SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khối lượng vi khuẩn 'khổng lồ' được giải phóng từ các sông băng tan chảy

[23/11/2022 14:11]

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng hàng trăm nghìn tấn vi khuẩn đang được giải phóng từ các sông băng tan chảy.

Các nhà khoa học cho biết băng tan nhanh chóng do khủng hoảng khí hậu đồng nghĩa với việc các sông băng và hệ sinh thái vi sinh vật độc đáo mà chúng chứa đựng “đang chết dần trước mắt chúng ta”, và các nhà nghiên cứu phải cố gắng tìm hiểu các hệ sinh thái này trước khi chúng biến mất.

Một số vi khuẩn cũng có thể là nguồn cung cấp các phân tử sinh học hữu ích trong tương lai, chẳng hạn như các loại kháng sinh mới.

Các nhà khoa học đã thu thập nước từ băng tan chảy trên bề mặt 8 sông băng trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ, và từ 2 địa điểm trên chỏm băng Greenland. Họ tìm thấy hàng chục nghìn vi khuẩn trong mỗi mililit nước.

Hình minh họa. Nguồn: Getty Images

Dựa trên dữ liệu từ các mẫu này, họ ước tính vi khuẩn và tảo bị thải ra ngoài do băng tan sẽ tạo ra trung bình 650.000 tấn carbon mỗi năm trong 80 năm tới ở bán cầu bắc, ngoại trừ khu vực Himalaya Hindu Kush không được lấy mẫu. Ước tính này giả định lượng khí thải CO2 toàn cầu tiếp tục tăng nhẹ. Nếu lượng khí thải carbon toàn cầu giảm đi, làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu và băng tan chậm hơn, khối lượng vi khuẩn được giải phóng sẽ giảm khoảng một phần ba.

Tiến sĩ Arwyn Edwards tại Đại học Aberystwyth ở Wales, và là thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến ​​​​các sông băng chết đi, ảnh hưởng đến các vi khuẩn ở đó. Các vi khuẩn này sẽ có tác động đối với chúng ta ở địa phương và toàn cầu. Khối lượng vi khuẩn được giải phóng là rất lớn ngay cả khi nóng lên toàn cầu ở mức vừa phải".

“Chúng tôi không có đủ dữ liệu để hiểu giá trị và mối đe dọa của những sinh vật này. Tôi thường xuyên nhận được những câu hỏi về việc liệu có mầm bệnh nguy hiểm nào tan chảy ra khỏi sông băng hay không. Tôi nghĩ đó là một rủi ro rất nhỏ, nhưng không phải là không có rủi ro, vì vậy chúng ta cần đánh giá kỹ hơn những vi khuẩn này", Edwards nói.

Cho đến gần đây, người ta biết rất ít về hàng nghìn loài vi sinh vật sinh sống trong băng. Gần 1.000 loài mới đã được tiết lộ trong sông băng Tây Tạng vào tháng Sáu. Một nhóm các nhà nghiên cứu, thuộc Dự án Vanishing Glaciers (VGP), đang tiến hành các cuộc thám hiểm trên khắp thế giới để thu thập các mẫu và đánh giá sự đa dạng sinh học vi khuẩn này.

Giáo sư Tom Battin tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ Lausanne và là thành viên VGP, cho biết mọi người không nên lo lắng về mầm bệnh phát sinh từ băng.

Một nghiên cứu khác gần đây về virus ở Hồ Hazen ở Canada, hồ nước ngọt Bắc cực lớn nhất trên thế giới, cho thấy nguy cơ virus "nhảy" sang vật chủ mới cao hơn ở những địa điểm có nước băng tan chảy vào.

Nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí Nature Communications Earth and Environment, đã sử dụng các mẫu nước tan chảy trên bề mặt từ 4 sông băng ở dãy núi Alps ở Châu Âu, cũng như các sông băng ở Canada, Thụy Điển, Svalbard và dải băng phía tây Greenland. Nghiên cứu cho thấy hàng trăm nghìn tấn vi khuẩn sẽ được thải ra mỗi năm, cho dù nóng lên toàn cầu ở mức nào. Vi khuẩn và tảo thường chứa các sắc tố để bảo vệ chúng khỏi tác hại của ánh sáng mặt trời. Nhưng những sắc tố đen này hấp thụ ánh sáng mặt trời, làm tăng thêm sự nóng lên và đẩy nhanh quá trình phá hủy môi trường băng.

Công Nhất 

www.khoahocphattrien.vn
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ