SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá hiệu quả sử dụng thiết bị giám sát hành trình trên tàu khai thác thủy sản tỉnh Kiên Giang

[28/11/2022 15:26]

Nghiên cứu này đánh giá hiệu quả sử dụng thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá tỉnh Kiên Giang. Từ tháng 10/2021 đến tháng 4/2022, 97 ngư dân được khảo sát là thuyền trưởng và chủ tàu cá Kiên Giang lắp đặt thiết bị VMS.

Kết quả cho thấy có 91,3% tàu cá đã lắp đặt VMS, thiết bị ZuniVN-01 được lắp đặt nhiều nhất, chiếm 44,9%; kế đến là Viettel S[1]tracking chiếm 30,4%. Có 63,9% ngư dân nhận định VMS được sử dụng hiệu quả, đặc biệt ở mức rất hiệu quả đối với tính năng khẩn cấp cứu hộ cứu nạn, chiếm tới 80,4%. Phần lớn ngư dân (57%) đánh giá sáu yêu cầu chủ yếu của VMS ở mức “phù hợp”. Tuy vậy, có 14% ngư dân nhận định dịch vụ hỗ trợ còn chậm trễ. Đây là những thông tin quan trọng giúp các bên liên quan thực hiện tốt hơn trong quản lý và giám sát tàu trên biển, thông qua các giải pháp kỹ thuật và quản lý, nhằm sớm khắc phục tình trạng khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, để gỡ Thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu thời gian tới.

Khai thác thuỷ sản là lĩnh vực đóng góp quan trọng vào ngành thuỷ sản của cả nước nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang [Sở NNPTNT], 2020). Tính đến hết năm 2020, Kiên Giang có 9.890 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên, trong đó tàu có chiều dài từ 15 m trở lên được phép khai thác xa bờ là 3.992 chiếc (Chi cục Thủy sản Kiên Giang, 2021a). Sản lượng khai thác đạt 572.070 tấn, trong đó có hai nghề chiếm tỷ trọng cao nhất gồm lưới rê 40,3 % và lưới kéo là 27,3 % (Sở NNPTNT, 2020). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng khai thác thuỷ sản gặp nhiều khó khăn do nguồn lợi thuỷ sản suy giảm, ngư dân sử dụng nghề cấm, kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định, khai thác trái tuyến,… thường xuyên diễn ra (Chi cục Thủy sản Kiên Giang, 2021a).

Ngày 23/10/2017, Uỷ ban Châu Âu (EC) chính thức cảnh báo “Thẻ vàng” đối với nghề cá Việt Nam vì các hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của tàu cá địa phương ven biển nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng. Điều này ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thuỷ sản (Chi cục Thủy sản Kiên Giang, 2021b; Phuong & Pomeroy, 2022). Một trong những khuyến nghị quan trọng nhất của EC nhằm chống khai thác IUU để gỡ “Thẻ vàng” là triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) giúp theo dõi, kiểm tra, giám sát và quản lý tàu cá hoạt động trên biển (VASEP, 2018; Phuong & Pomeroy, 2022). Đến năm 2021, Kiên Giang có 3.646/3.992 tàu cá lắp thiết bị VMS, chiếm 91,3% (Chi cục Thủy sản Kiên Giang, 2021b).

Đã có một số nghiên cứu đánh giá hiệu quả sử dụng VMS ở một số tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định và Khánh Hòa (Bình, 2021; Quang, 2021; Phương và ctv., 2021). Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai VMS tại Kiên Giang, đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào đánh giá về hiệu quả sử dụng thiết bị VMS trên tàu cá Kiên Giang. Vì vậy, việc khảo sát sử dụng VMS là cần thiết, làm căn cứ đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng trong thời gian tới tại địa phương nghiên cứu.

nqhuy

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 58, Số 5B (2022): 84-91
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài