SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đẩy mạnh xây dựng TCVN về kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực thủy sản

[26/04/2023 14:38]

Nhằm thúc đẩy thương mại hoá sản phẩm, phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực thuỷ sản, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã giao Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F11 Thuỷ sản và sản phẩm thuỷ sản phối hợp với các Bộ ngành, doanh nghiệp liên quan xây dựng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về Chitosan có nguồn gốc từ tôm và Protein tôm thuỷ phân.

Chitosan được sản xuất từ các phụ phẩm của ngành chế biến thuỷ sản (đặc biệt là ngành chế biến tôm) có ứng dụng rộng rãi. Ảnh minh họa. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm, Việt Nam nuôi và khai thác hơn 6 triệu tấn thủy sản, trong đó tôm chiếm lượng lớn và tiếp tục gia tăng theo định hướng xây dựng ngành thủy sản trở thành mũi nhọn kinh tế của Chính phủ.

Tuy nhiên, do công nghệ xử lý thủy sản còn hạn chế nên thành phẩm cuối chủ yếu là sản phẩm đông lạnh hoặc có hàm lượng chế biến thấp, trong khi lượng phụ phẩm phải thải bỏ trong quá trình sản xuất còn khá cao với tỷ lệ khoảng 35% – 60%, tương đương hơn 2 triệu tấn phụ phẩm thủy hải sản mỗi năm, trong đó có khoảng 250 tấn phụ phẩm tôm.

Phần lớn phụ phẩm bị thải loại trực tiếp vào môi trường, chỉ khoảng 33% được sử dụng để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp như phân bón, thức ăn chăn nuôi và khoảng 7% được tận thu để phát triển các dòng có giá trị gia tăng cao như thực phẩm, dược phẩm.

Phụ phẩm thủy hải sản nói chung và phụ phẩm tôm nói riêng có rất nhiều chất dinh dưỡng để khai thác như đạm (55%), chitin (9%), khoáng (22%), béo (12%),... Nếu các dưỡng chất được chiết xuất tối ưu và bảo toàn hoạt tính, thành phẩm cuối cùng sẽ có giá trị cao và ứng dụng cho nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau.

Chitosan được sản xuất từ các phụ phẩm của ngành chế biến thuỷ sản (đặc biệt là ngành chế biến tôm) có ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp, công nghiệp sơn, sản xuất rượu vang, y học... Protein tôm thuỷ phân được sử dụng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu cho phân bón.

Với ứng dụng rộng rãi nêu trên, việc sản xuất Chitosan và Protein tôm thuỷ phân từ các phụ phẩm của ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản (đặc biệt là ngành chế biến tôm) được nhiều doanh nghiệp quan tâm, sản xuất. Việc đó đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, giảm ô nhiễm môi trường do các nhà máy chế biến thuỷ sản gây ra.

Nhằm thúc đẩy thương mại hoá sản phẩm, phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực thuỷ sản, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã giao Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F11 Thuỷ sản và sản phẩm thuỷ sản phối hợp với các Bộ ngành, doanh nghiệp liên quan xây dựng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về Chitosan có nguồn gốc từ tôm và Protein tôm thuỷ phân.

Ngày 03/03/2023, Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký Quyết định công bố 02 TCVN: (1) TCVN 13658:2023 Chitosan có nguồn gốc từ tôm - Các yêu cầu; (2) TCVN 13659:2023 Thức ăn chăn nuôi - Protein tôm thuỷ phân. Đây là định hướng của Tổng cục TCĐLCL trong tăng cường gắn kết với doanh nghiệp, nhà khoa học, đẩy mạnh xây dựng TCVN gắn với phát triển kinh tế xã hội bền vững, hội nhập quốc tế.

www.vietq.vn (nhnhanh)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ