Nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp.
Đề tài do nhóm tác giả Nguyễn Trọng Nhân (Khoa KHXH&NV, Trường Đại học Cần Thơ) và Lê Thông (Khoa Địa lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) thực hiện nhằm hiểu rõ tiềm năng và thực trạng phát triển loại hình du lịch này, từ đó đề xuất các định hướng và giải pháp để nâng cao khả năng hoạt động và góp phần bảo tồn tài nguyên môi trường du lịch, đồng thời đem lại lợi ích cho người dân địa phương.
Qua thời gian nghiên cứu nhóm tác giả kết luận sau:
Tràm Chim là một trong những Vườn quốc gia có nhiều lợi thế để phát
triển du lịch sinh thái. Vì nơi đây còn lưu giữ được gần như nguyên vẹn hệ sinh
thái đất ngập nước của vùng Đồng Tháp Mười cổ xưa nói riêng và vùng đồng bằng
sông Cửu Long nói chung. Ngoài ra, những cư dân vùng đệm Vườn quốc gia còn có những
nét sinh hoạt, văn hóa mang đậm sắc thái văn hóa của cư dân vùng lũ mà chỉ có
vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên mới có được.
Trong những năm qua, Ban quản lý đã tiến hành phát triển du lịch sinh
thái trong phạm vi Vườn quốc gia nhằm mục đích bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá
của vùng. Từ khi có hoạt động kinh doanh du lịch, nhiều đoàn khách đã đến đây
để tham quan, nghiên cứu, học tập. Trong tương lai, cần đẩy mạnh phát triển du
lịch sinh thái ở Vườn quốc gia để cung cấp nguồn tài chính phục vụ cho công tác
bảo tồn và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.
Các hoạt động liên quan đến giáo dục môi trường cho du khách và người
dân địa phương ở Vườn quốc gia trong những năm qua đã được thực hiện thông qua
Trung tâm du khách và những nhân viên trong Ban du lịch. Tuy nhiên, vẫn còn
nhiều vấn đề tồn tại cần phải được khắc phục nhằm phát huy tối đa vai trò của
giáo dục môi trường trong việc hình thành thái độ, trách nhiệm của du khách và
dân cư địa phương đối với tài nguyên và
môi trường du lịch.
Du lịch ở vườn quốc gia Tràm Chim là du lịch thiên nhiên mang màu sắc du
lịch sinh thái chứ chưa phải là du lịch sinh thái đích thực. Đây là điểm chung
cho tất cả các vườn quốc gia ở Việt Nam trong thời điểm hiện nay. Do đó,
Ban quản lý và điều hành du lịch ở Vườn quốc gia Tràm Chim cần nghiên cứu kỹ cơ
sở lý luận và thực tiễn về du lịch sinh thái trên thế giới cũng như ở Việt Nam để
vận dụng vào phát triển du lịch ở Tràm Chim theo hướng du lịch sinh thái đích
thực sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho công tác bảo tồn tài nguyên và vì sự
phát triển của cộng đồng địa phương.
Tạp chí Khoa học 2011:18a, Trường Đại học Cần Thơ