SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hoạt tính kháng viêm của dịch chiết tam thất (panax pseudoginseng) trên tế bào đại thực bào

[30/07/2024 15:28]

Phản ứng viêm đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát sinh nhiều loại bệnh như là bệnh tim mạch, viêm khớp, ung thư. Do đó, trong nghiên cứu này các tác giả Vương Diệu Linh, Nguyễn Ngọc Quang thuộc Trung tâm Giải phẫu bệnh & Sinh học phân tử, Bệnh viện K, Việt Nam, Trương Văn Long thuộc Khoa thực phẩm thông minh và thuốc, Đại học Inje, Hàn Quốc đã đánh giá tác dụng kháng viêm của dịch chiết tam thất (Panax pseudoginseng) (PCE) bằng chloroform trên tế bào đại thực bào RAW 264.7 được kích thích với lipopolysaccharide (LPS).

Viêm là một đáp ứng của hệ miễn dịch để bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của các tác nhân bên trong và bên ngoài như vi sinh vật, tác nhân lý hóa, sinh hóa. Đại thực bào là một nhân tố quan trọng của quá trình viêm và trực tiếp chống lại các kích thích trên. Trong suốt quá trình viêm, đại thực bào sản xuất ra hàng loạt các enzyme, chất trung gian, cytokines, cùng với các protein tín hiệu, qua đó thu hút sự di chuyển của các tế bào miễn dịch đến vị trí mô hoặc tế bào bị lây nhiễm hoặc tổn thương để giải quyết các vấn đề bất thường. Tuy nhiên, quá trình viêm kéo dài và không được kiểm soát sẽ dẫn đến sự phát triển nhiều loại bệnh như là xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch, viêm khớp và ung thư. Lipopolysaccharide (LPS) là một thành phần của màng ngoài vi khuẩn Gram âm và thường được dùng để tạo mô hình viêm trong in vitro. LPS có thể hoạt hóa đại thực bào, qua đó kích thích sự tổng hợp các enzyme và cytokine như inducible nitric oxide synthase (iNOS), cyclooxygenase-2 (COX-2), interleukin (IL)-1β, IL-6, tumor necrosis factor (TNF)-α. LPS cũng tăng cường sản xuất các chất trung gian như nitơ oxit (NO) và prostaglandins (PGs) – lần lượt là sản phẩm của các enzyme iNOS và COX-2. Do đó, mô hình LPS kích thích phản ứng viêm trong tế bào đại thực bào RAW 264.7 được sử dụng rộng rãi trong sàng lọc và nghiên cứu các chất kháng viêm.

Ức chế các nhân tố gây viêm là một phương thức hiệu quả cho việc ngăn chặn hoặc điều trị các loại bệnh liên quan đến viêm. Trong những năm gần đây, các sản phẩm từ rau củ quả và thảo dược đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ của các nhà nghiên cứu cũng như là người tiêu dùng do mang nhiều hoạt tính sinh học tiềm năng và ít có tác dụng phụ. Tam thất là loại dược liệu quý và đã được dùng trong y học cổ truyền hàng ngàn năm ở các nước Châu Á, đặc biệt ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam. Củ tam thất được biết đến với nhiều hoạt tính sinh học như chống oxi hóa, kháng viêm, điều hòa miễn dịch, bảo vệ thần kinh và chống ung thư. Từ lâu tam thất cũng được dùng để điều hòa tuần hoàn máu, ức chế sự chảy máu, giảm sưng đau, và điều trị bệnh tim mạch.

Tế bào được xử lý với PCE ở các nồng độ 10, 25, 50, và 100 μg/mL trước 1 giờ, sau đó được kích thích với LPS 1 μg/mL trong 12 giờ. Nồng độ nitơ oxit (NO) được đo bằng phương pháp Griess và mức độ biểu hiện của các protein được xác định bằng phương pháp Western blot.

Kết quả cho thấy: Nồng độ NO giảm tuyến tính với độ tăng nồng độ của PCE. PCE cũng làm giảm biểu hiện của các protein trung gian cũng như cytokine, bao gồm inducible nitic oxide synthase (iNOS), cyclooxygenase-2 (COX-2) và interleukin-1β (IL-1β) trong tế bào được kích thích với LPS.

Nghiên cứu các tác giả cho thấy rằng dịch chiết PCE bằng chloroform ức chế sản xuất NO trong tế bào đại thực bào được kích thích với LPS. Thêm vào đó, PCE cũng đã làm giảm sự biểu hiện của các chất tiền viêm và cytokine như iNOS, COX-2 và IL-1β trong tế bào được kích thích với LPS. Những kết quả chứng minh rằng PCE là một chất kháng viêm tiền năng cho cho việc phòng ngừa và điều trị các bệnh liên quan đến viêm.

Tạp chí Khoa học Nghiên cứu Sức khỏe và Phát triển (Tập 07, Số 05-2023)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài