SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hiện trạng khai thác và quản lý nghề lưới kéo ở đồng bằng sông Cửu Long

[12/12/2022 09:07]

Nghiên cứu hiện trạng khai thác và quản lý nghề lưới kéo ở Đồng bằng sông Cửu Long được thực hiện từ tháng 1 năm 2020 đến tháng 5 năm 2021 tại 4 tỉnh ven biển là Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.

Số liệu được thu thập thông qua phỏng vấn trực tiếp 223 chủ tàu khai thác lưới kéo đơn có chiều dài tàu từ 6 m đến dưới 15 m. Kết quả nghiên cứu cho thấy thời gian khai thác của tàu lưới kéo đơn là rải đều quanh năm. Sản lượng khai thác của tàu lưới kéo đơn trung bình là 581,8 kg/chuyến với thời gian đánh bắt mỗi chuyến khoảng 3,3 ngày. Chi phí của tàu lưới kéo đơn cho mỗi chuyến khoảng 11,8 triệu đồng và thu lợi nhuận bình quân 8,1 triệu đồng với tỷ suất lợi nhuận là 0,9 lần. Nghề lưới kéo sử dụng loại ngư cụ có tính chọn lọc thấp nên được quan tâm quản lý bởi hệ thống văn bản pháp lý từ trung ương đến địa phương. Một số giải pháp quản lý nghề lưới kéo là có lộ trình về giảm số lượng tàu nghề lưới kéo; hài hòa giữa sinh kế của ngư dân và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tăng cường công tác kiểm tra và tuyên truyền về chính sách và quy định của nhà nước về hoạt động khai thác thủy sản; và hỗ trợ ngư dân nghề lưới kéo chuyển đổi nghề.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng vai trò cung cấp hơn 38,4% tổng sản lượng thủy sản khai thác tự nhiên của Việt Nam, trong đó sản lượng hải sản là 26,1% (Tổng cục Thống kê Việt Nam, 2021). Quy mô khai thác thủy sản ở ĐBSCL là quy mô nhỏ, chiếm khoảng 53,3% tổng số tàu đánh cá. Ngoài ra, thu nhập của hộ ngư dân khai thác được tích lũy chính từ hoạt động khai thác thủy sản với hơn 80% tổng thu nhập của hộ (Hiền và ctv., 2019). Nghề lưới kéo ở ĐBSCLlà một trong những nghề khai thác thủy sản phổ biến, có thể phân thành hai loại là nghề lưới kéo đơn và lưới kéo đôi (Long và ctv., 2019). Lưới kéo đơn hay còn gọi là nghề lưới kéo một tàu, lưới được mở ngang bằng hai ván lưới và ngư trường khai thác là vùng ven bờ và vùng lộng (vùng biển ven bờ) và vùng khơi (vùng biển xa bờ). Lưới kéo đôi là nghề lưới kéo hai tàu kéo một lưới và ngư trường khai thác chủ yếu là vùng khơi. Nghề lưới kéo được đánh giá là nghề có tính chọn lọc thấp, do khai thác đa dạng thành phần loài và kích cỡ thủy sản. Lưới kéo khai thác chủ yếu các loài thủy sản sống ở tầng đáy và tầng gần đáy biển. Định hướng phát triển ngành khai thác thủy sản các tỉnh ven biển ở ĐBSCL đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 là tổ chức lại sản xuất khai thác hải sản trên biển, đặc biệt là hạn chế áp lực khai thác vùng biển ven bờ và tăng khả năng khai thác vùng biển xa bờ. Viện Nghiên cứu Hải sản (2018) thống kê tổng trữ lượng nguồn lợi hải sản ở vùng biển Việt Nam giảm 13,9% từ năm 2000 đến năm 2014 và phần lớn sự giảm trữ lượng ở nhóm hải sản tầng đáy biển (41,7%). Hạn chế nghề khai thác hải sản ở tầng đáy và gần đáy biển (ví dụ nghề lưới kéo) là chính sách được quan tâm ở các tỉnh ven biển ở ĐBSCL. Các tỉnh này đã và đang thực hiện theo chiến lược phát triển chung của ngành và quan tâm đến vấn đề chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Bạc Liêu (2020) thống kê tốc độ giảm bình quân số lượng tàu khai thác thủy sản ven bờ là 1,1%/năm và tăng bình quân số lượng tàu xa bờ là 1,6%/năm trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020. Tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh có tốc độ khai thác thủy sản tăng bình quân 2,03%/năm và 4,77%/năm tương ứng giai đoạn 2021 - 2030, giảm khoảng 3%/năm và 5%/năm so với giai đoạn 2016 - 2020 (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn [NNPTNT] tỉnh Sóc Trăng, 2016; Sở NNPTN tỉnh Trà Vinh, 2017). Nhìn chung, sự thay đổi cơ cấu về quy mô khai thác có xu hướng là số lượng tàu khai thác công suất nhỏ giảm, phù hợp với chủ trương giảm số lượng tàu khai thác ven bờ và phát triển số lượng tàu khai thác thủy sản vùng xa bờ. Tuy nhiên, một trong những áp lực lớn cho các sở ban ngành của địa phương là chưa có chính sách hỗ trợ và kinh phí đầu tư chuyển đổi nghề khai thác, tạo sinh kế thay thế một số nghề khai thác thủy sản vùng ven bờ (Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu, 2020). Khó khăn này có thể làm giảm hiệu quả của chính sách tổ chức lại sản xuất khai thác trên biển. Mặt khác, nghề lưới kéo vẫn thu hút ngư dân tham gia khai thác, đặc biệt là các tàu khai thác vùng ven bờ, do mức đầu tư phù hợp nguồn tài chính của ngư dân. Một số ngư dân chấp nhận lựa chọn nghề này làm sinh kế với hình thức trái phép. Chính những lý do trên nghiên cứu để tìm hiểu về hiện trạng khai thác và quản lý nghề lưới kéo ở ĐBSCL là rất cần thiết. Mục tiêu của nghiên cứu là đề xuất một số giải pháp góp phần quản lý nghề lưới kéo ở ĐBSCL.

nqhuy

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58, Số Chuyên đề SDMD (2022): 142-150
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài