SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thanh tra chuyên đề đồ chơi trẻ em: 40% cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ chơi trẻ em có vi phạm

[04/12/2013 09:12]

Sau 2 tháng triển khai (tháng 8 và 9/2013), cuộc thanh tra chuyên đề về đồ chơi trẻ em năm 2013 đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 672 cơ sở. Con số trên được đưa ra trong báo cáo tổng kết thanh tra chuyên đề về đồ chơi trẻ em của Thanh tra Bộ KH&CN mới đây.

Lực lượng chức năng kiểm tra xuất xứ đồ chơi trẻ em

Chủ yếu vi phạm về nhãn hàng hóa

Trước tình trạng thị trường đồ chơi trẻ em vẫn tồn tại nhiều mặt hàng không đảm bảo chất lượng, không phù hợp và thiếu tính giáo dục, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ, trong khi nhận thức về pháp luật cũng như ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng này còn nhiều hạn chế. Nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng và sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh, Bộ KH&CN đã chỉ đạo các lực lượng trong toàn ngành tiến hành cuộc thanh tra diện rộng chuyên đề trong lĩnh vực KH&CN năm 2013 về nội dung thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, chất lượng, sở hữu công nghiệp và nhãn hàng hóa đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, buôn bán đồ chơi trẻ em.

Theo số liệu của Thanh tra Bộ KH&CN cho biết, tính đến ngày 10/10, tổng số cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em được thanh tra là 1708 cơ sở, trong đó số cơ sở sản xuất đồ chơi trẻ em là 41 cơ sở, số cơ sở nhập khẩu là 18 và số cơ sở buôn bán 1649 cơ sở. Trong số 1649 cơ sở buôn bán đồ chơi trẻ em có 94 siêu thị và nhà phân phối đồ chơi trẻ em, 1555 cơ sở là buôn bán nhỏ lẻ. Tính trung bình mỗi địa phương thanh tra được xấp xỉ 28 cơ sở. Một số địa phương thanh tra được nhiều cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em trên địa bàn quản lý như Long An Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Phúc, Vĩnh Long, Sơn La, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Thừa Thiên-Huế.

Qua Cuộc thanh tra, số cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em bị xử phạt vi phạm hành chính là 672 cơ sở (chiếm tỷ lệ 39,3% số cơ sở được thanh tra) với tổng số tiền phạt là 434.790.000 đồng. Ngoài áp dụng hình thức xử phạt chính bằng tiền, cơ quan thanh tra đã áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đối với các cơ sở vi phạm: tịch thu tiêu hủy; đình chỉ lưu thông đồ chơi là tang vật vi phạm hành chính, buộc khắc phục nhãn hàng hóa đúng theo quy định trước khi cho lưu thông trở lại,…

Theo ông Trần Minh Dũng – Chánh Thanh tra Bộ KH&CN, qua đợt thanh tra cho thấy các vi phạm chủ yếu là về nhãn hàng hóa, phổ biến ở nhiều địa phương như: đồ chơi không có nhãn hàng hóa; đồ chơi có nhãn hàng hóa bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt hoặc có nhãn phụ nhưng nhãn phụ có kích thước quá nhỏ khó đọc được thông tin trên nhãn bằng mắt thường; có nhãn hàng hóa nhưng nội dung trên nhãn không đủ, không đúng theo quy định…

Ngoài các hành vi vi phạm về tiêu chuẩn, chất lượng, nhãn hàng hóa kể trên, qua thanh tra, cơ quan thanh tra đã phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm khác như buôn bán hàng hóa (là đồ chơi trẻ em) nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, các loại đồ chơi gây nguy hiểm, mang tính bạo lực, thiếu tính giáo dục. Có 32 địa phương phát hiện và xử lý hành vi buôn bán các loại đồ chơi bạo lực và gây nguy hiểm như là các loại súng bắn đạn nhựa, súng bắn nước, đao, dao, kiếm, các loại côn, que, gậy (chiến đấu), siêu nhân kiếm, siêu nhân côn, Nin-ja với bao tay và mặt nạ đi kèm...

Cuộc thanh tra chuyên đề năm 2013 đã phát hiện tuy không nhiều, tình trạng cơ sở sản xuất ghi chỉ dẫn quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; hàng hóa mang dấu hiệu chỉ dẫn sở hữu công nghiệp trên nhãn hàng hóa nhưng không xuất trình được tài liệu về quyền sở hữu công nghiệp cho Đoàn thanh tra nhưng các đoàn đã kịp thời chấn chỉnh các cơ sở thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong kinh doanh đồ chơi trẻ em

Cũng theo ông Dũng, cuộc thanh tra chuyên đề đã ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, chất lượng, sở hữu công nghiệp và nhãn hàng hóa của tổ chức, cá nhân kinh doanh đồ chơi trẻ em; phát hiện và xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần lập lại kỷ cương pháp luật. 

Cuộc thanh tra chuyên đề năm 2013 một lần nữa khẳng định sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực KH&CN từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước được phân cấp, nâng cao hiệu lực quản lý của ngành. Mặc dù đồ chơi trẻ em là mặt hàng có tính chất hết sức đặc thù như chủng loại đa dạng phức tạp, chủ thể kinh doanh chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ, số lượng ít..., hệ thống văn bản quản lý có những thay đổi và còn nhiều quy định chưa phù hợp, song do sự nỗ lực cố gắng khắc phục khó khăn của các ngành tại địa phương, đặc biệt là của Sở KH&CN và sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, đã góp phần tạo nên kết quả tích cực đáng ghi nhận của cuộc thanh tra chuyên đề năm 2013.

IMG_0682.JPG

Cuộc thanh tra chuyên đề năm 2013 đã phần nào đáp ứng sự đòi hỏi của người tiêu dùng

Cuộc thanh tra chuyên đề năm 2013 đã đáp ứng sự đòi hỏi của người tiêu dùng, được đông đảo nhân dân đánh giá cao và đồng tình ủng hộ. Qua Cuộc thanh tra cũng cho thấy việc tăng cường kiểm soát chất lượng an toàn đồ chơi trẻ em được các bậc cha mẹ đồng tình ủng hộ, coi đó là sự quan tâm của nhà nước đến thế hệ tương lai. Qua thanh tra, kiểm tra đồ chơi trẻ em cũng giúp cho nhà sản xuất và kinh doanh nhận thức được ý nghĩa và yêu cầu việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục trẻ nhỏ qua đồ chơi trẻ em, từ đó có những điều chỉnh để thực hiện tốt quy định về chất lượng, an toàn đồ chơi phục vụ tốt hơn cho đối tượng tiêu dùng là trẻ nhỏ.

truyenthongkhoahoc.vn (ntctu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ