SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hà Nội cấp 12.802 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản

[06/06/2023 09:38]

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Hà Nội, “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm thành phố Hà Nội” đã cấp 12.802 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

 Hà Nội cấp 12.802 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Ảnh minh họa

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Hà Nội cho biết, hiện tại, thành phố Hà Nội vẫn duy trì “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm thành phố Hà Nội”. Lũy kế đến nay, hệ thống đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 3.346 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm, thủy sản. Theo đó, đã cấp 12.802 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống.

Ngoài ra, Hà Nội cũng duy trì, phát triển, tích hợp hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn, vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố trên Hệ thống phần mềm ứng dụng nền tảng công nghệ GIS ứng dụng quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm sản, nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm. Duy trì và mở rộng Hệ thống quản lý dữ liệu tự công bố sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Hà Nội, việc xây dựng, phát triển hệ thống thông tin điện tử mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm đã tạo điều kiện thuận lợi không chỉ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất trong quá trình sản xuất, mà người tiêu cùng cũng được hưởng lợi.

Chị Nguyễn Thị Hường, phường Quang Trung (quận Hà Đông) cho biết: “Kể từ khi cơ quan chức năng thành phố triển khai hệ thống thông tin điện tử mã QR truy xuất nguồn gốc, tôi đến các điểm bán nông sản “sạch” đều yên tâm, bởi những mặt hàng được kiểm tra về chất lượng bằng điện thoại thông minh (Smartphone) nên biết rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm”. Theo chị Hường, cần có thêm nhiều điểm được ứng dụng nữa để người dân có thể dễ dàng tiếp cận nông sản sạch.

Đồng quan điểm trên, chị Nguyễn Thị Mai, phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) cho rằng, việc cơ quan chức năng thành phố triển hệ thống thông tin điện tử mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản là một trong những biện pháp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo chị Mai, nhiều sản phẩm nông sản được bày bán ở siêu thị, trung tâm thương mại, chợ được dán tem, người tiêu dùng dễ dàng có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm bằng điện thoại thông minh từ nơi sản xuất, chế biến, lưu thông tiêu thụ sản phẩm, tránh mua phải hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn sản phẩm trà trộn trên thị trường.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội, việc duy trì, phát triển hệ thống thông tin điện tử mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm là một trong những giải pháp hữu hiệu để kiểm soát, quản trị dòng sản phẩm, thống kê nghiên cứu thị trường, phát triển thương mại điện tử kết nối cung - cầu. Quan trọng hơn là bảo vệ người tiêu dùng thông qua ứng dụng công nghệ quét mã sản phẩm.

Dù đạt được những kết quả tích cực, song quá trình duy trì, phát triển hệ thống thông tin điện tử mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm trên địa bàn thành phố vẫn gặp một số khó khăn. Thứ nhất, hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc hiện chưa cụ thể, chưa bắt buộc. Tiếp đến, việc tuyên truyền tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản và đăng ký QR cho sản phẩm của doanh nghiệp gặp khó khăn do các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chưa nhận thức được những lợi ích, hiệu quả việc này. Mặt khác, nông sản thực phẩm chủ yếu được tiêu thụ qua các phương thức truyền thống thông qua chợ đầu mối, chợ dân sinh… Trong khi đó thói quen tiêu dùng của người dân, chưa quan tâm nhiều đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm nên chưa thúc đẩy mạnh việc ứng dụng thông tin điện tử mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, để tiếp tục làm tốt hơn nữa về truy xuất nguồn gốc, ngoài việc tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục hỗ trợ ứng dụng phần mềm hệ thống thông tin điện tử bằng mã QR truy xuất nguồn gốc bảo đảm nông sản thực phẩm an toàn sản xuất theo chuỗi, tập trung vào sản phẩm nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm như rau, thịt, thủy sản, gồm các nội dung: Xây dựng quy định và thiết lập mã số định danh đối với các cơ sở trong chuỗi nông sản thực phẩm an toàn; hỗ trợ thiết bị truy xuất công cộng tại các điểm kinh doanh nông sản thực phẩm. Đồng thời, tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho người sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh, người tiêu dùng…

Phối hợp với các địa phương mở rộng sản xuất tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với các tỉnh, thành phố phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn cho thành phố, lấy mẫu giám sát thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên diện rộng; thanh tra đột xuất, xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm trên thị trường.

www.vietq.vn (nttvy)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài