Việt Nam cần Đầu tư bài bản vào công nghệ lõi và hệ sinh thái khởi nghiệp
“Việt Nam cần một chiến lược quốc gia rõ ràng, đầu tư trọng điểm vào các công nghệ lõi như AI, sinh học, tài chính số. Cùng với đó là chiến lược "Chính phủ dẫn dắt – tư nhân phát triển", có các quỹ chính phủ và chính phủ làm khách hàng lớn ứng dụng công nghệ lõi, chiến lược đầu tiên”.

Chiều 19/5 tại Hà Nội, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức hội thảo “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo – Bài học từ kinh nghiệm quốc tế”.
Tại hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cho rằng: muốn đạt được sự phát triển vượt bậc như các nước tiên tiến, Việt Nam cần thay đổi tư duy căn bản, đặc biệt là về văn hóa đổi mới sáng tạo. “Nếu không chấp nhận cái mới, không chấp nhận thất bại trong quá trình thử nghiệm, chúng ta sẽ không thể phát triển công nghệ cao”, ông Tích nhấn mạnh.
Việt Nam cần xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia toàn diện, trong đó có sự tham gia tích cực của các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức tài trợ công nghệ, tổ chức sở hữu trí tuệ và các sàn giao dịch công nghệ...
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đặt ra nhiều ý kiến, vấn đề thảo luận, tìm kiếm các giải pháp nhằm Triển khai Nghị quyết 57 như một cuộc 'chạy đua' thực sự để không lỡ nhịp bứt phá.
Đầu tư bài bản vào công nghệ lõi và hệ sinh thái khởi nghiệp
Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam chia sẻ nhiều ví dụ quốc tế cho thấy vai trò then chốt của KH&CN trong việc định hình vị thế quốc gia. Ông đánh giá cao cách Hàn Quốc đầu tư bài bản vào R&D thông qua các Chaebol và viện nghiên cứu quốc gia.
Singapore cũng là một hình mẫu thành công với chiến lược “Quốc gia thông minh”, tích hợp công nghệ số và đổi mới sáng tạo trong mọi lĩnh vực từ giáo dục đến đô thị và dịch vụ công. Trung Quốc đầu tư mạnh vào các công nghệ mũi nhọn như AI, 5G, siêu máy tính, y sinh và robot – kết hợp chính sách thu hút nhân tài và phát triển tài chính đổi mới sáng tạo.
Từ đó, GS. TS Nguyễn Thanh Thủy kiến nghị Việt Nam cần một chiến lược quốc gia rõ ràng, đầu tư trọng điểm vào các công nghệ lõi như AI, sinh học, tài chính số. Cùng với đó là chiến lược "Chính phủ dẫn dắt – tư nhân phát triển", có các quỹ chính phủ và chính phủ làm khách hàng lớn ứng dụng công nghệ lõi, chiến lược đầu tiên.
GS. TS Nguyễn Thanh Thủy cũng đề xuất xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đa tầng – bao gồm vườn ươm, quỹ đầu tư, chính sách thuế, hạ tầng và chuyên gia. Cần có chương trình quy mô quốc gia như “K-Startup Grand Challenge” của Hàn Quốc, triển khai sandbox công nghệ và tăng cường liên kết đại học – doanh nghiệp – nhà nước trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu...
htquyen (TH)
https://baochinhphu.vn/trien-khai-nghi-quyet-57-can-mot-cuoc-chay-dua-thuc-su-de-khong-lo-nhip-but-pha-102250519102001217.htm