SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hiệu lực của bốn loại dịch trích thực vật trừ sâu keo mùa thu (spodoptera frugiperda) gây hại trên cây bắp ở điều kiện phòng thí nghiệm và nhà lưới Trường Đại học An Giang

[22/11/2022 15:28]

Nghiên cứu do tác giả Lê Minh Tuấn và Phan Quý Quá - Trường Đại học An Giang, ĐHQG-HCM thực hiện nhằm khảo sát hiệu lực của bốn loại dịch trích thực vật có khả năng ức chế quá trình sinh trưởng, phát triển và ngán ăn đối với ấu trùng (tuổi 3) của sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda).

Ảnh minh họa: Internet

Theo thông báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp liên hợp quốc (FAO, 2019), thế giới đã phát hiện một loài sâu hại mới có tên tiếng Anh là Fall Armyworm, tên khoa học là Spodoptera frugiperda, có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ. Loài sâu này phát hiện lần đầu châu Á tại Ấn độ tháng 7/2018. Chúng lây lan rất nhanh và gây hại nặng tại các vùng bị xâm nhiễm. Hiện nay, loài sâu hại này đã xuất hiện tại Banglades, Srilanka, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc. Ở Việt Nam, sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda) là loài sâu hại ngoại lai xâm lấn, mặc dù đã được ghi nhận từ năm 2008 trên cỏ thảm ở vùng Hà Nội (Nguyễn Thị Kim Oanh, Vũ Thị Phượng, 2009). Gần đây, sâu keo mùa thu đã bùng phát số lượng ở nhiều vùng trồng bắp tập trung tại phía Bắc. Kết quả điều tra trong tháng 3 và 4 năm 2019 cho thấy sâu keo mùa thu đã xuất hiện và gây hại ở hầu hết các tỉnh sản xuất bắp tập trung thuộc đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh An Giang (2019) đã tổ chức điều tra sự phân bố, mật độ, tỷ lệ hại sâu keo mùa thu trên cây bắp và các cây trồng khác tính đến tháng 6 năm 2019, diện tích đang canh tác bắp của tỉnh là 2.468,6 ha. Trong đó diện tích nhiễm sâu keo mùa thu 14,6 ha (diện tích nhiễm nhẹ 14,4 ha, nhiễm trung bình 0,2 ha). Ghi nhận các giống nhiễm sâu keo gồm bắp lai 247, ADI 688, PAC 339, ADI 603; bắp non 271, bắp nếp 461,… (Hải Nhu, 2019).

Để chủ động phát hiện, phòng ngừa xâm nhiễm và gây hại của loài sâu này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang đã yêu cầu kiểm soát chặt chẽ sự gây hại của sâu keo mùa thu đối với cây trồng, không để dịch bệnh bùng phát gây hại nặng làm thất thu năng suất, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ và có hướng khắc phục kịp thời diện tích bị thiệt hại để ổn định sản xuất (Hương Huệ, 2019). Hiện nay chưa có biện pháp quản lý và phòng trừ sâu keo mùa thu có hiệu quả, nông dân chỉ sử dụng thuốc BVTV đặc trị để phòng ngừa nhưng không mang lại hiệu quả cao, gây nên tính kháng thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường. Trước tình hình trên, để tìm ra biện pháp hữu hiệu trong phòng trừ sâu keo mùa thu bằng biện pháp sinh học nói chung và dịch trích ly trích từ thực vật nói riêng đang là vấn đề cấp bách và cần thiết. Chính vì vậy đề tài “Hiệu lực bốn loại dịch trích thực vật trừ sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda) gây hại trên cây bắp trong điều kiện phòng thí nghiệm và nhà lưới Trường Đại học An Giang” được thực hiện.

Kết quả khảo sát hiệu lực tiêu diệt trực tiếp sâu keo mùa thu hại cây bắp từ bốn loài dịch trích Thuốc cá, Dừa cạn, vỏ Cam và Trúc đào đều có khả năng tiêu diệt, ức chế quá trình hóa nhộng của sâu non, vũ hóa ở ngài trưởng thành và gây ngán ăn đối với sâu keo mùa thu rất cao, trong đó dịch trích vỏ Cam và Thuốc cá cho hiệu quả tối ưu nhất.

(nnttien)

Tạp chí Khoa học Quốc tế Trường ĐH An Giang, Quyển 30 (2022) (nnttien)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài