SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

CRYOBANK: Giải pháp khôi phục nhanh đàn vật nuôi sau dịch bệnh

[28/11/2022 16:01]

Cryobank hay cryoconservation of animal genetic resource là ngân hàng lưu trữ tế bào động vật trong điều kiện đông lạnh. Một trong những bước quan trọng trong quy trình của cryobank là nguồn tế bào được thu nhận từ vật nuôi đã được sàng lọc các mầm bệnh trước lưu trữ ở nhiệt độ -196°C.

Chăn nuôi Việt Nam hiện đang đối mặt với các dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm nên nhu cầu về con giống sạch bệnh, có năng suất cao trở nên rất cấp thiết. Cryobank cùng với kỹ thuật công nghệ sinh học sinh sản sản xuất hàng loạt con giống sạch bệnh, đáp ứng nhanh cho thị trường đã được áp dụng rộng rãi ở các nước phát triển. Bài viết tập trung phân tích những thách thức từ dịch bệnh của ngành chăn nuôi, tổng hợp những phương pháp sản xuất con giống sạch bệnh từ cryobank và công nghệ sinh học sinh sản trên thế giới và cung cấp những quy trình cơ bản trong đông lạnh tinh trùng động vật nuôi.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN và PTNN), năm 2021, nhiều dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đã gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho ngành chăn nuôi. Dự báo trong năm 2022, rủi ro dịch bệnh trên vật nuôi vẫn còn rất lớn. Cụ thể, từ đầu năm đến tháng 2/2022 nay, cả nước có tổng số 13,6 ngàn gia cầm bệnh chết và tiêu hủy do cúm A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8, có hơn 168 ổ dịch tả heo châu Phi chưa qua 21 ngày, hơn 19,6 ngàn con heo mắc bệnh đã tiêu hủy, viêm da nổi cục trên trâu bò xảy ra tại 17 xã thuộc 2 tỉnh thành trên cả nước (Nguyên, 2022). Trải qua năm 2021 đầy biến động với ngành nông nghiệp nói chung và ngành y chăn nuôi nói riêng, năm 2022 sẽ là một năm với nhiều khó khăn hơn nữa: như dịch bệnh trên người, dịch bệnh trên vật nuôi và đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, tình hình chăn nuôi trong nước chưa có những động thái tích cực và những khó khăn, thách thức vẫn còn rất lớn (Dương, 2022).

Để khắc phục tình trạng trên và nhằm từng bước giảm thiểu những khó khăn của ngành chăn nuôi, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 1520/2020/QD-TTg, ngày 6 tháng 10 năm 2020 về Chiến lược phát triển chăn nuôi 2021-2030, tầm nhìn 2045. Trong đó, hướng dẫn cụ thể các giải pháp một cách đồng bộ giữa các ban ngành với mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi bền vững. Một trong những đề án được đưa lên đầu tiên ở Quyết định này là “nghiên cứu những công nghệ sản xuất vật nuôi”. Ở điều kiện bình thường, giống vật nuôi có năng suất cao, thích nghi với biến đổi khí hậu rất quan trọng, và trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, cùng với nhu cầu tái đàn nhanh sau dịch bệnh, thì nhu cầu con giống vật nuôi sạch bệnh lại càng cấp thiết hơn. Để tái đàn hiệu quả, Bộ NN và PTNN khuyến cáo người dân cần thận trọng và tuân thủ những quy định về phòng chống dịch và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Tuy nhiên, tỉ lệ tái đàn và tăng đàn ở một số địa phương còn thấp hơn so với dự kiến. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chương trình này là: đứt quản chuỗi cung ứng, biến động của thị trường khiến giá thành thức ăn và thuốc thú y tăng cao, các hộ chăn nuôi nhỏ thiếu vốn tái đàn, cơ sở vật chất không đảm bảo tiêu chuẩn chăn nuôi an toàn và tình trạng con giống vật nuôi khan hiếm. Với con giống vật nuôi, đây là một trong những khó khăn cơ bản của các hộ và trang trại khi tái đàn. Theo khảo sát, khoản một nửa số hộ chăn nuôi báo cáo về tình hình mua con giống với giá cao, chất lượng không ổn định và điều kiện giống không đảm bảo nguồn gốc, kiểm định dịch bệnh (Quang, 2020; Chánh & Vũ, 2022).

Hiện nay, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), việc sản xuất con giống trên gia cầm và một số gia súc như trâu, dê, cừu hầu hết là kết quả của giao phối tự nhiên. Khi dịch bệnh xảy ra, cả con đực giống và con cái giống đều mang mần bệnh, vì thế trang trại và nông hộ không có khả năng tự cung cấp con giống (Dhama et al., 2014). Ngay cả trên chăn nuôi heo, mặc dù heo được áp dụng phương pháp gieo tinh nhân tạo (GTNT) bằng tinh tươi, nhưng nguồn tinh tươi được khai thác ngay tại chỗ và phải sử dụng trong thời gian ngắn (tối đa 7 ngày). Vì vậy, nếu con đực giống mang mần bệnh như virus gây dịch tả heo Châu Phi, virus lở mồm long móng thì tinh tươi được khai thác sau đó đều có khả năng cao lây truyền mầm bệnh qua đường GTNT (Bảng 1). Đây là một trong những nguyên nhân làm giảm số lượng con giống và khiến nguồn cung cấp con giống cho tái đàn khan hiếm.

nqhuy

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 58, Số Chuyên đề SDMD (2022): 104-114
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ