SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thực trạng và giải pháp cho dạy học môn lịch sử và địa lí cấp trung học cơ sở ở tỉnh Cà Mau, theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018

[24/09/2022 22:15]

Trong bài báo này, thực trạng dạy học môn Lịch sử và Địa lí cấp Trung học cơ sở được nghiên cứu theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 tại các trường Trung học cơ sở trong địa bàn tỉnh Cà Mau.

Với phương pháp nghiên cứu lý thuyết và nghiên cứu thực tế qua bảng hỏi, thảo luận nhóm, phỏng vấn sâu, bài viết đã đề cập và phân tích tình hình thực tế cũng như những thuận lợi và khó khăn của giáo viên trong việc dạy học môn Lịch sử và Địa lí theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Từ đó một số giải pháp được đề xuất nhằm giúp giáo viên thực hiện nhiệm vụ này được thuận lợi và hiệu quả hơn.

Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành chương trình (CT) tổng thể và 27 CT các môn học kèm theo để thực hiện việc thay đổi CT và sách giáo khoa (SGK) cho toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông (GDPT) của cả nước. Theo đó, môn Lịch sử và môn Địa lí ở cấp Trung học cơ sở (THCS) đã được kết hợp lại thành một môn học chung là môn Lịch sử và Địa lí. Đây là môn học bắt buộc, được dạy học 105 tiết ở mỗi khối từ lớp 6 đến lớp 9 (Bộ GD&ĐT, 2018a). Bắt đầu từ năm học 2021- 2022, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường áp dụng cho lớp 6 theo CT môn Lịch sử và Địa lí.

Môn học này gồm các nội dung giáo dục lịch sử, địa lí và một số chủ đề liên môn, đồng thời lồng ghép, tích hợp kiến thức ở mức độ đơn giản về kinh tế, văn hoá, khoa học, tôn giáo… Nội dung giáo dục lịch sử được thiết kế theo tuyến tính thời gian, từ thời nguyên thuỷ qua cổ đại, trung đại đến cận đại và hiện đại; trong từng thời kì có sự đan xen lịch sử thế giới, lịch sử khu vực và lịch sử Việt Nam. Mạch nội dung giáo dục Địa lí đi từ địa lí đại cương đến địa lí khu vực/thế giới và địa lí Việt Nam. Chương trình chú trọng lựa chọn các chủ đề, kết nối kiến thức và kĩ năng để hình thành và phát triển năng lực ở học sinh (HS), đồng thời coi trọng đặc trưng khoa học lịch sử và khoa học địa lí. Điểm khác biệt quan trọng nhất so với CT cũ (Bộ GD&ĐT, 2006) của môn học này là ngoài nội dung về lịch sử, địa lí còn có thêm các chủ đề liên môn, như: Các cuộc đại phát kiến địa lí; Đô thị – lịch sử và hiện tại; Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long; Bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông (Bộ GD&ĐT, 2018b).

Mục tiêu chính của môn Lịch sử và Địa lí cấp THCS là hình thành, phát triển ở HS năng lực lịch sử và năng lực địa lí trên nền tảng kiến thức cơ bản, có chọn lọc về lịch sử, địa lí thế giới, quốc gia và địa phương; các quá trình tự nhiên, kinh tế - xã hội và văn hoá diễn ra theo không gian và thời gian; sự tương tác giữa xã hội loài người với môi trường tự nhiên. Từ đó, môn học giúp HS biết cách sử dụng các công cụ của khoa học lịch sử, khoa học địa lí để học tập và vận dụng vào thực tiễn. Đồng thời góp phần cùng các môn học và hoạt động giáo dục khác, môn Lịch sử và Địa lí giúp HS hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung, đặc biệt là tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào về truyền thống dân tộc, thái độ tôn trọng sự đa dạng của lịch sử thế giới và văn hoá nhân loại, khơi dậy ở HS ước muốn khám phá thế giới xung quanh, vận dụng những điều đã học vào thực tế (Bộ GD&ĐT, 2018b).

Các phương pháp dạy học (PPDH) đặc trưng để phát triển năng lực trong dạy học Lịch sử và Địa lí là các PPDH giải quyết vấn đề (nêu vấn đề, tình huống), PPDH hợp tác, PPDH qua khai thác tư liệu, PPDH qua sử dụng phương tiện trực quan, PPDH qua trò chơi, PPDH dự án, PPDH tại thực địa,… (Thủy và ctv, 2016). Song hành với các PPDH còn có nhiều kỹ thuật dạy học (KTDH) và kiểm tra, đánh giá (KTĐG) theo hướng phát triển năng lực HS. Ví dụ như kỹ thuật KWL, kỹ thuật khăn trải bàn, kỹ thuật mảnh ghép, kỹ thuật sơ đồ tư duy, kỹ thuật XYZ, kỹ thuật bể cá,... Về đánh giá, quan trọng là sự kết hợp đánh giá quá trình và đánh giá định kỳ (Meier & Cường, 2018). Đây là những PPDH, KTDH và KTĐG cần được vận dụng cho CT GDPT mới mà có những GV chưa có điều kiện áp dụng.

Chính sự thay đổi này dẫn đến những khó khăn nhất định ban đầu cho GV và đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục trong việc tổ chức thực hiện dạy học theo CT GDPT mới môn Lịch sử và Địa lí cấp THCS. Thực tế họ đã có những thuận lợi và khó khăn ra sao khi áp dụng? Cần có các giải pháp như thế nào để giúp cho GV và CBQL giáo dục thực hiện CT môn Lịch sử và Địa lí ở THCS được thuận lợi và hiệu quả? Đây là những câu hỏi nghiên cứu sẽ được trả lời cụ thể qua các nội dung tiếp theo.

Bài báo này bước đầu tìm hiểu về việc tổ chức dạy học của GV tham gia dạy môn Lịch sử và Địa lí THCS ở tỉnh Cà Mau trong năm học 2021-2022. Ở đây, những thông tin được thu thập chỉ liên quan đến thuận lợi, khó khăn và giải pháp cho quá trình tổ chức dạy học theo CT GDPT mới của môn học mà chưa đi sâu vào hiệu quả của CT môn học vì khi thực hiện nghiên cứu, HS lớp 6 còn đang học chưa hết học kỳ 1 của năm học. Kết quả cụ thể của việc dạy học này còn phải chờ cho HS kết thúc một năm học mới có thể đánh giá đầy đủ được. Bên cạnh đó, thực hiện CT GDPT mới diễn ra khi cả nước, trong đó có tỉnh Cà Mau, đang phải đối mặt với đại dịch Covid[1]19 nên không thể tránh khỏi những khó khăn của thầy và trò. Vì thế, nếu có điều kiện, những nội dung này, đặc biệt là tính hiệu quả của CT GDPT mới môn Lịch sử và Địa lí THCS sẽ được thực hiện nghiên cứu tiếp tục vào thời gian tới.

nqhuy

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 58, Số Giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long (2022): 76-83
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài