Cận cảnh quy trình sản xuất bột than tre để làm thuốc... chữa ung thư
Tại xưởng sản xuất tre, nứa thậm chí là gỗ các loại đều được đốt thành than. Sau đó tán mịn thành bột than, đổ vào các viên nhộng, dán mác thành thuốc trị bệnh ung thư với giá bán lên đến tiền triệu.
Biển tên của công ty được đặt ở cuối con mương. Ảnh Vietnamnet
Theo báo Vietnamnet thông tin, chiều 9/4, Sở Y tế Hải Phòng bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất của công ty TNHH Hồng An Phong, chứng kiến công nghệ sản xuất nhiên liệu thuốc chữa ung thư, thực phẩm chức năng giả tại huyện An Dương, Hải Phòng.
Nằm cuối con mương, sát khu công nghiệp Tràng Duệ, tên công ty được treo 1 tấm biển nhỏ ghi “Tập đoàn Vinaca - công ty TNHH Hồng An Phong”.
Khi vào bên trong kiểm tra, nhà xưởng chứa đầy tre, nứa khô và củi không rõ chủng loại, không rõ nguồn gốc xuất xứ cùng rất nhiều thùng nhựa màu xanh bịt kín, hàng chục bao tải chứa than. Tại thời điểm kiểm tra có hơn 10 công nhân đang làm việc.
Công nhân chẻ tre, nứa, củi trên mặt bê tông bụi bẩm. Ảnh Vietnamnet
Tất cả các công việc như chặt nhỏ tre, chặt nhỏ củi, đem rửa nguyên liệu, phơi phóng đều được diễn ra trên mặt đường bê tông chứa đầy bụi bẩn.
Một công nhân làm tại xưởng cho biết, bà là người địa phương, tới đây làm công nhật. Công việc của bà là rửa sạch thanh tre rồi xếp lại thành đống.
Các công đoạn sơ chế nguyên liệu xong, toàn bộ số tre nứa đó được mang vào lò đốt thành than, để nguội, loại bỏ các tạp chất rồi đóng thành bao tải, mỗi bao khoảng 30 kg. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở có hàng chục bao tải than chất thành đống, bụi bẩn bám đầy.
Hàng chục bao than củi được chất đống. Ảnh Vietnamnet
Được biết, Công ty Hồng An Phong do ông Nguyễn Văn Tuấn làm giám đốc, mỗi tháng cơ sở này sản xuất hàng tấn than từ tre nứa. Từ 1 tấn tre nứa thô, cơ sở sản xuất ra khoảng 30kg than thành phẩm. Số than này sẽ được chuyển sang cơ sở chế biến, đóng gói thuốc chữa ung thư, thực phẩm chức năng liên quan đến thần kinh… đóng tại quận.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Tuấn không xuất trình được bất cứ giấy tờ pháp lý gì liên quan đến mặt hàng đang sản xuất. Ông Tuấn khai nhận, chỉ làm theo sự chỉ đạo của Vinaca, ông nhận công đoạn nghiền than thành bột mịn rồi chuyển qua cơ sở chỗ quận Kiến An, còn bên đó làm gì thì ông Tuấn không rõ.
Trước đó, ngày 9/4 Chất lượng Việt Nam Online (Viet Q.vn) thông tin, lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng và hóa mỹ phẩm do bà Đào Thị Chúc (trú phường Ngọc Sơn) làm chủ và phát hiện 10 công nhân dưới sự quản lý của bà Chúc, đang đổ bột than tre tán mịn vào ruột vỏ thuốc con nhộng, đóng gói bán ra thị trường để phục vụ bệnh nhân ung thư.
Công nhân đang đổ bột than vào những viên nhộng, dán nhãn trở thành viên thuốc đặc trị ung thư. Ảnh Vietnamnet
Các sản phẩm được sản xuất tại cơ sở này gồm: Vinaca Vi5 (loại 874ml), Vinaca ung thư CO3.2, Baby Vinaca Vi6, Vinaca Activated Carbon đa dụng, Vinaca vi lượng (nhỏ mũi), Vinaca đa dụng và một số chất bột cùng chất lỏng không nhãn mác khác.
Tại thời điểm kiểm tra, bà Chúc không xuất trình được giấy tờ, tài liệu và hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, hàng hóa.
Theo cơ quan chức năng, ông Tuấn không sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm, nhưng cho Nguyễn Xuân Thu, giám đốc công ty TNHH Vinaca và là chồng của bà Chúc mượn giấy tờ. Sau khi cho mượn giấy tờ, ông Tuấn nhận công đoạn đốt các loại tre nứa, củi để lấy tro và nghiền thành bột mịn cung cấp cho bà Chúc. Từ năm 2016-2017, ông Tuấn nhận được hơn 200 triệu đồng tiền công.
Theo tài liệu điều tra, các sản phẩm của công ty TNHH Vinaca đã được phân phối rộng rãi tại nhiều tỉnh thành trên cả nước theo hệ thống riêng. Các sản phẩm này đang được rao bán trên mạng và tại các cửa hàng với giá từ vài trăm đến vài triệu đồng/đơn thuốc.
Thuốc trị ung thư bằng bột than được rao bán trên thị trường. Ảnh Vietnamnet
Cũng theo VietNamNet, Sở Y tế Hải Phòng xác nhận, đã cấp giấy tiếp nhận công bố sản phẩm mỹ phẩm gồm: Vinaca Carbon đa dụng; tẩy mùi hôi cơ thể; ung thư Vi3, tẩy mùi hôi cơ thể Vi4; baby Vi6; tỉnh táo Vi7 lái xe, học tập căng thẳng, mệt mỏi cho công ty TNHH Hồng An Phong, có trụ sở tại xã Hồng Phong, huyện An Dương.
“Tuy nhiên, công ty Hồng An Phong chưa sản xuất các sản phẩm như đã đăng ký trên giấy cấp phép. Ngày 13/4 này, chúng tôi sẽ yêu cầu giám đốc công ty lên làm việc và xuất trình hồ sơ pháp lý cũng như mục đích sản xuất than tre nứa như đã bị bắt quả tang. Cơ quan chức năng đã phát hiện cơ sở của bà Chúc sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng giả là cơ sở trái phép. Việc cơ sở này mượn giấy phép của đơn vị khác sẽ không được pháp luật thừa nhận”, ông Sơn khẳng định.
Qua sự việc trên, cơ quan chức năng xác định đây là cơ sở có mối quan hệ trực tiếp với công ty Hồng An Phong.