SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nhãn hiệu nổi tiếng theo Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022

[07/08/2024 14:01]

Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau (Khoản 14 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2022). Pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành quy định quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ở Việt Nam là Cục Sở hữu trí tuệ, khi chủ thể quyền thực hiện việc đăng ký.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, khi nhãn hiệu đã trở nên “nổi tiếng” do quá trình sử dụng liên tục, lâu dài và rộng rãi, nhãn hiệu đó sẽ được “thừa nhận” mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký tại Cục SHTT. Hay nói cách khác, lúc này nhãn hiệu nổi tiếng sẽ có cơ chế bảo hộ riêng mà không theo thủ tục đăng ký tại Cục SHTT. Khoản 20 Điều 4 Luật SHTT sửa đổi năm 2022 quy định: “Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam”

Có thể thấy, so với Luật SHTT cũ, nhà làm luật đã chỉnh sửa thuật ngữ chỉ phạm vi công chúng từ “người tiêu dùng” thành “bộ phận công chúng có liên quan”. Việc thay đổi này đã giới hạn lại phạm vi đánh giá về một dấu hiệu có được xem là nhãn hiệu nổi tiếng hay không. Theo đó, để đánh giá nhãn hiệu có nổi tiếng hay không, người ta sẽ xét trong phạm vi “bộ phận công chúng có liên quan” thay vì xét trên toàn bộ người tiêu dùng như quy định cũ. Mặc dù hiện nay chưa có quy định rõ ràng bộ phận “bộ phận công chúng có liên quan” là bộ phận nào nhưng chúng ta có thể hiểu bộ phận này gồm có:

Người tiêu dùng có liên quan (trực tiếp/tiềm năng) của hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu;

Người có liên quan đến kênh phân phối hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu (nhà sản xuất hoặc nhà cung ứng);

Nhóm chủ thể kinh doanh có liên quan đến hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu

Sự sửa đổi này không chỉ phù hợp với pháp luật quốc tế trong EVFTA, CPTPP, TRIPs và Khuyến nghị chung của WIPO năm 1999 mà còn tạo thuận lợi cho các hoạt động thực thi quyền, khắc phục những cản trở cho các chủ sở hữu có nhãn hiệu nổi tiếng trong mỗi lĩnh vực đặc thù cụ thể, mà chỉ có công chúng, người tiêu dùng trong lĩnh vực liên quan mới có thể biết và tiếp cận. Ví dụ trong trường hợp sản phẩm là thiết bị y tế công nghệ cao được sử dụng trong các bệnh viện phòng khám, không thể yêu cầu toàn bộ người tiêu dùng bao gồm cả người tiêu dùng bình thường biết đến nhãn hiệu đó, mà chỉ cần một bộ phận liên quan đến sản phẩm bao gồm bác sỹ, y tá, người sản xuất, phân phối… tựu chung là những người làm việc trong lĩnh vực y học và dược phẩm biết đến.

Mặt khác, Điều 75 Luật SHTT năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022 quy định:

“Việc xem xét, đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng được lựa chọn từ một số hoặc tất cả các tiêu chí sau đây:

1. Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;

2. Phạm vi lãnh thổ mà hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;

3. Doanh số từ việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;

4. Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;

5. Uy tín rộng rãi của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;

6. Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;

7. Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;

8. Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.”

Theo đó, chủ sở hữu muốn cơ quan có thẩm quyền công nhận nhãn hiệu thuộc sở hữu của mình là nhãn hiệu nổi tiếng chỉ cần có các tài liệu chứng minh quyền sở hữu đáp ứng một trong các tiêu chí quy định tại Điều 75 như trích dẫn trên. So với quy định của Luật SHTT sửa đổi năm 2019, phạm vi các tiêu chí công nhận nhãn hiệu nổi tiếng đã được giới hạn từ việc phải đáp ứng tất cả 8 tiêu chí, thì hiện nay chủ sở hữu nhãn hiệu chỉ cần đáp ứng một số trong các tiêu chí quy định. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế, khi mà rất khó để có thể chứng minh một nhãn hiệu nổi tiếng có đầy đủ cả 8 tiêu chí.

Ngoài ra Luật SHTT sửa đổi năm 2022 còn có quy định mới sửa đổi tại Điểm i khoản 2 Điều 74 như sau: “Thời điểm nhãn hiệu được coi là nổi tiếng khi xem xét để làm nhãn hiệu đối chứng, đó là, nhãn hiệu đối chứng bắt đầu nổi tiếng trước ngày nộp đơn của nhãn hiệu xin đăng ký.”

Điều này có nghĩa rằng, trong các vụ phản đối hoặc hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu dựa trên quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng, thì (1) các bằng chứng chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng phải có (được thiết lập) trước ngày nộp đơn của bên kia và (2) các tài liệu/chứng cứ có sau ngày nộp đơn của bên kia không có giá trị chứng minh và không được chấp nhận.

Quy định mới này có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng thực hiện quyền phản đối hoặc hủy bỏ nhãn hiệu dựa trên quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng.

Từ những phân tích trên, có thể thấy, các quy định mới về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng được sửa đổi trong Luật SHTT năm 2022 đã tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể, dễ áp dụng, tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng, khắc phục được các hạn chế của quy định cũ.

Cục Sở hữu Trí tuệ
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài