SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Định hướng phát triển tiêu chuẩn quốc gia thành tiêu chuẩn quốc tế

[15/12/2022 09:16]

Ngày 14/12, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) tổ chức Hội thảo về định hướng phát triển tiêu chuẩn quốc gia thành tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tham dự và phát biểu với hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, Hội thảo được tổ chức với mong muốn có thêm những thông tin, kiến thức để thúc đẩy tiêu chuẩn của Việt Nam đạt được đến trình độ quốc tế và có thể tham gia sâu rộng vào hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Khôi – Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn trình bày tham luận tại Hội thảo. 

“Góc nhìn về tiêu chuẩn cần đẩy lên một tầm nhìn mới, cần tăng thêm sự hấp dẫn, tăng thêm động lực kinh tế, và việc tham gia vào hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế là một trong những lĩnh vực trọng tâm, là một trong những giải pháp mà chúng ta có khả năng thực hiện được nhất. Mặc dù làm được việc này không hề dễ bởi chúng ta thiếu thốn về năng lực, về kinh phí, về sự quan tâm, hào hứng tham gia của mọi người, bên cạnh đó chưa tạo được điều kiện, môi trường chính sách để doanh nghiệp, tổ chức hào hứng xây dựng tiêu chuẩn hóa quốc tế”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Khôi - Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn đã có bài tham luận về xây dựng tiêu chuẩn quốc tế - Quy định và thực tiễn một số quốc gia. Theo ông Khôi, trong 60 năm qua hoạt động tiêu chuẩn trong nước đã có những bước tiến hoàn thiện, tuy nhiên hoạt động tham gia một cách thiết thực vào quốc tế vẫn còn rất nhiều hạn chế. Hiện nay Việt Nam đang tham gia vào một số các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, khu vực như ISO, IEC, APEC, ASEAN, PASC…trong đó, có hai tổ chức nổi bật mà Việt Nam đại diện là ISO và IEC. Việt Nam chủ yếu tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc tế thông qua các cuộc họp trực tuyến, góp ý và bỏ phiếu các dự thảo TCQT. Cụ thể, năm 2020, Việt Nam đã góp ý 230 tiêu chuẩn ISO, IEC; Năm 2021 góp ý 220 tiêu chuẩn ISO, IEC; Năm 2022 góp ý 308 tiêu chuẩn ISO, IEC.

Cũng theo ông Khôi, trong thời gian qua, được sự quan tâm của cấp trên, những vấn đề về tiêu chuẩn được đẩy lên, hoạt động tham gia tiêu chuẩn quốc tế được triển khai một cách tích cực, cụ thể là một số Ban kỹ thuật của Tổng cục TCĐLCL đã tham gia được vào quốc tế thông qua hình thức trực tuyến. Như vậy, việc tiếp cận sâu rộng với quốc tế sẽ mang lại hiệu quả cho các chuyên gia trong nước có thể khai thác, triển khai được các tiêu chuẩn quốc tế một cách hiệu quả.

Liên quan đến Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia 2030, ông Khôi cho biết, chiến lược với mục tiêu đẩy mạnh tham gia thực chất các Ban Kỹ thuật của ISO, IEC, Codex. Bên cạnh đó, tăng cường nguồn nhân lực, chuyên gia tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc tế (4-6 chuyên gia) và chủ trì xây dựng 3-5 tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Khôi cũng đưa ra khuyến nghị, định hướng đẩy mạnh tham gia vào tiêu chuẩn hóa quốc tế cần xây dựng Chương trình, kế hoạch cụ thể, thiết thực về nguồn nhân lực: chuyên gia Ban kỹ thuật TCVN, tổ chức, doanh nghiệp. Về nguồn tài chính: hỗ trợ chuyên gia họp BKT ISO, IEC; tổ chức các cuộc họp; nghiên cứu chuyên sâu lĩnh vực tiêu chuẩn quốc tế liên quan; Hợp tác quốc tế (APEC, ASEAN, PACS…) để vận động ủng hộ của các thành viên ISO, IEC; Tổ chức các Chương trình đào tạo nâng cao năng lực cơ quan tiêu chuẩn hóa (Nâng cao năng lực, nghiệp vụ, kỹ năng, quy trình xây dựng tiêu chuẩn quốc tế).

Cũng tại Hội thảo, ông Phùng Mạnh Trường – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam đã có những chia sẻ về thực trạng và giải pháp thúc đẩy việc tham gia và xây dựng tiêu chuẩn quốc tế của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc tế có những thuận lợi như TCVN xây dựng theo phương pháp ban kỹ thuật, tuân thủ theo quy trình hướng dẫn của ISO/IEC, bên cạnh đó, thành viên BKT đều được đào tạo nghiệp vụ TCH, trong đó có xây dựng TCQT; nhiều thành viên trực tiếp tham gia các cuộc họp, góp ý TCQT, ngoài ra việc tham gia thành viên P tại ISO và IEC tạo thuận lợi cho cập nhật thông tin, định hướng, đầu vào cho kế hoạch xây dựng TCVN.

Bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam gặp không ít những khó khăn như chưa có định hướng chiến lược TCH và các văn bản QPPL chưa quy định cụ thể về hoạt động tham gia xây dựng TCQT; Tham gia xây dựng TCQT của Việt Nam chủ yếu dừng lại ở việc góp ý các dự thảo tiêu chuẩn ISO, IEC; Phần lớn thành viên BKT còn đương chức, kiêm nhiệm … nên hạn chế về thời gian; Các Bộ, ngành, tổ chức, DN, chuyên gia chưa thực sự chú trọng tham gia sâu vào hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế; Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam còn thiếu đội ngũ Thư ký BKT có khả năng tham gia và điều hành hoạt động xây dựng TCQT; Hạn chế về tiếng Anh; Chưa có kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động tham gia và xây dựng TCQT; Chưa có quy định cụ thể về quyền lợi, cơ chế đãi ngộ đối với thành viên BKT; Các chuyên gia tham gia chủ yếu là do sự nhiệt tình, tự học hỏi và nhu cầu của cá nhân; Có sự cạnh tranh và lợi ích quốc gia của các nước khi tham gia vào hoạt động TCH quốc tế.

Ông Phùng Mạnh Trường – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo

Trước những thuận lợi và khó khăn, ông Trường cũng đưa ra những giải pháp pháp trung và dài hạn để thúc đẩy việc tham gia và xây dựng tiêu chuẩn quốc tế của Việt Nam, trong đó, thứ nhất là sửa đổi Luật TCQCKT và xây dựng Chiến lược TCH cần chú trọng đến: Tham gia hoạt động TCH quốc tế và khu vực, tham gia vào các hoạt động BKT và xây dựng TCQT, gắn kết với định hướng chiến lược của quốc gia, của các bộ, ngành và địa phương; Có cơ chế và quy định cụ thể về tham gia hoạt động TCH quốc tế và khu vực, tham gia vào các hoạt động BKT và xây dựng TCQT; Xây dựng chiến lược dài hạn về nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các BKT TCVN về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng và ngoại ngữ, nhất là cho đội ngũ trưởng ban, thư ký BKT; Lựa chọn những lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng, lợi thế xuất khẩu, SPHH chủ lực để thúc đẩy các BKT tham gia vào hoạt động BKT TCQT, trực tiếp đề xuất các dự án xây dựng TCQT; Tập trung đầu tư nghiên cứu tiền khả thi cho các đối tượng TCH mà Việt Nam có tiềm năng; Tăng cường HTQT để thúc đẩy các hoạt động đào tạo, tổ chức hội nghị, hội thảo, triển khai các dự án trong và ngoài nước; tận dụng sự hỗ trợ của các tổ chức TCH quốc tế, khu vực và các nước; Huy động sự tham gia, đóng góp nguồn lực từ các bộ, ngành, tổ chức, cơ quan, trường đại học, viện nghiên cứu, DN tham gia vào BKT và góp ý, xây dựng TCQ.

Thứ hai là xây dựng đề án thúc đẩy đề xuất xây dựng TCQT giai đoạn đến năm 2035: Giai đoạn 2023 – 2025: Đề xuất 01 dự án XD TCQT về găng tay cao su y tế sử dụng 1 lần không protein thuộc BKT ISO/TC 45 Cao su và sản phẩm cao su; Giai đoạn: 2026 – 2035:Đề xuất 3 – 5 dự án xây dựng TCQT, tập trung vào nông thủy sản, thực phẩm; cao su và sản phẩm cao su (cả xây dựng mới và soát xét); thủ công mỹ nghệ (mây, tre, gỗ …); vật liệu dệt từ tre, gai …Có từ 2 – 3 Ban KT ISO mà Việt Nam giữ vai trò Thư ký BKT, Chủ tịch BKT.

Tại Hội thảo các đại biểu, chuyên gia cũng đã có những chia sẻ, giải đáp những khúc mắc, khó khăn và đưa ra những định hướng cũng như giải pháp cho việc phát triển tiêu chuẩn quốc gia thành tiêu chuẩn quốc tế.

Hà My

www.vietq.vn (nhnhanh)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ