SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Phát triển thị trường khoa học và công nghệ; đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập”

[24/09/2022 12:34]

Chiều 23/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị “Phát triển thị trường khoa học và công nghệ: Đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Lấy khoa học là nền tảng, nhà khoa học là động lực, doanh nghiệp là trung tâm

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 63 tỉnh thành phố. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Khoa học công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế, các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp; các nhà khoa học.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị “Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập”

Dự hội nghị tại điểm cầu thành phố Cần Thơ có Ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Điểm cầu thành phố Cần Thơ có Ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Ông Ngô Anh Tín, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Thị trường KHCN ở nước ta là một trong những yếu tố quan trọng trong thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đầu tư, đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách có liên quan, thị trường KHCN bước đầu được hình thành, phát triển và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển KTXH và so với một số thị trường khác, thị trường KHCN phát triển chậm, còn nhiều vướng mắc, chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng với nhu cầu sản xuất, kinh doanh.”

Thủ tướng chỉ rõ, phát triển thị trường KHCN cần có chính sách đồng bộ, phù hợp, sự sẵn sàng của các nguồn cung cầu công nghệ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại cùng năng lực, uy tín và thương hiệu của các tổ chức trung gian và phát triển thị trường KHCN cần được đặt trong mối quan hệ biện chứng, liên thông, đồng bộ với phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và tài chính; gắn kết thị trường trong nước với thị trường toàn cầu và khu vực, phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Thủ tướng khẳng định, phát triển thị trường KHCN phải lấy nghiên cứu khoa học là nền tảng, nhà khoa học là động lực, doanh nghiệp là trung tâm, phù hợp với bối cảnh của cuộc CMCN lần thứ tư và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Huy động tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân và hợp tác quốc tế, đẩy nhanh tốc độ đổi mới sản phẩm và dịch vụ có độ tích hợp cao về công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhanh chóng gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu và chiếm lĩnh thị trường quốc tế.

Tại thành phố Cần Thơ, Thị trường KH&CN thời gian qua từng bước được hình thành và phát triển rõ nét trên cơ sở phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ kỹ thuật KH&CN với hệ thống hơn 60 tổ chức KH&CN đang hoạt động, 14 tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, 02 mạng lưới liên kết, 02 Quỹ đầu tư và phát triển khởi nghiệp, 06 không gian hỗ trợ khởi nghiệp, không gian làm việc chung, điểm kết nối cung cầu công nghệ tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, Sàn giao dịch công nghệ Cần Thơ trực tuyến (catex.vn). Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã đầu tư, xây dựng mới một số cơ sở vật chất - kỹ thuật, phòng thí nghiệm không chỉ phục vụ nhu cầu trên địa bàn thành phố mà còn hỗ trợ kỹ thuật cho cả vùng ĐBSCL. Trong đó, các tổ chức KH&CN công lập thuộc Sở KH&CN giữ vai trò quan trọng như Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được đầu tư trở thành đơn vị dịch vụ về hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng hàng đầu của khu vực, đáp ứng phần lớn nhu cầu về đo lường, chất lượng của các doanh nghiệp và các đơn vị quản lý nhà nước trong vùng; Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN đóng vai trò đầu mối trong nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới triển khai vào sản xuất và đời sống, góp phần gia tăng hàm lượng KH&CN trong các sản phẩm chủ lực của thành phố; Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc đã hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực nông, thủy sản, cơ khí TP. Cần Thơ và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL ươm mầm các ý tưởng khởi nghiệp ươm tạo công nghệ tại Vườn ươm.

Bên cạnh những thuận lợi và khó khăn trong việc thúc đẩy thị trường KH&CN thành phố Cần Thơ và vùng ĐBSCL, TPCT đề xuất một số giải pháp cần tập trung triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, tăng cường đầu tư nâng cao tiềm lực KH&CN với sự gia tăng vai trò của khu vực doanh nghiệp, để tạo sự đột phá cho thị trường KH&CN phát triển nhanh, mạnh theo hướng liên thông và đồng bộ với thị trường tài chính, thị trường lao động và thị trường hàng hóa, đáp ứng nhu cầu ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp. Có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển nguồn lực trình độ cao cho các Viện - Trường và các tổ chức KH&CN trong vùng; tập trung đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp lớn, các tổ chức quốc tế đầu tư hay cùng đầu tư, tài trợ xây dựng các viện, trung tâm nghiên cứu tầm quốc gia, khu vực đặt tại vùng ĐBSCL.

Thứ hai, Bộ KHCN hỗ trợ thành phố Cần Thơ triển khai Sàn giao dịch công nghệ Cần Thơ, thúc đẩy các hoạt động về thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH&CN từ Viện - Trường, kết nối cung cầu công nghệ, phát triển các tổ chức dịch vụ, tư vấn, tổ chức trung gian, giao dịch công nghệ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo,… Phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu hệ sinh thái KH&CN bằng các chương trình, giải pháp bền vững, bài bản là một hệ sinh thái thị trường KH&CN chung của cả vùng ĐBSCL.

Thứ ba, thúc đẩy bên cầu đối với KH&CN, coi doanh nghiệp là trung tâm của các hoạt động KH&CN như khuyến khích doanh nghiệp năng động hơn trong việc hấp thụ các sản phẩm KH&CN; khuyến khích tiếp cận khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống; đẩy mạnh các chương trình xúc tiến, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào phát triển thị trường KH&CN; có chính sách hỗ trợ cụ thể tín dụng, đất đai, thuế cho doanh nghiệp đầu tư.

Thứ tư, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cụ thể tiêu chí, điều kiện thành lập, hoạt động tổ chức trung gian của thị trường KH&CN tại Nghị định 76/2018/NĐ-CP  ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ; cải cách thủ tục hành chính, đơn giản thủ tục hồ sơ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp đăng ký thành lập hoạt động tổ chức trung gian của thị trường KH&CN; xây dựng hệ thống dữ liệu tích hợp toàn diện về nguồn chuyên gia, nguồn cung công nghệ, nhu cầu công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho phát triển thị trường KH&CN vùng ĐBSCL.

Thứ năm, để hỗ trợ phát triển Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tại thành phố Cần Thơ, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có ý kiến đối với kiến nghị của Bộ Công Thương tại Công văn số 5409/BCT-KHCN ngày 06 tháng 9 năm 2021 để Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện các bước tiếp theo nhằm kiện toàn cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ và các chính sách hỗ trợ cho Vườn ươm hoạt động có hiệu quả trong thời gian tới phù hợp với thực tiễn nhằm khai thác và vận hành hiệu quả Vườn ươm theo các giải pháp của Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết đại hội đại biểu đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá sự vận hành của thị trường khoa học, công nghệ ở Việt Nam; làm rõ những điểm mạnh, điểm yếu của các chủ thể chính của thị trường khoa học, công nghệ; đánh giá sự tương tác, hợp tác, phối hợp giữa các chủ thể này với nhau. Đặc biệt, các đại biểu tìm giải đáp trước thực trạng nhiều kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ của các viện, trường khá dồi dào, nhưng hàng hóa khoa học, công nghệ vẫn rất hạn chế; nhu cầu tiếp thu, hấp thụ, làm chủ công nghệ mới luôn hiện hữu, song không phải doanh nghiệp nào cũng tích cực, hào hứng đầu tư mua sắm hàng hóa khoa học, công nghệ.

Đại diện các Bộ, ngành, tổ chức, các nhà khoa học thảo luận về tổ chức trung gian, môi giới, kết nối, thúc đẩy giao dịch, lưu thông hàng hóa khoa học, công nghệ; phát triển hạ tầng quốc gia của thị trường khoa học, công nghệ hội nhập với thị trường khu vực và quốc tế; về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển thị trường khoa học, công nghệ; giải pháp để tăng cường vai trò của Nhà nước trong định hướng, điều tiết và hỗ trợ hiệu quả cho thị trường khoa học, công nghệ phát triển trong thời gian tới.

Trên cơ sở phân tích kết quả, hạn chế, nguyên nhân, nhận định tình hình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gợi mở một số phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường khoa học, công nghệ trong thời gian tới.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương nâng cao nhận thức về thị trường khoa học, công nghệ; tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách để thị trường khoa học, công nghệ phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập; xây dựng và lồng ghép kế hoạch phát triển thị trường khoa học, công nghệ vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hằng năm.

Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả 2 mục tiêu lớn và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Chương trình Phát triển thị trường khoa học, công nghệ quốc gia đến năm 2030. 

Thủ tướng đề nghị, đẩy mạnh kết nối liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường khoa học, công nghệ với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và tài chính; tập trung xây dựng và triển khai thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, sớm đưa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách Nhà nước, hợp tác công tư, tư nhân vào sản xuất, kinh doanh; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ lõi thông qua các viện nghiên cứu, trường đại học để giải mã, hấp thụ và làm chủ công nghệ, đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

Nhân dịp này, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn và mong muốn các quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong phát triển khoa học, công nghệ nói chung và phát triển thị trường khoa học, công nghệ nói riêng.

THUẬN LỢI

1. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2021 về Chương trình phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030, được kỳ vọng tạo được động lực mạnh mẽ thúc đẩy thị trường KH&CN phát triển trên cả nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng trong thời gian tới.

2. Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 02 tháng 4 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để hình thành và phát triển KH&CN nói chung và phát triển thị trường KH&CN nói riêng, trong đó đã xác định:“...hình thành sàn giao dịch công nghệ, kết nối Cần Thơ với các trung tâm trong nước và quốc tế…

3. Dự án Sàn giao dịch công nghệ (sàn thực) Cần Thơ đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt nhiệm vụ và dự toán chuẩn bị đầu tư dự án tại Quyết định số 2387/QĐ-UBND ngày 27 tháng 10 năm 2020. Quy mô dự án, gồm: không gian trưng bày triển lãm, phòng quản lý, các phòng kết nối tư vấn, không gian kết nối phát triển và thương mại hóa công nghệ, hiện tại dự án đã được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng. Sở KH&CN sẽ triển khai thực hiện dự theo đúng quy định.

KHÓ KHĂN

1. Thông tin, thống kê dữ liệu về các giao dịch chuyển giao công nghệ tại các địa phương còn thiếu. Theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ thì Hợp đồng chuyển giao công nghệ không bắt buộc phải đăng ký, trừ Hợp đồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài, chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước. Quy định này một mặt tạo môi trường thực sự tự do cho các doanh nghiệp trong giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ nhưng mặt khác là hoạt động chuyển giao công nghệ diễn ra tại các địa phương khó có thể nắm bắt.

2. Cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị cho hoạt động KH&CN còn thiếu và chưa đồng bộmáy móc, trang thiết bị của các đơn vị sự nghiệp KH&CN còn lạc hậu, chưa được đầu tư kịp thời và đồng bộ; đầu tư nâng cao năng lực chuyên sâu cho các đơn vị sự nghiệp KH&CN còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố và thực hiện vai trò đầu mối trung tâm KH&CN vùng ĐBSCL. Tiến độ triển khai Sàn giao dịch công nghệ Cần Thơ còn chậm.

3. Hoạt động chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn còn nhiều bất cập; việc khai thác, áp dụng sáng chế để thương mại hóa còn hạn chế. Hoạt động chuyển giao công nghệ từ Viện - Trường cho doanh nghiệp và vấn đề liên kết 3 nhà (nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nước) hiện vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc cần phải tháo gỡ.

CASTI - Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Cần Thơ
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ