SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sản xuất và ứng dụng phân bón lá dạng dịch từ bã men bia phục vụ sản xuất rau an toàn

[16/09/2022 15:14]

Thành công của dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất và ứng dụng phân bón lá dạng dịch chất lượng cao chứa chitosan và axit amin từ bã men bia phục vụ sản xuất rau an toàn trên địa bàn Hà Nội” đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực: cung cấp cho thị trường nông nghiệp Thủ đô nguồn phân bón đảm bảo chất lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải của các nhà máy bia và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Những kết quả đạt được

- Hoàn thiện công nghệ và thiết kế dây chuyền thủy phân bã men bia quy mô 300 kg bã men bia/mẻ, sản xuất phân bón hữu cơ sinh học (dạng dịch, bón lá) quy mô 3.000 lít/mẻ; Xây dựng quy trình sử dụng phân bón hữu cơ sinh học (dạng dịch, bón lá) chứa chitosan và axit amin từ bã men bia quy mô 3.000 lít/mẻ cho nhóm cây rau.

- Sản xuất được 26.400 lít axít amin từ 3.000 lít bã men bia, 500 lít chitosan hoạt hóa, 30.000 lít phân bón hữu cơ sinh học (dạng dịch, bón lá) có chứa chitosan và axit amin từ bã men bia - được đặt tên là Vegano 3.

- Xây dựng 3 đề cương khảo nghiệm phân bón hữu cơ sinh học Vegano 3 cho 3 nhóm cây rau (ăn thân lá, ăn quả, ăn củ) và đã được Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chấp nhận và tiến hành khảo nghiệm phân bón trên cây rau tại huyện Thạch Thất và Long Biên. Kết quả cho thấy, sản phẩm phân bón lá Vegano 3 hỗ trợ cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, có chất lượng tương đương với các sản phẩm trong và ngoài nước hiện đang lưu hành tại Việt Nam

Các công nghệ sử dụng trong dự án có tính ổn định cao sau các lần sản xuất thử nghiệm, không chỉ đạt và tiếp cận với trình độ khoa học của các nước trong khu vực mà còn là những giải pháp KH&CN tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tiễn của sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam.

- Đào tạo 10 cán bộ về kỹ thuật sản xuất phân bón, 60 cán bộ kỹ thuật, công nhân, và 200 lượt nông dân được tập huấn về tác dụng và cách sử dụng sản phẩm phân bón hữu cơ sinh học (dạng dịch, bón lá)...

Đánh giá hiệu quả về môi trường có thể nhận thấy rằng, dự án đã giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường do tận dụng được nguồn phế thải và thay thế việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật bằng phân bón hữu cơ. Phân bón hữu cơ không chỉ gia tăng chất lượng cho nông sản mà còn góp phần làm tăng độ phì nhiêu và màu mỡ cho đất.

Dự kiến, thời gian tới thông qua các lớp tập huấn, các chương trình khuyến nông, đơn vị chủ trì dự án sẽ tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm rộng rãi tới các quận, huyện khác trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận. Có thể nói, việc triển khai thành công dự án đã chứng minh khả năng ứng dụng KH&CN trong canh tác nông nghiệp nói chung và sự phát triển ngành sản xuất phân bón hữu cơ trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng, theo đúng chủ trương của TP về tận dụng phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản tạo giá trị gia tăng.

Bài viết được tóm tắt từ bài viết của tác giả Lê Thanh Hiếu - Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Nguyễn Phương Liên - Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Việt Liên.

ntptuong

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam số 9 năm 2022 (trang 39-40)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài