SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá thực trạng lao động và hiệu quả công tác đào tạo nghề nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long

[12/12/2022 08:59]

Trong tiến trình phát triển nông thôn, vấn đề lao động, đào tạo nghề và cải thiện thu nhập là các vấn đề đã và đang được quan tâm. Vì vậy, phân tích đánh giá thực trạng lao động và hiệu quả đào tạo nghề nông thôn nhằm tổng kết kinh nghiệm và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nghề nông thôn.

Số liệu sơ cấp từ phỏng vấn các chuyên gia, lãnh đạo ban điều phối dự án đào tạo nghề nông thôn, cùng với 1.540 người lao động tham gia và chưa tham gia các lớp đào tạo nghề nông thôn của 11/13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong 3 năm 2017- 2020. Kết quả nghiên cứu cho thấy có hơn 75% học viên đánh giá công tác đào tạo nghề có hiệu quả, thu nhập sau học nghề của học viên được nâng lên. Qua phân tích đã xác định được các yếu tố tác động tích cực, hạn chế đến hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn ĐBSCL. Nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo nghề nông thôn tại các tỉnh thành ĐBSCL.

Lao động, việc làm, đào tạo nghề là vấn đề đang được quan tâm ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Việt Nam là một quốc gia có truyền thống sản xuất nông nghiệp, lực lượng lao động nông thôn chiếm phần lớn trong tổng số lao động, tương ứng với 66,9% (Tổng cục Thống kê, 2020). Các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập là những yếu tố đã và đang được quan tâm thực hiện nhằm góp phần cho công cuộc phát triển nâng cao dân trí, kỹ năng tay nghề, chuyên môn cho người dân. Chính vì vậy, chính sách đào tạo nghề nông thôn và tạo việc làm nhằm nâng cao thu nhập góp phần ổn định xã hội và phát triển kinh tế địa phương là rất cần thiết (Phương, 2018).

Trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước ta luôn xem con người là yếu tố đặc biệt quan trọng, nên đã không ngừng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đề ra ở từng thời kỳ (Nghị quyết 45-NQ/TW. 2005 của Bộ Chính trị, 2005). Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất là lực lượng lao động hiện nay của Việt Nam tuy đông nhưng về chất lượng nhìn chung còn thấp, chất lượng nguồn lao động thấp thể hiện ở khả năng làm việc bị hạn chế do tay nghề, năng suất lao động, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng làm việc còn thấp. Chất lượng lao động luôn liên quan đến việc làm và sự tuyển dụng của doanh nghiệp. Một tỷ lệ lớn lao động chưa qua đào tạo nghề, không đáp ứng thị trường lao động có xu hướng cần công nhân làm việc có kỹ thuật, tay nghề cao (Thành và ctv., 2014).

Thực chất, lực lượng lao động nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với số lực lượng lao động năm 2020 là 9.9 triệu người (Tổng cục Thống kê, 2020), đây là nguồn lực dồi dào cho sự phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và sự phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động đáp ứng nhu cầu việc làm tay nghề còn thấp chỉ đạt 21% (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, 2020). Vì vậy, nghiên cứu này, trên cơ sở phân tích, tổng hợp các thông tin và nghiên cứu liên quan đã công bố trong thời gian qua tại vùng ĐBSCL để rút những bài học kinh nghiệm, định hướng trong việc nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần chuyên dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, xây dựng thành công nông thôn mới, phục vụ sự nghiêp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiêp, nông thôn, cải thiện thu nhập và đời sống của người dân vùng ĐBSCL.

nqhuy

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58, Số Chuyên đề SDMD (2022): 9-23
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ