SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hội thảo triển khai Chương trình KH&CN phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam cho vùng ĐBSCL

[10/01/2025 10:12]

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết 218/NQ-CP ngày 12/11/2024 của Chính phủ về Phiên họp thường kỳ tháng 10/2024, nhằm tham gia thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, tăng cường đóng góp của khoa học và công nghệ (KH&CN) trong giảm phát thải khí nhà kính; Phổ biến, định hướng cho cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN trên toàn quốc tham gia nghiên cứu, phát triển các công nghệ mới, công nghệ xanh, sạch, tuần hoàn trong các ngành, lĩnh vực, các giải pháp mới về cơ chế, chính sách thúc đẩy mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam, Bộ KH&CN phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ và Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học triển khai Chương trình KH&CN phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam cho vùng ĐBSCL vào sáng ngày 10/01/2025, tại Trường Đại học Cần Thơ.

Đến dự hội thảo, có lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ TN&MT, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, lãnh đạo TP. Cần Thơ, trường Đại học Cần Thơ, lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia,…

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất trù phú và là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, bao gồm nước biển dâng, xâm nhập mặn, sạt lở đất và thời tiết cực đoan. Những vấn đề này không chỉ đe dọa sinh kế của hàng triệu người dân mà còn tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và an ninh lương thực của cả nước. Nhằm đối phó với tình hình này, Tổng Bí thư Tô Lâm trong chuyến công tác Hoa Kỳ tháng 9/2024 đã khẳng định Việt Nam cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net-Zero) vào năm 2050, đồng thời nhấn mạnh vai trò của đất nước trong các nỗ lực quốc tế hướng tới phát triển bền vững. Bộ Khoa học và Công nghệ đã nhanh chóng triển khai Chương trình KH&CN cấp quốc gia KC.16/24-30 nhằm hiện thực hóa cam kết Net Zero, tạo nền tảng cho các giải pháp đột phá như công nghệ thu giữ và lưu trữ các-bon, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn. Hội thảo là cơ hội để thảo luận và tìm kiếm giải pháp thực tế cho mục tiêu Net Zero trong khu vực, biến thách thức thành cơ hội phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo. Tôi kêu gọi tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhà khoa học cùng hợp tác, đề xuất các nhiệm vụ khoa học công nghệ cụ thể để đưa nghiên cứu vào ứng dụng hiệu quả và nhanh chóng.

Ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Cần Thơ phát biểu chào mừng hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Cần Thơ cho biết, biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức nghiêm trọng tại Việt Nam, đặc biệt là tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi mà mực nước biển dâng cao đang đe dọa sinh kế của hàng triệu người dân. Tình hình này gây tổn thất lớn về kinh tế, đồng thời làm suy giảm an ninh lương thực, đẩy mạnh nhu cầu cấp thiết về một nền kinh tế phát triển bền vững với cam kết Net Zero. Việt Nam đã đặt ra mục tiêu giảm 43,5% lượng phát thải vào năm 2030 nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để hoàn thành mục tiêu này, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp, nhà khoa học và cộng đồng là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, thành phố Cần Thơ, trung tâm kinh tế-xã hội của ĐBSCL, đang triển khai nhiều biện pháp đột phá nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, cùng với đó là phát triển kinh tế xanh và bảo vệ môi trường.

Theo Quyết định số 1519/QĐ-TTg về quy hoạch thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cần Thơ được xác định là cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL, với hướng phát triển thành phố sinh thái, hiện đại, đồng thời bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương. Cần Thơ cần trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, và nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, với cơ sở hạ tầng đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu. Thành phố đã và đang tích cực phối hợp với các tỉnh trong khu vực để triển khai các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên và môi trường, cũng như tham gia các hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực quản lý bền vững tài nguyên nước. Những nỗ lực này không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân mà còn hướng tới một tương lai xanh, bền vững cho thành phố và toàn vùng ĐBSCL.

Năm 2023, thành phố Cần Thơ đạt vị trí thứ 17 trong Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) cả nước, tăng 13 bậc so với năm 2022. Nhân dịp Ngày Môi trường Thế giới (5/6), tổ chức WWF đã trao danh hiệu “Thành phố Xanh quốc gia” năm 2024 cho Cần Thơ, ghi nhận những nỗ lực bảo vệ môi trường của thành phố. Là một trong 5 thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, Cần Thơ đã thiết lập chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, kết hợp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và hành động của chính quyền cũng như cộng đồng. Thành phố đã xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai và các giải pháp ứng phó dựa trên khoa học và công nghệ, như nhận diện các rủi ro ngày càng gia tăng, quản lý tài nguyên hiệu quả và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững. Đặc biệt, Cần Thơ hoàn thiện Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2020 - 2030 với tầm nhìn đến năm 2050, lồng ghép biến đổi khí hậu vào phát triển kinh tế - xã hội. Trong lĩnh vực nông nghiệp, thành phố đã tái cơ cấu để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, áp dụng các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường như VietGAP, GlobalGAP. Cần Thơ cũng phối hợp với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long triển khai các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, đồng thời tham gia các chương trình hợp tác quốc tế liên quan đến tài nguyên nước và khí hậu, góp phần nâng cao năng lực ứng phó và quản lý bền vững tài nguyên.

Ông Ngô Anh Tín - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Anh Tín - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ, khoa học và đổi mới sáng tạo đã trở thành động lực then chốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Việc tăng cường ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ là yêu cầu tất yếu, mà còn là nhiệm vụ chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đáp ứng xu hướng hội nhập sâu rộng. Đặc biệt, việc đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, doanh nghiệp đóng vai trò chủ chốt. Doanh nghiệp không chỉ góp phần đạt các mục tiêu phát triển bền vững mà còn hưởng lợi từ chính sự phát triển đó. Tại Cần Thơ, việc thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, chú trọng sở hữu trí tuệ, khởi nghiệp sáng tạo xanh và hợp tác phát triển tài chính xanh sẽ góp phần vào kinh tế tuần hoàn, nâng cao sức cạnh tranh và thực hiện thành công mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Đại biểu tham dự

Hội thảo xoay quanh 8 nội dung chính gồm: Nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam; nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn thiết kế, xây dựng, thử nghiệm các mô hình và đề xuất các giải pháp chuyển dịch xã hội, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp nhằm mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam; nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn, đề xuất giải pháp, điều kiện để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm hỗ trợ mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0; phát triển, ừng dụng các giải pháp quản lý - kỹ thuật phục vụ khai thác và tận dụng hiệu quả nguyên/ nhiên liệu sản xuất, các giải pháp kỹ thuật - công nghệ thu hồi, tận dụng và lưu trữ carbon trong các ngành, lĩnh vực,…

Đại biểu chụp hình lưu niệm

Triển khai Chương trình nghiên cứu và phát triển nhằm xây dựng mô hình hạ tầng giao thông-vận tải-logistics bền vững và giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc phát triển, ứng dụng công nghệ và giải pháp kỹ thuật hiệu quả. Đồng thời, chương trình tập trung vào thiết kế và xây dựng đô thị xanh, hạ tầng kỹ thuật với phát thải carbon thấp, và thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn, từ đó giảm thiểu ô nhiễm trong sản xuất nông nghiệp. Một phần quan trọng trong chương trình là giám sát, phân tích và báo cáo tình hình phát thải khí nhà kính. Các chỉ tiêu đánh giá cụ thể bao gồm: 80% công nghệ và giải pháp quản lý giúp giảm phát thải so với mức cơ sở; 70% sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế; ít nhất 50% nhiệm vụ được ứng dụng thực tiễn; và 29% nhiệm vụ tiếp tục được nghiên cứu. Đặc biệt, chương trình yêu cầu 50% nhiệm vụ có sự tham gia của doanh nghiệp, và 30% số nhiệm vụ cần có đơn xin bảo hộ sở hữu trí tuệ được chấp nhận.

Sở KH&CN TP. Cần Thơ
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ