nhân.

Thứ ba, về xác định thiệt hại vật chất, đây luôn là một thử thách đối với pháp luật của các quốc gia, bởi lẽ tài sản trí tuệ là vô hình, rất khó để xác định trên thực tế. Nhìn chung, thiệt hại vật chất được xác định bao gồm: tổn thất về tài sản, giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, cơ hội kinh doanh và một trong các cách thức phổ biến xác định thiệt hại vật chất là tổng thiệt hại vật chất và/ hoặc khoản lợi nhuận mà bị đơn thu được. Tại Nhật Bản, mức thiệt hại được tính bằng cách lấy số lượng đơn vị hàng hóa mà bị đơn đã bán được nhân với mức lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm của nguyên đơn và mức thiệt hại này không vượt quá năng lực sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó của nguyên đơn.

Bên cạnh đó, trong trường hợp thiệt hại không thể xác định được, cũng như Việt Nam, toà án các quốc gia trên thế giới cũng có cơ chế BTTH theo ấn định. Có điều, thực tế cho thấy, việc áp dụng cơ chế trên thế giới phổ biến, hiệu quả và triệt để hơn cách toà án tại Việt Nam vẫn đang làm. Trong một vụ án của Trung Quốc, bị đơn trưng bày các máy bơm đã được cấp bằng sáng chế của nguyên đơn trên website của mình và nền tảng thương mại điện tử khác. Không có chứng cứ cho thấy bất kỳ hoạt động mua bán máy bơm nào diễn ra, tức là thiệt hại thực tế nếu tính theo cách thông thường gần như không có. Song trong quá trình xét xử, tòa vẫn buộc bị đơn phải chịu trách nhiệm về việc chào bán máy bơm và phải BTTH ấn định từ 30.000 đến 5.000.000 nhân dân tệ. Toà án đã lập luận rằng, hành động chào bán của bị đơn gây trở ngại cho các hoạt động thương mại của nguyên đơn, ví dụ như buộc nguyên đơn phải hạ giá hoặc làm loãng các nỗ lực tiếp thị của mình, đồng thời cho rằng, việc BTTH trong những trường hợp như vậy có thể ngăn chặn hành vi vi phạm và phù hợp với các mục tiêu lập pháp của Luật Sáng chế.

Một số đề xuất cho Việt Nam

Một là, cần tuân thủ và áp dụng pháp luật một cách linh hoạt trong việc xét xử vụ án có yêu cầu BTTH do xâm phạm quyền SHTT. Pháp luật dân sự Việt Nam yêu cầu một trong những căn cứ để đòi BTTH ngoài hợp đồng là nguyên đơn phải xác định và chứng minh được thiệt hại. Thế nhưng, tài sản trí tuệ có tính chất vô hình nên sẽ rất khó khăn và không phù hợp nếu áp dụng một cách máy móc yêu cầu trên đối với BTTH do xâm phạm quyền SHTT. Thực tiễn xét xử cũng cho thấy, không phải lúc nào nguyên đơn cũng xác định và chứng minh được cụ thể thiệt hại vật chất mà mình phải gánh chịu, hay lợi nhuận mà bên xâm phạm đạt được do hành vi xâm phạm.

Hai là, có thể cân nhắc bổ sung quy định về BTTH mang tính “trừng phạt”, theo đó, nếu hành vi xâm phạm được thực hiện do lỗi cố ý thì chủ thể xâm phạm quyền sẽ phải chịu mức BTTH cao hơn mức thiệt hại thực tế. Là một quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ truyền thống Dân Luật, hiện nay, Việt Nam vẫn đi theo quan điểm BTTH thực tế, toàn bộ; nguyên tắc phổ quát vẫn là “thiệt hại đến đâu, bồi thường đến đấy”. Bên cạnh đó, yếu tố lỗi không được nhắc đến là căn cứ để nguyên đơn đòi BTTH, song lại là căn cứ để bị đơn xin miễn giảm mức bồi thường nếu chứng minh được mình không có lỗi hoặc hành vi xâm phạm xảy ra là do lỗi vô ý. Tuy nhiên, như đã nhấn mạnh về tầm quan trọng cũng như sự khác biệt của tài sản trí tuệ so với các tài sản hữu hình thông thường, quy định như trên là thiệt thòi cho chủ sở hữu quyền, đồng thời cũng không đủ tính răn đe đối với chủ thể xâm phạm quyền. Thực tế cho thấy, việc thay đổi quan điểm từ BTTH toàn bộ, thực tế sang áp dụng BTTH mang tính trừng phạt đã tỏ ra hiệu quả ở Trung Quốc, một quốc gia có hệ thống pháp luật tương đối gần gũi với Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cũng có thể áp dụng hiệu quả quan điểm BTTH mang tính trừng phạt trong riêng lĩnh vực SHTT.

Ba là, cần có những quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nguyên đơn trong việc chứng minh thiệt hại. Cụ thể, cơ chế “discovery” theo pháp luật Hoa Kỳ hay Hàn Quốc cần được học hỏi và vận dụng; theo đó, pháp luật đưa ra yêu cầu bắt buộc đối với bị đơn trong việc xuất trình, trao đổi các tài liệu, chứng cứ nhằm chứng minh lợi nhuận thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền SHTT. Trong trường hợp bị đơn cố tình không hợp tác, không cung cấp hoặc cung cấp thiếu, gian dối các tài liệu, chứng cứ, bị đơn sẽ phải chịu cơ chế trừng phạt, cụ thể là BTTH theo mức mà nguyên đơn yêu cầu. Bằng quy định này, nguyên đơn sẽ dễ dàng chứng minh được khoản lợi nhuận mà bị đơn đã thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền SHTT và đòi BTTH dựa theo Điểm a Khoản 1 Điều 205 Luật SHTT.

Bài viết được tóm tắt từ bài viết của tác giả Nguyễn Phương Chi, Trần Thị Thu Hà, Lê Xuân Lộc - Công ty Luật TNHH T&G.

ntptuong

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, số 9 năm 2022 (trang 23-27)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ