SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Các thông số chất lượng nước và thành phần tảo khuê trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) siêu thâm canh

[28/11/2022 15:47]

Nghiên cứu nhằm khảo sát các thông số chất lượng nước và cấu trúc thành phần loài tảo khuê ở các ao tôm thẻ siêu thâm canh. Nghiên cứu được thực hiện tại các trại nuôi tôm ở thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Tổng cộng có 11 đợt thu mẫu chia thành 2 giai đoạn gồm giai đoạn ương (thu ở 2 ao) và giai đoạn nuôi thương phẩm (4 ao). Kết quả cho thấy các thông số môi trường nước biến động khá cao trong chu kỳ nuôi, trong đó một số yếu tố dinh dưỡng (TAN, NO3 - và PO4 3- ) có xu hướng tăng cao vào cuối vụ nuôi. Tổng cộng có 16 loài tảo được ghi nhận, trong đó tảo khuê có thành phần loài cao nhất (8 loài, chiếm 50%), các ngành tảo còn lại từ 2 đến 3 loài (chiếm 12-19%). Mật độ tảo khuê trung bình ở giai đoạn ương là 2.813.930 cá thể/L và giai đoạn nuôi là 2.614.583 cá thể/L. Tảo Thalassiosira sp. hiện diện thường xuyên và chiếm ưu thế (84-99%) qua các đợt thu mẫu. Các loài tảo khuê được ghi nhận trong các ao tôm gồm Thalassiosira sp., Cylindrotheca closterium, Nitzschia sp., Amphiprora alata, Navicula sp., Pleurosigma sp., Chaetoceros sp. và Coscinodiscussp. Kết quả của nghiên cứu có giá trị trong việc quản lý tảo phù hợp cho các ao tôm nước lợ.

Nghề nuôi trồng thủy sản đang phát triển nhanh ở Việt Nam cũng như trên thế giới, đặc biệt nghề nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) đang được áp dụng các mức độ thâm canh khác nhau. Tôm thẻ chân trắng là loài có giá trị kinh tế và chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Tôm có thời gian sinh trưởng ngắn, dễ nuôi và có thể được nuôi với mật độ cao và qui mô lớn. Nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh đang ngày càng hoàn thiện về công nghệ nuôi nhằm gia tăng năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Trong các ao nuôi tôm, quản lý môi trường ao nuôi phù hợp sẽ góp phần hạn chế dịch bệnh, tôm lớn nhanh và năng suất cao, trong đó quản lý tảo được đặc biệt quan tâm nhằm duy trì các nhóm tảo có lợi và hạn chế sự phát triển của các loài tảo gây ảnh hưởng đến tôm.

Các ngành tảo thường thấy trong các ao nuôi tôm nước lợ gồm tảo lam (Cyanophyta), tảo lục (Chlorophyta), tảo khuê (Bacillariophyta), tảo mắt (Euglenophyta) và tảo giáp (Dinophyta), trong đó tảo khuê và tảo lục được xem là nhóm tảo có lợi cho môi trường ao nuôi. Tảo khuê và tảo lục là nguồn thức ăn ban đầu cho hầu hết động vật không xương sống và ấu trùng cá, trong khi sự nở hoa của tảo lam và tảo giáp có liên quan đến chất lượng nước kém và môi trường giàu dinh dưỡng (Paerl, 1988). Trong nghiên cứu về sự góp phần của phiêu sinh vật vào khẩu phần thức ăn của tôm thẻ chân trắng L. vannamei (Boone, 1931) giai đoạn post-larvae ương trong ao nuôi có bón phân đã ghi nhận được 126 loài tảo, trong đó tảo Bacillariophyta có thành phần loài phong phú nhất. Trong ống tiêu hóa của tôm, các nhóm sinh vật nổi được tìm thấy chủ yếu là ấu trùng nauplius của copepoda, các giai đoạn khác nhau của copepod, rotifer (Brachionus plicatilis) và Bacillariophyta (Vinh, 2017). Ngoài ra, khi tảo phát triển nhiều trong ao tôm, tảo khuê và tảo có roi hấp thu hiệu quả hàm lượng ammonia và nitrate, từ đó có thể ngăn cản sự gia tăng hàm lượng dinh dưỡng đạt đến mức độc hại và nguồn nước thải từ ao nuôi ra môi trường lân cận ít bị ô nhiễm (Fernandes, 2019). Bên cạnh những lợi ích của tảo khuê, sự phát triển quá mức của tảo cũng gây một số bất lợi cho môi trường ao nuôi như giai đoạn tảo suy tàn, quá trình phân hủy các xác tảo cũng tạo ra khí độc, gây giảm oxy trong nước, che bớt ánh sáng làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của tôm. Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm khảo sát thành phần loài tảo và mật độ của tảo khuê ở ao nuôi tôm siêu thâm canh làm cơ sở cho việc quản lý môi trường ao nuôi tôm nước lợ, nhất là quản lý tảo.

nqhuy

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58, Số 5B (2022): 69-76
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài