SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đặc điểm sinh học sinh sản của cá dảnh (puntioplites proctozystron bleeker, 1865) ở Búng Bình Thiên, An Giang

[30/09/2022 09:38]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Huy - Chi cục Thủy sản, tỉnh An Giang, Âu Văn Hóa , Phạm Thanh Liêm - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh minh họa

Cá dảnh (Puntioplites proctozystron Bleeker, 1865) là loài cá thuộc họ Cyprinidae và bộ cá chép (Cypriniformes). Cá phân bố ở lưu vực sông Mê Kông ở Thái Lan, Lào, Campuchia và vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), không có ở miền Trung và miền Bắc của Việt Nam; cá sống trong các sông, kênh, rạch ở nước ngọt và nược lợ với độ muối nhỏ hơn 10‰. Loài cá này sống phổ biến ở nước tĩnh, di chuyển vào vùng ngập nước trong mùa lũ nơi có các thâm thực vật để sinh sống và kiếm ăn. Cá dảnh có thịt thơm ngon nên được người dân ưa chuộng và được làm thành món ăn như chả cá và cá khô. Từ đó, hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản bằng nhiều ngư cụ có tính hủy diệt tăng cao, chính vì thế sản lượng nguồn lợi suy giảm nghiêm trọng, trong đó có sản lượng cá dảnh. Trên thực tế, vấn đề bảo vệ quần đàn nguồn lợ cá ngoài tự nhiên chưa được chú trọng, nhất là quần thể cá trong Búng Bình Thiên (BBT). Cá dảnh (Puntioplites proctozystron) là một trong những loài cá đặc hữu và có giá trị cư trú tại BBT, trước đây loài cá dảnh xuất hiện rất nhiều ở BBT và hiện nay sản lượng đang giảm dần do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hiện nay, cá dảnh chủ yếu được khai thác từ tự nhiên và chưa được quan tâm nhiều. Từ trước cho đến nay, các công trình nghiên cứu về cá dảnh chỉ dừng lại ở mô tả và phân loại, chưa có nghiên cứu nào về các chỉ tiêu sinh học sinh sản.

Mẫu đánh giá đặc điểm sinh học sinh sản cá dảnh (Puntioplites proctozystron) tại Búng Bình Thiên, An Giang nhằm xác định các thông tin cơ bản về sinh học sinh sản của chúng ngoài tự nhiên. Nghiên cứu được thu định kỳ hằng tháng bằng các ngư cụ khác nhau, bắt đầu từ tháng 7/2018 đến tháng 6/2019. Mỗi đợt thu với 60 mẫu/đợt, kích cỡ cá đạt từ 6,0-23,7cm để đảm bảo các giai đoạn phát triển tuyến sinh dục. Kết quả cho thấy, cá dảnh có thể phân biệt được đực/cái trong mùa sinh sản. Độ béo Fulton và Clark dao động lần lượt là 2,00-3,97% và 1,77-3,60%, độ béo Fulton và Clark đạt cao nhất ở tháng 5 và thấp nhất ở tháng 1. Nhân tố điều kiện ở cá cái từ 0,009-0,023 và cá đực là 0,006-0,055. Hệ số GSI cá cái dao động từ 0,24-1,91%, cao nhất vào tháng 6/2019 và thấp nhất vào tháng 2/2019; tương tự, ở cá đực hệ số GSI từ 0,19-0,51% cao nhất vào tháng 6/2019 và thấp nhất vào tháng 3/2019. Chiều dài Lm50 đạt giá trị là 13,5cm. Sức sinh sản tuyệt đối và tương đối lần lượt là 32.104 ± 17.501 (trứng/cá cái) và 298.456 ± 140.909 (trứng/kg cá cái); đường kính trứng ở giai đoạn IV là 0,97 ± 0,04mm. Kết quả nghiên cứu ghi nhận cá dảnh sinh sản nhiều lần nhưng tập trung cao nhất vào tháng 6 trong năm.

nhnhanh

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, 20 (8)/2022
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài