Nghiên cứu về nhóm hóa chất PFAS và nguy cơ ung thư
Nghiên cứu gần đây của Trường Y Keck thuộc USC đã chỉ ra mối liên hệ giữa nồng độ hóa chất per- và polyfluoroalkyl (PFAS) có trong nước uống và nguy cơ mắc một số loại bệnh ung thư.
.jpg)
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng các cộng đồng có nguồn nước bị ô nhiễm nhóm hóa chất PFAS có thể đối mặt với nguy cơ mắc bệnh cao hơn tới 33%, đặc biệt là các bệnh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, nội tiết, hô hấp, cũng như ung thư miệng và họng. Đây là nghiên cứu đầu tiên tại Hoa Kỳ trực tiếp khảo sát ảnh hưởng của PFAS trong nước uống đối với tỷ lệ mắc bệnh ung thư.
PFAS là những hóa chất nhân tạo được sử dụng rộng rãi trong nhiều sản phẩm tiêu dùng, từ đồ nội thất đến bao bì thực phẩm, và đã được phát hiện trong khoảng 45% nguồn cung cấp nước uống tại Hoa Kỳ. Những hóa chất này khó phân hủy và có khả năng tích tụ trong cơ thể theo thời gian. Các nghiên cứu trước đây đã liên kết việc tiếp xúc với PFAS gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như ung thư thận, vú và tinh hoàn. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2021, nghiên cứu đã chỉ ra rằng các khu vực có nước uống ô nhiễm PFAS có tỷ lệ mắc ung thư cao hơn, với ước tính khoảng hơn 6.800 ca ung thư mỗi năm liên quan đến hóa chất này theo dữ liệu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA).
Phát hiện này không chỉ cung cấp lộ trình cho các nhà nghiên cứu tiếp theo mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý PFAS trong nước uống. Kể từ năm 2029, EPA sẽ bắt đầu kiểm soát mức độ của sáu loại PFAS trong nguồn nước, nhưng có thể sẽ cần phải áp dụng các giới hạn nghiêm ngặt hơn trong tương lai để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.