SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá hiệu quả vi khuẩn hòa tan Kali lên sinh trưởng và năng suất cải bó xôi (Spinacia oleracea L.) và một số đặc tính đất ở điều kiện nhà lưới

[28/11/2022 15:23]

Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định hiệu quả của hai dòng vi khuẩn hòa tan kali lên sinh trưởng, năng suất cây cải bó xôi (Spinacia oleracea L.) và một số đặc tính lý, hóa và sinh học đất ở điều kiện nhà lưới.

Hạt cải bó xôi được chủng với dung dịch vi khuẩn có mật số 108 cfu/mL trong 24 giờ và được trồng trong điều kiện giảm 50% phân kali theo khuyến cáo cho cây cải bó xôi và có bổ sung rơm (1 tấn/ha). Kết quả cho thấy chủng vi khuẩn hòa tan kali kích thích tăng sinh trưởng và tăng năng suất cải bó xôi thêm 45,3-80,0%, tăng hàm lượng Kts trong rau và tăng hàm lượng Ktđ trong đất, đồng thời giảm được 50% lượng phân kali vô cơ theo khuyến cáo sau 1 vụ gieo trồng. Như vậy, hai dòng vi khuẩn hòa tan kali Burkholderia vietnamiensis L1.1 và Staphylococcus hominis T7.3 có tiềm năng để phát triển làm phân bón vi sinh giúp tăng sinh trưởng, năng suất cây trồng, giảm phân bón kali hóa học, thực hiện sản xuất nông nghiệp thân thiện và bền vững.

Kali (K) là nguyên tố dinh dưỡng đa lượng, quan trọng thiết yếu thứ ba sau N, P và là nguyên tố được cây trồng hấp thu nhiều nhất. Ngoài vai trò giúp cây trồng trao đổi chất tốt, K còn cải thiện chất lượng cây trồng vì giúp thân cây cứng chắc, chống đổ ngã, tăng khả năng kháng bệnh và cũng giúp cây trồng chống chịu với stress từ môi trường (Hùng & Chinh, 2017). Hầu hết đất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tỷ lệ K tổng số trong đất từ mức trung bình đến cao, nhưng 90-98% lượng K trong đất thường nằm ở dạng không hữu dụng cho cây trồng hấp thu (Hưng và ctv., 2004). Do đó, tìm kiếm một giải pháp thích hợp để chuyển hóa dạng kali khó tiêu sang dạng hữu dụng bổ sung kali cho cây trồng, cải thiện cân bằng dinh dưỡng và duy trì sức khỏe của đất là cần thiết.

Áp dụng vi sinh vật kích thích sinh trưởng cây trồng (Plant Growth Promotion Microorganisms[1]PGPMs) trong đó có các vi sinh vật hòa tan các dạng khoáng khó tiêu được khuyến khích sử dụng trong canh tác nông nghiệp bền vững để đạt được những lợi ích tối đa, quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu tác động môi trường (Hungria et al., 2013). Vì vậy, sử dụng vi khuẩn hòa tan kali sẽ là một giải pháp mới an toàn, bền vững để chuyển hóa kali khó hòa tan sang dạng hòa tan trong đất. Các vi khuẩn hòa tan kali này có thể hòa tan kali khó tan trong đất thông qua việc tổng hợp và tiết ra các acid hữu cơ, vô cơ hoặc các proton (Parmar & Sindhu, 2013; Meena et al., 2014; Meena et al., 2015b). Nhiều nước trên thế giới từ lâu đã tích cực phân lập vi khuẩn hòa tan kali nhằm ứng dụng lên cây trồng, chúng được sử dụng như những yếu tố sinh học giúp cải thiện năng suất, chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường và là một trong những biện pháp phát triển nông nghiệp bền vững,góp phần bảo vệ môi trường (Dơn và ctv., 2012). Tuy nhiên, các nghiên cứu về vi khuẩn hòa tan kali cũng như ứng dụng các nhóm vi khuẩn có chức năng này lên cây trồng còn ít phổ biến ở phạm vi trong nước. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của hai dòng vi khuẩn hòa tan kali được phân lập Burkholderia vietnamiensis L1.1 và Staphylococcus hominis T7.3 từ đất trồng lúa và trồng tắc ở tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ lên sinh trưởng, năng suất cải bó xôi (Spinacia oleracea L.) và một số đặt tính đất.

nqhuy

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58, Số 5B (2022): 92-102
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ